Quản lý

Đầu tư cao tốc Bắc – Nam là quyết tâm lớn của Chính phủ

24/10/2016, 12:02

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa bên hành lang Quốc hội sáng nay (24/10).

3-0517

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (thuộc thành phần cao tốc Bắc - Nam) đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển KT-XH từ khi đưa vào khai thác - Ảnh: K.Linh

Liên quan đến đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định đây không phải là dự án mới mà là một phần trong dự án tổng thể đường cao tốc Bắc - Nam để nối toàn tuyến.

Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng từng khẳng định: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam là một trong các công trình trọng điểm trong kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn 5 năm. “Thực tế, đề xuất của Bộ GTVT chỉ là một phần trong dự án tổng thể đường cao tốc Bắc - Nam để nối toàn tuyến chứ không phải là dự án mới.Một số dự án thành phần của đường cao tốc này đã hoàn thành như đoạn Long Thành - Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình…”, ông Dũng nói.

“Giao thông trên tuyến QL1 là giao thông hỗn hợp, dân cư sinh sống dọc hai bên, tốc độ khai thác thấp. Cùng với phát triển kinh tế, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện vận tải, áp lực giao thông ngày càng gia tăng trên QL1 và hiện trạng tuyến đường này hiện nay cũng không thể nâng cấp mở rộng được nữa. Càng để lâu chức năng giải quyết vận tải trên trục Bắc – Nam của QL1 sẽ mất dần. Xe không thể chạy được nếu không có đường cao tốc”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói và cho biết thêm: Đề xuất đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam là quyết tâm lớn của Chính phủ, tạo sự đột phá.

“Chính phủ đề xuất nhưng Quốc hội phải đồng tình, các tỉnh phải đồng tình mới có thể tập trung nguồn lực, tháo gỡ cơ chế cho dự án”, Bộ trưởng chia sẻ.

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án, Bộ trưởng Nghĩa cho biết, dự án dự kiến sẽ được đầu tư theo hình thức PPP trong đó 40% vốn ngân sách, 60% huy động từ các nhà đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đều rất khó khăn, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài, với cơ chế như thế này, không ai dám làm.

“Nếu Quốc hội ủng hộ việc triển khai dự án, trách nhiệm huy động 60% vốn còn lại của Bộ GTVT rất lớn và rất khó khăn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Trước đó, trong phiên họp sáng 17/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, quan điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam vì đây là con đường rất quan trọng để góp phần công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nhưng vì dự án cần nguồn vốn lớn từ cả ngân sách và các nguồn vốn huy động, tác động giải phóng mặt bằng cũng lớn nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội coi đây là công trình trọng điểm quốc gia. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.