Thời sự

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển

15/09/2014, 17:19

Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.

Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói khi tham dự lễ khai giảng năm học mới của Đại học Quốc gia Hà Nội sáng nay (15/9).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng năm học mới tại Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 15/9
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng năm học mới tại Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 15/9

Khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu

Phát biểu tại lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đại hội XI của Đảng cũng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong đó việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học và công nghệ là chìa khóa có ý nghĩa quyết định cho sự thành công.

Thủ tướng nêu rõ, năm học 2014-2015 là năm học có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 20 và 29 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ và về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế tri thức, giáo dục đại học nói chung, Đại học quốc gia Hà Nội nói riêng, có trách nhiệm đóng góp tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, tạo đà bước vào kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu chiến lược là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để hoàn thành trọng trách đó, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra 5 nhiệm vụ lớn đối với Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, gồm đổi mới quản trị đại học; đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; và hiện đại hóa cơ sở vật chất.

“Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động, năng động, trí tuệ, tài năng của tập thể lãnh đạo, của các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, tích cực thực hiện vững chắc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ đào tạo, bộ máy tổ chức - cán bộ, về tiền lương, thu nhập, về chi thường xuyên, chi đầu tư... tạo động lực và điều kiện để phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Chấn hưng giáo dục là sự nghiệp nặng nề, vĩ đại, vẻ vang

Thủ tướng cũng yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy đến mức cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thực hiện phân tầng chất lượng các ngành/chuyên ngành để ưu tiên đầu tư có trọng tâm trọng điểm, thu học phí theo đặc thù và chất lượng ngành học. Đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế.

Thủ tướng phát biểu tại Lễ khai giảng
Thủ tướng phát biểu tại lễ khai giảng

Trong bài phát biểu tại Lễ Khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Mỗi cấp học, bậc học có nội dung, phương thức đổi mới phù hợp, song toàn ngành giáo dục Việt Nam đều có mục tiêu chung là hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện làm chủ thể sáng tạo và động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc.

“Tôi tha thiết mong rằng, ngay trong năm học này, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như tất cả các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân cần đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, nhà trường vừa là trung tâm giáo dục vừa phải là trung tâm văn hóa có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển suốt đời.

"Tôi mong rằng, các em hãy luôn hăng say học tập, với tất cả tâm huyết và trách nhiệm, vì bản thân mình, gia đình mình, vì đất nước và dân tộc, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chấn hưng giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc; bồi đắp nguyên khí quốc gia vì một nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa - Hòa bình, thống nhất, độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; dân chủ, tự do và pháp quyền; công bằng, văn minh và giàu mạnh - sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, là sự nghiệp nặng nề, vĩ đại, vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân ta”.

 

Bình Minh

        

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.