Giao thông

Đầu tư PPP giao thông sắp được “cởi trói”

11/01/2018, 11:24

Các quy định về thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) tới đây sẽ có nhiều thay đổi...

14

Theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 30/2015, doanh nghiệp Nhà nước sẽ được tham gia vào các dự án PPP (Trong ảnh: Dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai do VEC làm chủ đầu tư) - Ảnh: Khánh Linh

Nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu, chặn nhà đầu tư yếu

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng dự thảo các nghị định thay thế Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định 30/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ xóa bỏ các bất cập, tạo thuận lợi hơn để hình thức đầu tư PPP tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công hạn hẹp.

Đầu tiên là dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015 quy định sửa đổi phần vốn góp Nhà nước tham gia vào dự án PPP. Cụ thể, theo quy định hiện hành (Nghị định 15/2015), vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn Trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, quy định này sẽ hạn chế sự tham gia từ các nguồn vốn đầu tư công hợp pháp khác như: Nguồn chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công lập...

"Các quy định trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15/2015 và Nghị định 30/2015 đều rất đầy đủ và chặt chẽ. Bên cạnh đó, dự thảo của hai nghị định này cũng có nhiều điều khoản tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án PPP. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khi nghị định được chính thức ban hành, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng thông tư hướng dẫn nhằm cụ thể hóa chi tiết các điều khoản để nhà đầu tư thực hiện”.

Ông Trần Văn Thế
Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn - SBRC

Để khắc phục tình trạng bất cập này, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15 sửa đổi theo hướng bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, vốn góp của Nhà nước (để hỗ trợ xây dựng công trình) được bổ sung từ nguồn là giá trị tài sản công, quyền khai thác tài sản công, đảm bảo theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Quốc hội thông qua.

Liên quan đến quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15/2015 nêu rõ: “Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư (quy định hiện hành là 15%); đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, nhà đầu tư phải có mức vốn chủ sở hữu tối thiểu lần lượt là 20% và 10% đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng và trên 1.500 tỷ đồng”.

Đề cập đến tác động của quy định này đối với các dự án PPP giao thông, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) khẳng định, việc tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư theo quy định của dự thảo Thông tư thay thế Nghị định 15 là rất cần thiết. “Các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông thường có tổng vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài nên việc nâng tỷ lệ vốn tối thiểu lên 20% sẽ đảm bảo cho dự án lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng đủ năng lực tài chính, loại bỏ được những nhà đầu tư yếu kém tham gia vào dự án PPP giao thông”, ông Huy cho biết.

Ngoài ra, để gắn trách nhiệm của nhà đầu tư được lựa chọn qua đấu thầu dự án PPP, hạn chế việc mượn danh đấu thầu, chuyển nhượng dự án dẫn đến chậm tiến độ và nhiều hệ lụy khác, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15/2015 quy định nhà đầu tư chỉ được phép chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp đồng dự án cho bên cho vay hoặc nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng và quy định điều kiện, năng lực của bên nhận chuyển nhượng trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp đồng dự án.

Cởi trói cho doanh nghiệp Nhà nước

Công tác chuẩn bị triển khai xây dựng một số dự án đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã cận kề nhưng thời gian qua lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước lớn có bề dày kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc như VEC, Tổng công ty Cửu Long không khỏi “mất ăn, mất ngủ” khi quy định hiện hành “cấm cửa” họ tham gia vào các dự án này. Cụ thể, theo quy định của Nghị định 30/2015, để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, doanh nghiệp có trên 30% vốn chủ sở hữu của Nhà nước sẽ không được tham gia đấu thầu.

Trình Dự thảo Chính phủ phê duyệt trong tháng 1

Ngày 10/1, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng Hợp tác công - tư, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH &ĐT cho biết: Dự thảo lần 2 các nghị định thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15) về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã được Chính phủ đưa ra thảo luận và lấy ý kiến các thành viên. “Hiện nay chỉ còn thiếu ý kiến đóng góp của Bộ Tài Chính và Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT đã chủ động tiếp thu tổng hợp ý kiến của các bộ để hoàn thiện dự thảo. Trong khoảng 2 tuần nữa sẽ trình lại dự thảo lần cuối để Chính phủ xem xét và phê duyệt”, ông Dũng nói.

Hoàng Ngân

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) nói: “Chúng tôi là đơn vị tiên phong trong đầu tư cao tốc và đã có nhiều kinh nghiệm, năng lực trong công tác quản lý đầu tư các dự án, nhưng nếu không được tham gia đấu thầu vào các dự án PPP đường cao tốc là rất vô lý và Nhà nước cũng lãng phí một nguồn lực rất lớn”.

Những lo lắng của các “ông lớn” Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc đã phần nào được giải tỏa khi dự thảo nghị định thay thế Nghị định 30/2015 đã sửa đổi quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước tham gia vào các dự án PPP. Cụ thể, dự thảo nghị định quy định: Cho phép các doanh nghiệp Nhà nước tham gia các dự án PPP dưới dạng liên danh nhưng với điều kiện tổng tỷ lệ phần vốn Nhà nước trong liên danh không quá 50%.

Bình luận về quy định này, ông Mai Tuấn Anh nói: “Theo quy định hiện hành, những doanh nghiệp Nhà nước như VEC sẽ không được tham gia vào các dự án PPP để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu. Tuy nhiên, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 30 đã cho phép các doanh nghiệp Nhà nước được tham gia vào các dự án PPP nhưng đi kèm điều kiện. Cách tiếp cận để xây dựng nghị định như vậy là rất logic và hợp lý để các doanh nghiệp Nhà nước có điều kiện phát huy năng lực và thế mạnh về năng lực kinh nghiệm quản lý khi tham gia vào các dự án PPP”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.