Chính trị

ĐB Dương Trung Quốc: Bổ nhiệm “đúng quy trình” như cái“ áo chống đạn”

25/09/2016, 13:33

Đó là quan điểm được ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông...

ÐBQH-Duong-Trung-Qu-c-(Ð-ng

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội khóa XII - Ảnh: Ngọc Thắng

Đó là quan điểm được ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông xung quanh việc liên tiếp nhiều vụ liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà như “cả họ làm quan”, mẹ bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ... gây bức xúc dư luận gần đây.

Buông lỏng quản lý để cho mối quan hệ thân quen, họ hàng chi phối

Ông Quốc cho biết: Đã có quan điểm đưa ra là để chấn chỉnh các khâu tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm thì phải thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà. Quan điểm này tuyệt đối đúng ở vế nói về việc thi tuyển để tìm người tài, còn vế thứ hai về “tìm người nhà” như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở việc tìm cách đưa người nhà vào, gạt người tài ra.

Điều này trong lịch sử có từ lâu rồi, bởi người ta cũng hiểu quan chức luôn đi liền với quyền lực, quyền lợi nên mới có truyền thống “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Nhưng tôi thì cho rằng, không nên tuyệt đối hóa một cái gì cả. Tìm người tài thì đúng rồi nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa, vì việc những người cùng một dòng tộc có thể đảm nhiệm một chức vụ gì đó nếu có năng lực thực sự là hoàn toàn có thể…Vì thế, không cần thiết tuyệt đối hóa quan niệm người làm lãnh đạo không thể là người thân trong gia đình. Cái quan trọng nhất phải là người tài, dù là thân hay không.

Câu chuyện này được chúng ta quan tâm và bàn đến trong bối cảnh xã hội của chúng ta đang có thực trạng để yếu tố thân quen chi phối đời sống chính trị, bắt nguồn từ việc quan hệ “xin - cho” nên mới gây ra nhiều điều tiếng trong dư luận mỗi khi thấy có nhiều người trong một gia đình cùng làm lãnh đạo ở một nơi.

Như ông nói thì việc “một người làm quan cả họ được nhờ” đã trở thành “truyền thống”. Vậy trong lịch sử, có quy định nào về việc không cho phép những người cùng dòng tộc làm quan tại một nơi chưa, thưa ông?

Trước đây, thời Vua Lê Thánh Tông có ban hành Luật Hồi tỵ quy định việc bổ nhiệm quan lại xưa. Trong luật này quy định những người thân như anh em, cha con, thày trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển đi chỗ khác. Quy định này nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân thực hiện các hành vi tiêu cực.

"Mỗi khi có sự việc khiến dư luận bức xúc kiểu “cả họ làm quan” như thời gian qua, ngoài việc người trong cuộc đứng ra giải trình thì các cơ quan, tổ chức liên quan cũng cần lên tiếng nói rõ hơn sự việc, giải thích cho dư luận hiểu. Có tiêu cực thì phải xử lý nghiêm, còn nếu không cũng là để người trong cuộc có điều kiện để phát huy năng lực của mình trong công việc."

ĐBQH Dương Trung Quốc

Ngoài ra, trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) có quy định: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; Cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.

Đến thời Vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới như: Quan lại ở các bộ và các tỉnh, huyện, hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Riêng đối với Viện Thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần yếu tố cha truyền con nối thì không phải áp dụng Luật Hồi tỵ.

Những quan lại ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ. Người có quan hệ thông gia với nhau, thày trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.

Đặc biệt, trong luật cũng nêu rõ việc nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình. Tất cả những quy định đó nhằm hạn chế tối đa việc khai thác những mối quan hệ xã hội nói chung, trong đó có mối quan hệ thân tộc để thăng quan tiến chức.

Gần đây, liên tiếp các vụ việc tuyển dụng người nhà được phanh phui khiến dư luận bức xúc. Theo ông, để xảy ra tình trạng đó thì nguyên nhân từ đâu?

Có tình trạng này xảy ra trong xã hội hiện nay là do trong một thời gian rất dài chúng ta đã buông lỏng quản lý, để cho mối quan hệ thân quen nói chung, đặc biệt là quan hệ họ hàng chi phối, len lách, không lấy quy chuẩn quan trọng nhất là quy chuẩn về năng lực để xét tuyển cán bộ nên dẫn đến bộ máy bị tha hóa, khiến nhân dân bức xúc.

Thông thường, người có quyền cũng chính là người phân bố lợi ích, ngoài những người thân quen thì họ tạo thêm những người ủng hộ họ để thuận tiện cho việc đưa người nhà vào mà không dựa vào năng lực, làm hỏng cơ chế. Cái chính là quy trình chưa chính xác, chưa đúng đắn và chặt chẽ nên cần có sự giám sát của nhân dân, nhân dân là người khách quan nhất để đánh giá con người đó có thực tài hay không.

1

ĐBQH Dương Trung Quốc

Quan trọng nhất là đảm bảo sự minh bạch, công khai

Mỗi khi có sự việc nhiều con em, họ hàng của những người làm quan to được đề bạt thì tất cả lý giải đưa ra đều… đúng quy trình, quan điểm của ông thế nào?

“Quy trình” luôn được coi như cái “áo chống đạn” mà người ta thường dùng khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, nói đúng quy trình cũng không chính xác, vì quy trình là do người có quyền đó tạo ra thôi. Bản thân quy trình có vấn đề lớn là không có sự giám sát của cơ quan chức năng và nhất là sự giám sát của người dân. Trong chừng mực nào đó, có thể nói quy trình còn thiếu minh bạch.

Vấn đề xem xét những trường hợp cụ thể là cần thiết nhưng cũng cần xem lại quy trình. Quy trình do nội bộ Đảng quyết định, vậy bộ máy chính quyền và các tổ chức xã hội có được tham gia hay không?

Nhưng thực tế nhiều địa phương, ban, ngành đều tìm cách chứng minh “người nhà đều là người tài”. Ông có cho rằng dẫu họ có giỏi, có tài thì chuyện “cả họ làm quan” ở cùng một nơi cũng để lại điều tiếng và dư luận không hay?

Đương nhiên điều đó là không tốt. Ở đây phải có quy trình hết sức cụ thể, nếu cứ nói đúng quy trình, người nhà cũng là người tài thì chịu rồi, nhưng không bao giờ thuyết phục được dư luận. Phải làm rõ có chuyện anh gạt người tài khác ra để đưa người tài nhà anh vào không? Ở đây chúng ta phải làm thật rõ, công khai, đừng nên tuyệt đối hóa một phía nào cả, nếu người nhà mà là người tài thì cũng được. Nhưng thực tế quy trình của chúng ta lại đang có lỗ hổng, không trung thực, bởi vậy nên phải xem lại quy trình mà nhiều người cho rằng đang có sự lạm dụng.

Theo ông, có nên luật hóa bổ nhiệm cán bộ, công chức để hạn chế tình trạng trên?

Chúng ta có Luật Công chức rồi, vấn đề bây giờ là cần cụ thể hóa quy trình, nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo sự minh bạch, công khai. Còn tất nhiên cảnh tỉnh về tiêu cực là cần thiết, phải hạn chế.

Trong xã hội truyền thống, một trong những phẩm chất rất quan trọng của công chức hay bộ máy quan lại chính là sự liêm sỉ. Nhưng cái đó hiện nay chúng ta không tập trung giáo dục. Ngày xưa chữ liêm quan trọng lắm, giờ hầu như chúng ta ít quan tâm đến nó.

Đề án thi tuyển các chức danh lãnh đạo đã được khởi động từ lâu nhưng đến nay mới chỉ dừng ở mức thí điểm ở một vài cơ quan, địa phương. Theo ông, nếu tiếp tục thi tuyển thì thực tế sẽ khác đi?

Thi tuyển cũng rất tốt, nhưng thi tuyển đó phải trên cơ chế có giám sát chặt chẽ, khách quan, nếu không chuyện thi tuyển sẽ lại trở thành vỏ bọc để bao che việc bổ nhiệm không minh bạch. Quan trọng nhất là bảo đảm tính minh bạch của tất cả các quy trình.

Dư luận đã quá ngán với câu chuyện “cả họ làm quan”, “mẹ quyết định bổ nhiệm con”, “chồng quy hoạch vợ”... Theo ông, để không còn tình trạng này, chúng ta cần làm gì để tạo sự thay đổi?

Từ thực tiễn này chúng ta phải chấn chỉnh lại những việc gây bức xúc xã hội, những cái này không thể bỏ qua được. Tuyển chọn nhân tài là cả một quy trình khoa học - nghệ thuật chứ không đơn giản như cảm tính của mỗi người, thích ai thì đưa người đó vào được.

Các quy định về tuyển chọn phải áp dụng phù hợp với thực tế xã hội. Tại sao khi tuyển chọn chúng ta cứ chỉ chăm chăm nhìn vào lý lịch, nhìn vào chứng nhận của Nhà nước, trong khi các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân họ lại rất đề cao hiệu quả thực tế? Ngoài ra, cái quan trọng nhất phải giáo dục về liêm sỉ. Liêm sỉ chỉ phát huy tốt khi nào sự giám sát của nhân dân, giá trị của dư luận xã hội tác động vào, vì nó liên quan đến uy tín, một người không giữ liêm sỉ, không được người dân tín nhiệm nữa thì cũng không thể làm được việc.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.