Xã hội

ĐBQH có áp lực khi quyết định bấm nút thông qua Luật đặc khu?

08/06/2018, 14:09

"Phải bình tĩnh, đừng vì áp lực mà làm cho mình thiếu cân nhắc để quyết định chính xác", ĐBQH Vũ Trọng Kim nói.

vu-trong-kim

ĐBQH Vũ Trọng Kim - Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp

ĐBQH Vũ Trọng Kim – Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp đã chia sẻ như vậy trước câu hỏi của báo chí về việc ông có áp lực khi góp một lá phiếu quyết định việc thông qua Luật Đơn vị Hành chính- Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu kinh tế).

Thưa ông, Quốc hội chuẩn bị quyết định thông qua Dự án luật về ba đặc khu, tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Vậy đến thời điểm này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về những vấn đề người dân còn nhiều lo lắng hay không?

Sau khi dự thảo luật được đưa ra Quốc hội thảo luận thì cử tri khắp mọi miền gửi ý kiến đến các lãnh đạo cao cấp của  Đảng và nhà nước cũng như đến ĐBQH. Đó là sự quan tâm đặc biệt của nhân dân đến vấn đề quan trọng của quốc gia, là điều rất đáng mừng.

Bởi chỉ khi người dân “bình chân như vại”, không chú ý gì mới đáng lo, chứ xã hội tham gia đầy đủ như thế thì tôi thấy rất mừng.

Có thể có ý kiến nặng, nhẹ khác nhau nhưng đều là sự quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước.

Nói về đặc khu thì chúng ta mong muốn đó là những nơi đột phá với những chính sách có tính chất đặc biệt, để thu hút đầu tư phát triển, không những về kinh tế mà còn là mô hình chính quyền địa phương nữa. Còn nhiều mô hình khác chúng ta cũng muốn tìm sự  bứt phá từ đây.

Tuy nhiên còn nhiều vấn đề mọi người quan tâm, đặc biệt là những chính sách liên quan đến vấn đề khai thác tiềm năng lợi thế ưu đãi hơn so với chính sách đã có trong đất liền, điều đó là đương nhiên.

Nhưng nổi lên hơn cả là người dân quan tâm làm sao giữ được độc lập chủ quyền.

Tôi nghĩ những ý kiến khác nhau đó phải được nghiên cứu và cụ thể hoá trong luật để loại trừ những yếu tố mà trong tương lai có thể ảnh hưởng đến những vấn đề nêu trên. Cho nên cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh làm sao để mọi người bấm nút yên lòng, bấm cho đại diện nhân dân chứ không phải chỉ cho riêng ĐBQH.

Về xin ý kiến đại biểu thì sau phiên thảo luận toàn thể đến nay chưa có văn bản nào khác được phát hành đến đại biểu.

Là một ĐBQH, ông cũng sẽ là người góp một lá phiếu quyết định số phận dự luật này, ông có bị áp lực nhiều không?

Mong muốn của ban soạn thảo và đại biểu là thông qua chính sách kịp thời để có sự khởi sắc của những vùng đất cụ thể, nhưng điều còn băn khoăn trăn trở là tương lai nó sẽ đi theo chiều hướng nào thì cần cân nhắc đưa ra cho đại biểu thảo luận một cách kỹ lưỡng.

ĐBQH phải thay mặt nhân dân quyết định như thế nào cho chính xác là điều hết sức quan trọng tại thời điểm này.

Nhưng tôi nghĩ là phải bình tĩnh chứ đừng vì áp lực mà làm cho mình thiếu cân nhắc, thiếu nghiên cứu và hướng quyết định chính xác.

Tôi ngày đêm đều nhận được những ý kiến của cử tri khắp nơi, người dân bình thường cũng có mà người có trình độ, có nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử, xã hội, kinh tế tình hình trong nước và quốc tế cũng có. Rất nhiều người gửi gắm tâm tư đến ĐBQH.

Như ông nói, tương lai của các đặc khu (nếu được hình thành) sẽ đi theo chiều hướng nào thì cần cân nhắc đưa ra cho đại biểu thảo luận một cách kỹ lưỡng. Nhưng theo quy trình thì trước khi nhấn nút biểu quyết đại biểu chỉ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chứ không có bất cứ lần thảo luận nào nữa. Vậy như thế đã đủ thông tin để đại biểu thể hiện chính kiến của mình chưa?

Cái này tôi nghĩ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có xử lý tiếp, tức là phải để đại biểu có thời gian nghiên cứu thêm và thảo luận xác đáng để bấm nút là phải yên lòng, bấm nút là phải an tâm.

Hiện tại tôi nghĩ mọi đại biểu đã gửi ý kiến đến các đồng chí lãnh đạo và lên Thường vụ Quốc hội rồi và tôi nghĩ hướng xử lý sắp tới sẽ phù hợp với yêu cầu của ĐBQH, có nghĩa là phù hợp với ý kiến của cử tri và nhân dân mong đợi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.