Xã hội

ĐBQH phát ngôn "phải thu thuế người chết": "Tôi bị hiểu lầm!"

28/05/2018, 10:45

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng giãi bày về phát ngôn "phải thu thuế với người đã chết" đang gây phản ứng từ dư luận.

luu-binh-nhuong

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Vừa qua, phát biểu trên nghị trường của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội về việc “phải thu thuế với những người đã chết” đã gây nhiều phản ứng trong dư luận.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 28/5, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông đã nhận nhiều ý kiến trái chiều sau phát biểu này. Tuy nhiên theo ông, nhiều người đã hiểu sai ý nghĩa của phát biểu của ông, trên mạng cũng có nhiều “ảnh chế” về phát biểu này, nhưng khi được trao đổi lại, có những người dùng facebook đã rút ảnh.

Ông khẳng định: “Tôi nói đúng theo Luật chứ không mang ý nghĩa chỉ trích người đã chết, tôi muốn nói về trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ trưởng Tài chính làm sao đảm bảo thu thuế cho Nhà nước, tránh hiện tượng bất bình đẳng giữa những người tham gia sản xuất kinh doanh và người nộp thuế”.

Dẫn chứng cho quan điểm của mình, ông lấy ví dụ điển hình: Một ông chủ sản xuất kinh doanh cộng dồn lại nợ 200 triệu tiền thuế, ông ấy bất ngờ đột tử. Tiền thuế lúc đó là một món nợ của ông ấy. Nhưng về nguyên tắc, hộ sản xuất kinh doanh thừa kế lại của ông chủ đó phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với khoản nợ thuế kia, nghĩa là người ta phải sử dụng tài sản của bản thân mình, của gia đình mình để đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Khẳng định nghĩa vụ thuế là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của một công dân, đặc biệt của người kinh doanh, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng trong trường hợp này, theo Luật thừa kế, những người là thành viên trong gia đình nếu thừa kế tài sản và các quyền liên quan thì đồng thời phải thừa kế các nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế.

Như vậy có nghĩa là, không phải người chết cũng phải nộp thuế, mà người thừa kế của người chết phải nộp thuế đó. Tôi muốn Bộ tài chính phải chỉ đạo để rà soát vấn đề này, tránh hiện tượng thất thoát ngân sách, và đảm bảo bất bình đẳng giữa các công dân trong quá trình nộp thuế.

“Ý của tôi là như vậy chứ không nói truy cứu việc nộp thuế người chết. Mong báo chí khi giật tít hết sức lưu ý để tránh hiểu lầm của xã hội, vì báo chí phản ánh và định hướng dư luận, chúng tôi mong làm sao để tiếng nói trên nghị trường khi đưa ra bên ngoài được tiếp nhận ngay, không bị hiểu lầm” – ông Nhưỡng chia sẻ.

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ đọng thuế đã giảm cả về số tuyệt đối và tỉ lệ so với tổng thu ngân sách nhà nước, trong đó số thuế nợ đọng giảm từ 81.970 tỷ đồng năm 2016 xuống còn 73.100 tỷ đồng cuối năm 2017, tương ứng với giảm 10,8%. Riêng số nợ thuế có khả năng thu hồi giảm từ 31.700 tỷ đồng xuống 26.000 tỷ đồng, tương ứng với số giảm là 18% và bằng khoảng 2,5% tổng thu ngân sách.

Trong số thuế, nợ đọng còn lại, số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến cuối năm 2017 là 31.500 tỷ đồng, tăng 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2016 và chiếm 43% tổng nợ thuế.

“Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể, không còn tài sản để thu hồi nhưng chưa được xóa và vì chưa được xóa nên theo quy định của pháp luật vẫn phải theo dõi và tính phạt chậm nộp 0,03%/1 ngày, nên số nợ này càng tăng” – ông Đinh Tiến Dũng thông tin và cho biết đang tích cực rà soát hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để trình Quốc hội cho xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi để đảm bảo phản ánh đúng thực chất số nợ thuế minh bạch trong quản lý thuế.

Trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, công tác thu ngân sách vừa qua đã có sự chuyển biến rất tích cực, qua việc đó chúng ta đã tăng thu, giảm nợ, giảm lỗ, đó là một sự cố gắng. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, theo ông Nhưỡng, công tác này trước đây chúng ta đã chưa làm hết trách nhiệm nên cần tiếp tục được chấn chỉnh.

“Riêng về vấn đề một số người nợ thuế đã chết, tôi đề nghị rà soát để xác định rõ là người chết thì người thừa kế vẫn phải nộp. Vì theo quy định của Luật Thừa kế thì không phải chết có nghĩa là đã hết nghĩa vụ, chết không có nghĩa là hoàn toàn xóa khoản nợ, mà đây là tiền ngân sách của Nhà nước, là một vấn đề mang tính kỷ luật rất cao” – ông Nhưỡng kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.