Thời sự

ĐBQH sẽ nêu gương không dự liên hoan, tiệc tùng trong kỳ họp

19/10/2018, 06:00

Chiều 18/10, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6...

4

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo

Một nội dung được đặc biệt quan tâm trong cuộc họp này là những vấn đề xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Hồ sơ người được lấy phiếu gửi trước 30 ngày

Trả lời câu hỏi của PV về việc vì sao lấy phiếu tín nhiệm sẽ được đẩy lên sớm vào đầu kỳ họp thay vì giữa kỳ như dự kiến, có phải để tránh tình trạng lobby, vận động hành lang trước khi lấy phiếu tín nhiệm, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo chương trình, ngày 22/10 khai mạc Quốc hội thì hai ngày sau sẽ lấy phiếu tín nhiệm luôn. “Chúng tôi tham mưu việc lấy phiếu tín nhiệm tiến hành trước các phiên chất vấn. Vì chất vấn chỉ tiến hành một số thành viên Chính phủ có liên quan đến nội dung trong nghị quyết chuyên đề giám sát của chất vấn, nhưng chất vấn có thể có những nội dung tốt hoặc chưa tốt, mà việc này dễ ảnh hướng đến lấy phiếu tín nhiệm. Vì thế, nếu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn thì “tất cả đều như nhau”, như thế sẽ công bằng”, ông Phúc giải thích.

Tổng thư ký QH nhấn mạnh, việc đánh giá tín nhiệm không căn cứ quá trình công tác và mức độ hoàn thành nhiệm vụ sau gần 3 năm đảm đương nhiệm vụ của mỗi chức danh. Bên cạnh đó còn căn cứ vào văn bản, báo cáo tự đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm.

Ông Phúc thông tin thêm, Văn phòng Quốc hội đã gửi sớm toàn bộ hồ sơ đánh giá lấy phiếu tín nhiệm trước 30 ngày để ĐBQH có thời gian nghiên cứu sớm.

Cũng liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, trong số các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm có 18 vị là thành viên Ủy ban Thường vụ QH, báo chí băn khoăn liệu những người này có lợi thế hơn trong lấy phiếu tín nhiệm so với những người ở khối Chủ tịch nước hay Chính phủ, Tổng thư ký QH khẳng định danh sách lập như nhau. Dù ĐBQH đánh giá ở góc độ hoàn thành nhiệm vụ của những người ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác với Chính phủ, với Thủ tướng, nhưng tất cả vấn đề đều được ĐBQH nắm hết, không ưu tiên ai và cũng không có cơ sở gì ưu tiên ai cả. “Tôi nghĩ là đánh giá công bằng”, ông Phúc nói.

ĐBQH cần nêu gương, không dự tiệc tùng

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, trong thời gian kỳ họp Quốc hội diễn ra, các ĐBQH cần thực hiện việc nêu gương, tránh gặp gỡ, giao lưu, liên hoan tiệc tùng. Tổng thư ký QH cũng đánh giá, việc này rất phản cảm nên phải làm nghiêm. “Từ nay, các cuộc họp không liên hoan gì cả. Nhất là vào dịp lấy phiếu tín nhiệm như thế này càng không nên”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ông, việc này thể hiện quyết tâm nêu gương và ĐBQH cũng là cán bộ, đảng viên nên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương và nó cũng có ý nghĩa hơn trong dịp Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Đề nghị Bộ Công an xác minh việc lãnh đạo nhiều Đoàn ĐBQH bị tống tiền

Cũng tại cuộc họp báo, PV có đặt vấn đề về việc thành viên thuộc văn phòng đoàn ĐBQH một số tỉnh bị nhắn tin đe dọa, tống tiền, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, ông đã yêu cầu và nhận được báo cáo thể hiện tình hình đúng như báo chí phản ánh. “Tôi đã có văn bản gửi Bộ Công an xác minh thông tin này nên chờ cơ quan chuyên môn xác minh cụ thể”, ông Phúc thông tin và cho biết thêm, một số người khác cũng nhận được tin nhắn tương tự từ lâu chứ không phải bây giờ mới có, trong đó có người đã nghỉ hưu 2 năm.

Cũng theo ông Phúc, chương trình nghị sự của kỳ họp lần này có nhiều nội dung quan trọng. Bên cạnh công tác lập pháp, việc lấy phiếu tín nhiệm và công tác nhân sự sẽ được tiến hành sớm, ngay đầu kỳ họp.

Cụ thể, cuối giờ chiều ngày 22/10, Chủ tịch Quốc hội sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Kết quả sẽ được công bố vào 15h chiều ngày hôm sau. Ngay sau đó, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT với ông Trương Minh Tuấn, đồng thời phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TT&TT với ông Nguyễn Mạnh Hùng (đã được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng).

Tại phiên trù bị trước giờ khai mạc, Quốc hội sẽ thực hiện nghi thức tưởng niệm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và hai ĐBQH khoá XIV vừa từ trần là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ĐBQH TP HCM) và ông Lê Minh Thông (ĐBQH tỉnh Thanh Hoá).

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, trong đó có một số dự án đáng chú ý như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước... Kỳ này, Quốc hội tiếp tục dành trọn 3 ngày cho công tác chất vấn và trả lời chất vấn.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao của nước ta, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.