Kinh tế

“Để DN chiến đấu với thương trường thay vì với bộ máy”

21/11/2018, 08:06

Các chuyên gia cho rằng, làm sao để DN dành sức lo cạnh tranh thương trường thay vì phải chiến đấu với bộ máy!

19

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, các bộ, ngành mới cắt giảm được khoảng 40% điều kiện kinh doanh, không đạt con số ít nhất 50% như yêu cầu của Chính phủ

58% DN phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện

Đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, song doanh nghiệp (DN) cho biết, một số chưa đi vào thực chất. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI), Nghị định 15/2018 (thay thế Nghị định 38/2012) về an toàn thực phẩm là một trong những Nghị định tốt nhất theo đánh giá của nhiều DN bởi có sự thay đổi tư duy quản lý khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tiết kiệm cho doanh nghiệp rất nhiều chi phí hành chính, nhiều ngày công.

Đề nghị khôi phục “cơ chế máy chém”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị khôi phục “cơ chế máy chém”. Có nghĩa là các điều kiện kinh doanh gây phiền hà cho DN đã được Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT và VCCI rà soát, lên danh sách nếu các bộ không tự cắt bỏ thì tới 31/12/2018 sẽ tự động bị cắt bỏ. “Chờ bộ, ngành thì không biết bao giờ mới cắt được”, bà Lan nói.

Đây là một trong những kết quả tích cực qua thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển DN được cho biết tại buổi công bố báo cáo về nội dung này dưới góc nhìn DN ngày 20/11. Theo đó, đến hết tháng 10/2018 đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành. DN có nhận thấy sự cải thiện trong 11 lĩnh vực được liệt kê. Trong đó, vấn đề tiếp cận điện năng là một trong 2 lĩnh vực được DN đánh giá cao nhất trong thực hiện Nghị quyết 19, sau hạ tầng mạng điện thoại. Một số tỉnh, thành phố được cộng đồng DN đánh giá cao như: Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Định, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, An Giang, Long An. Khu vực có tỷ lệ DN cảm nhận tích cực nhất là ĐBSCL.

Nhưng khảo sát của VCCI cũng cho thấy mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ. Việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến với 58% trên tổng số DN phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% DN cho biết gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này. Các bộ đều báo cáo đã hoàn thành mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh, nhưng theo đánh giá của Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cắt giảm có tác động thực chất chỉ khoảng trên 40%.

Đơn cử, Bộ Xây dựng được đánh giá cao với mô hình 1 cửa với 41 thủ tục được thực hiện online giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thủ tục xin giấy phép xây dựng cũng của bộ này vẫn rất phức tạp nên tỷ lệ thuê khoán dịch vụ cao.

Nếu làm sớm, DN đỡ lãng phí 277.500 tỷ đồng?

Từ điểm sáng là Nghị định 15 về an toàn thực phẩm giúp DN giảm chi phí thủ tục tới 3.700 tỷ đồng mỗi năm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tính toán: Nếu làm sớm thì trong 5 năm qua (kể từ khi Chính phủ lần đầu ban hành Nghị quyết 19/2014 - PV) đã không tốn 18.500 tỷ đồng chi phí cho riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm. Và nếu nhân với 15 nghị định được ban hành về cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách môi trường kinh doanh thì con số tạm tính lên tới 277.500 tỷ đồng đã lãng phí của DN. Bà Lan cho rằng con số đó là khổng lồ, chi phí xã hội bỏ ra quá lớn. “Đấy là tiền, chưa kể còn con người, bộ máy. Đáng lẽ sức DN là để lo cạnh tranh, tồn tại thương trường chứ không phải để chiến đấu với bộ máy”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Trước tình trạng Chính phủ rất tích cực, rốt ráo, rất “nóng” nhưng dường như bên dưới bộ ngành, địa phương các cấp vẫn “lạnh”, bà Lan đặt vấn đề: “Sao không trừng phạt, loại bỏ thay vì cứ để nguyên tốn tiền thuế của dân, ảnh hưởng tới danh tiếng chung cả bộ máy? Đơn vị nào để cấp dưới quấy nhiễu người dân, DN cũng phải bị “thẩy” ra”, bà Lan nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) bổ sung: Các DN trong hiệp hội phản ánh khi họ làm sai thì bị dẫn ngay những quy định rất cụ thể, đầy đủ và trực quan để xử phạt hành chính. Nhưng khi cán bộ làm sai, làm trái, làm ngược với quy định thì không thấy có quy định nào phạt cả. Tôi nghĩ phải có Nghị định nào đó xử lý công chức hay viên chức làm sai. Nhưng hiện nay nhiều trường hợp làm sai hôm trước, hôm sau vẫn thấy làm việc bình thường”, ông Nam bức xúc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.