Trong nước

Để HLV nội hết sợ lên tuyển

25/09/2017, 07:27

Có một thực tế rất đáng buồn, hầu hết các HLV nội danh tiếng đều không mặn mà trong việc dẫn dắt đội tuyển...

21

Sau HLV Hữu Thắng, rất khó tìm một nhà cầm quân nội dẫn dắt đội tuyển Việt Nam

Có một thực tế rất đáng buồn, hầu hết các HLV nội danh tiếng đều không mặn mà trong việc dẫn dắt đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Đây chắc chắn là bài toán Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần đi tìm lời giải nếu không muốn cứ phải mãi xài “hàng ngoại”.

Chim sợ cành cong

Việc HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức vì thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 đã đẩy VFF vào thế bị động. Và chính khi VFF rơi vào hoàn cảnh bị động, chúng ta mới thấy được một thực tế đáng buồn, hầu hết các HLV danh tiếng đều không muốn hoặc không dám nhận trọng trách dẫn dắt ĐTQG. Câu chuyện này không hề mới bởi thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, khi HLV Toshiya Miura bị sa thải, dù thống nhất chủ trương dùng thày nội nhưng VFF cũng rất chật vật mới tìm được người thay thế. Bản thân HLV Nguyễn Hữu Thắng khi đó cũng không phải là sự lựa chọn số 1 nhưng mấu chốt vấn đề là ông dám gật đầu, trong khi tất cả những cái tên khác đều từ chối khéo. Nói một cách hình tượng, HLV nội đối với chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG giống như “chim sợ cành cong”.

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, sở dĩ HLV nội sợ lên tuyển là do sức ép quá lớn và ít được tạo điều kiện so với các HLV ngoại: “Từ trường hợp HLV Hữu Thắng, ai cũng thấy vị trí HLV trưởng ĐTQG phải chịu nhiều sức ép ra sao. HLV ngoại không biết tiếng Việt, không đọc được báo Việt nên đương nhiên không biết truyền thông nói gì về mình. HLV nội thì khác, những gì diễn ra xung quanh họ đều biết, cảm nhận được. Ngoài ra, VFF vẫn luôn tạo điều kiện tốt hơn cho HLV ngoại, đặc biệt là trong các chuyến tập huấn. Dưới thời Hữu Thắng, chúng ta có một số chuyến tập huấn nước ngoài nhưng đều không đem lại hiệu quả vì chi phí rẻ hoặc được đài thọ”. Cạnh đó, ông Xương còn cho rằng, HLV trưởng ĐTQG luôn rất cô đơn vì không được đóng góp về mặt chuyên môn, tự làm và tự chịu trách nhiệm.

HLV Phan Thanh Hùng của CLB T.Quảng Ninh, người từng dẫn dắt ĐTVN lại khẳng định, tâm lý chỉ là một phần khiến HLV nội không muốn lên tuyển: “Các HLV tốt trong nước đều đang dẫn dắt các CLB, có hợp đồng thì phải tôn trọng hợp đồng. Họ không thể bỏ CLB để lên tuyển và đẩy CLB vào thế khó. Ở nước ngoài, rất nhiều HLV giỏi họ cũng đâu dẫn dắt ĐTQG. Ngoài ra, tiêu chí phải có bằng FIFA Pro thì ít người đáp ứng được”.

Cần giải pháp dài hơi

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, nếu muốn sử dụng HLV nội cần có lộ trình cụ thể. “Nếu VFF muốn HLV trong nước dẫn dắt ĐTQG thì phải có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển. Ví dụ, như tìm ra một nhóm HLV tiềm năng từ các giải trẻ, đào tạo dần dần. HLV trưởng U18 thì làm trợ lý ở U20, HLV U20 lại làm trợ lý ở U23, HLV U23 làm trợ lý ở ĐTQG. Cứ thế, ngoài việc thống nhất được lối chơi của các đội tuyển, các HLV cũng được tôi rèn nhiều hơn, va vấp nhiều hơn, dẫn đến tự tin hơn. Bên cạnh đó, VFF cũng phải tạo điều kiện cho các HLV tiếp cận với khoa học thể thao tiên tiến, nâng cao bằng cấp để đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn do FIFA đề ra”, ông Xương nhìn nhận.

HLV Nguyễn Đức Thắng của Sài Gòn FC thì cho rằng, để HLV nội mạnh dạn ngồi vào ghế nóng của ĐTQG thì nhất thiết VFF phải tạo ra được sự yên tâm và có cơ chế thuận lợi. “Tại sao VFF không ký hợp đồng 4-5 năm? Tại sao lại cứ phải có thành tích mới được gia hạn hợp đồng, thất bại là bị sa thải? Như vậy không HLV nội nào muốn bỏ CLB để lên tuyển dù tôi biết nhiều người rất tâm huyết. Chúng ta phải nhìn nhận rõ trình độ bóng đá Việt Nam đang ở đâu, công tác đào tạo như thế nào để đưa ra nhiệm vụ cụ thể, hợp lý cho HLV. Từ đó mới đánh giá chính xác được năng lực cầm quân của HLV”, vị thuyền trưởng Sài Gòn FC đánh giá.

Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu có nên nâng cao hơn vai trò hỗ trợ của Hội đồng HLV Quốc gia với các HLV trưởng ĐTQG, HLV Đức Thắng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ đã là HLV trưởng, không ai muốn bị can thiệp về mặt chuyên môn khi cầm quân. Hội đồng HLV Quốc gia cũng có chức năng và nhiệm vụ riêng, hoạt động theo quy chế. Dư luận, truyền thông không hiểu rõ vấn đề nên nhìn nhận sự việc chưa thực sự thấu đáo”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.