Chuyện dọc đường

Để không còn bất an khi ra đường

09/01/2019, 07:06

Tình trạng tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia ở Việt Nam thực sự rất đáng báo động.

4

CSGT Tuyên Quang kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên đường Bình Thuận (phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang) - Ảnh: Yến Chi

Sự an toàn về tính mạng con người đáng lẽ là điều luôn phải được đặt lên hàng đầu nhưng giờ ra đường cảm thấy rất mong manh, lơ lửng.

Trước đây, trong một làng hoặc một xã chỉ có vài người nghiện rượu, hay say rượu và có hành động thiếu chuẩn mực. Hầu hết mọi người khi đó có dịp lễ, Tết chỉ uống cho vui, chúc tụng cũng lịch sự và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng bây giờ về một làng xã, hình ảnh những người “tây tây” do rượu bia thấy phổ biến, không chỉ dịp lễ, Tết mà cả ngày thường. Hình ảnh thanh niên ôm vai bá cổ nhau, đi loạng choạng, sẵn sàng gây hấn với người khác trở nên quen thuộc. Trong nhiều gia đình, tình trạng uống rượu, bia rôm rả đến mức không chịu nổi. Văn hóa uống rượu, bia từ tự nguyện trở thành “ép buộc”, không uống thì giận dỗi nhau.

Nông thôn là vậy, ở thành thị, rượu bia dần trở thành công cụ không thể thiếu để giao tiếp. Đôi khi chỉ cần tan việc công, nhiều người đã rủ nhau đi “chén chú, chén anh” như một thói quen, rồi cho như thế mới là đẳng cấp, là giỏi giao thiếp. Những người không biết uống rượu bia trở thành hiện tượng lạ trong xã hội.

Vấn đề của chúng ta bây giờ là trên mọi lĩnh vực trước hết phải tuyên truyền một cách mạnh mẽ, việc kêu gọi “Đã uống rượu bia thì không lái xe” là cuộc vận động phải được triển khai thực hiện đa chiều và phải có nhiều phương cách khác nhau. Mỗi công sở phải nâng cao kỷ luật, kỷ cương. Kỷ luật công sở của chúng ta hiện nay rất lỏng lẻo. Phải phát huy nhân tố phát động, kêu gọi mọi người tự giác xa rời rượu, bia.

Thực tế cho thấy, việc uống chưa chắc ai cũng muốn, nhưng do không có người đứng đầu đủ can đảm, kêu gọi rồi dũng cảm ra quyết định. Nếu ở một cơ quan, người đứng đầu không uống và kêu gọi mọi người không uống, chắc chắn nhân viên sẽ không dám, hoặc không phải uống. Bởi đa phần mọi người đều nhận biết được hậu quả của rượu bia đến sức khỏe và tính mạng của mình và người khác khi tham gia giao thông.

Liên tiếp những vụ TNGT nghiêm trọng do rượu bia, làm chết và bị thương rất nhiều người gần đây, tôi cho rằng, đã đến lúc cần những chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý những người đã sử dụng rượu bia vẫn lái xe. Trong đó, những lực lượng thi hành pháp luật phải cương quyết hơn, không xuê xoa, xử lý cho qua mà kiên quyết phạt nghiêm mới đủ sức răn đe, ngăn chặn. Nếu cần thiết có thể tăng nặng thêm mức xử phạt để mọi người ý thức được hậu quả mình phải gánh chịu nếu uống rượu bia vẫn lái xe tham gia giao thông.

Cùng đó, để đẩy lùi vấn nạn lạm dụng rượu, bia như hiện nay, từng khu dân cư, từng làng, xã, thôn, bản cũng nên vào cuộc, có những quy ước “bất di bất dịch” để mọi người phải tuân theo. Đơn cử tại Nghệ An, nhiều vùng quy ước trong đám cưới, đám tang không thuốc lá và không rượu. Kể cả những người ở nơi khác về chưa biết quy ước của làng, người nhà lập tức nhắc nhở. Dần dà, nó sẽ trở thành “tục” để người ta nhớ đến như một phong tục đẹp, một thói quen tốt nơi bản địa.          

 Nguyễn Hùng Vĩ
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.