Xã hội

Đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm tải trại giam

12/11/2018, 17:20

ĐBQH Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải cho các trại giam.

ho-duc-phoc_bolc

ĐBQH Hồ Đức Phớc - Tổng kiểm toán Nhà nước 

Chiều nay (12/11), các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự.

Dự thảo luật quy định căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Không đồng tình với quy định này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam ngoài việc tạo hình ảnh phản cảm, còn có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn cũng như tạo sự lạm dụng của cán bộ trại giam.

Về việc trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Luật này, theo ông Hồ Đức Phớc là không nên mà có thể tổ chức học nghề, sản xuất trong trại, ký hợp đồng bán sản phẩm.

Đáng lưu ý, ông Phớc cũng đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ở một số nước có áp dụng gắn chip theo dõi, còn ở ta có tha tù trước thời hạn có điều kiện mỗi năm 3 lần để thể hiện tính nhân đạo và cũng là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt thì được ở ngoài. Bà Nga cũng đồng tình với đề xuất của Tổng kiểm toán Nhà nước và cho rằng, giai đoạn này tiếp tục nghiên cứu “tù tại gia” cũng là một cách.

Nhắc đến việc cho phạm nhân đi lao động, bà Nga cho rằng “không tổ chức lao động thì không ai trông được số lượng lớn phạm nhân như thế”, nhưng hiện nay là lao động trong phạm vi trại giam dưới sự quản ý của cán bộ. Việc đưa ra ngoài lao động sẽ rất phức tạp và trên thực tế cũng có trường hợp bỏ trốn, rồi hình ảnh phản cảm, tác động đến người dân xung quanh.

“Nơi nào khó khăn thì đề nghị địa phương tạo điều kiện về đất đai để tổ chức lao động cho phạm nhân. Có phối hợp với doanh nghiệp thì cũng tổ chức lao động trong trại. Tôi không đồng ý đưa hẳn ra ngoài” - bà Nga nêu quan điểm.

Liên quan đến đề xuất dạy nghề và lao động của phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Hoàng Văn Hùng - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Nguyên cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng.

“Đã là phạm nhân thì phải có sự khác biệt. Tội phạm được đưa vào trại là để cải tạo, có cách ly để thi hành án. Lao động của phạm nhân là trong trại giam, tại các điểm sản xuất... để tránh trốn trại, bảo đảm an toàn. Tôi không đồng tình cho phạm nhân ra lao động ở ngoài” - ông Hùng nêu quan điểm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.