Xã hội

Đề nghị sớm có Luật Biểu tình

13/06/2018, 07:29

Luật Biểu tình đúng là một vấn đề nhạy cảm nhưng không phải là vấn đề mới, được quy định từ Hiến pháp 1946...

19

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, chưa có Luật Biểu tình là Nhà nước còn nợ nhân dân

Theo các ĐBQH, sự việc nhiều người dân ở các địa phương tụ tập đông người nhằm biểu thị thái độ phản đối Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (đặc khu) một lần nữa đặt ra câu chuyện sự cần thiết của Luật Biểu tình, nhằm điều chỉnh hành vi của người dân trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Quyền hiến định của công dân

Dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên từ đó đến nay, Luật này vẫn chưa được trình ra.

"Quản lý xã hội bằng pháp luật là phương thức quản lý khoa học, văn minh, đúng với tư tưởng Nhà nước pháp quyền, càng phức tạp và nhạy cảm thì càng cần có luật để giải quyết. Chuyện biểu tình, tụ tập đông người là chuyện nhạy cảm đối với các nước chứ không phải riêng Việt Nam, nhưng các nước đều xử lý bằng luật. Còn nếu không sẽ phát sinh vấn đề. Chúng ta không nên e ngại điều gì, bởi đã có hệ thống pháp luật trong tay thì không kẻ nào có thể lợi dụng kích động, lôi kéo người dân làm những việc phi pháp được”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Lưu Bình Nhưỡng, Luật Biểu tình đúng là một vấn đề nhạy cảm nhưng không phải là vấn đề mới, bởi đã được quy định từ Hiến pháp 1946, sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công nhận quyền này của công dân. Việc đến nay chưa có Luật để cụ thể hóa các quyền đã được hiến định là một điều đáng tiếc. Nếu xây dựng Luật này, ông Nhưỡng cho rằng, chúng ta sẽ có những quy định cụ thể về trường hợp nào được biểu tình, trường hợp nào bị cấm, hành vi nào bị coi là hành vi vi phạm, hành vi nào bị xử phạt hành chính, hành vi nào bị xử lý trách nhiệm hình sự.

“Những quy định rõ ràng, cụ thể ấy sẽ giúp người dân tự đánh giá, điều chỉnh được hành vi của mình trong khuôn khổ, còn cơ quan quản lý Nhà nước cũng dễ dàng trong quản lý khi có đủ cơ sở pháp lý”, ông Nhưỡng nói.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dù Luật Biểu tình đã được đặt vấn đề từ khoá XIII, nhưng Luật này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để làm sao cho phù hợp với thể chế, chế độ chính trị của chúng ta. Là người đã từng đi khảo sát các địa phương và cũng là thành viên của cơ quan có trách nhiệm thẩm tra nếu Luật này được trình Quốc hội, Thiếu tướng Nghĩa cho rằng, cần có sự thống nhất chung khi xây dựng Luật này, đặc biệt, phải làm rõ khái niệm “biểu tình” là gì. Khảo sát ở một số nước trên thế giới, ông Nghĩa cho biết, họ nói về biểu tình khác chúng ta, vì thế phải nghiên cứu rất kỹ để ban hành trong một thời điểm phù hợp, thống nhất với các quy định hiện nay.

Không có Luật, sẽ bị động, khó xử lý

ĐB Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho hay, phần lớn các nước trên thế giới đều có Luật Biểu tình và Việt Nam cũng nên có. “Như sự việc diễn ra mấy ngày vừa rồi, nếu có Luật thì sẽ điều chỉnh các hành vi này trong khuôn khổ, đặc biệt, sẽ không còn kẽ hở để các thành phần phản động lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động”, ông Hoà góp ý và mong trong nhiệm kỳ này Luật sẽ được trình Quốc hội.

Theo ông Hòa, hiện nay, các đối tượng có hành vi xúi giục, gây rối vẫn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, Dân sự, nhưng nếu có Luật thì sẽ có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như cho phép người dân được biểu tình có nơi, có chỗ, có giờ giấc, các cơ quan chức năng sẽ chủ động hơn trong việc bố trí lực lượng để giữ gìn an ninh trật tự. Còn như hiện nay, lực lượng chức năng nhiều khi bị động, bất ngờ, không lường trước được mức độ và hình thức mỗi khi có tình trạng người dân tụ tập đông người.

Trong khi đó, ĐB Dương Trung Quốc phân tích, người dân có quyền thể hiện thái độ, ý kiến của mình, đó là quyền cần được tôn trọng, nhưng quan trọng là thể hiện quyền đó thế nào. Ông Quốc cho rằng, nếu có Luật Biểu tình thì với những vụ việc như vừa qua, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được, tránh được sự căng thẳng. “Tôi nghĩ chúng ta không nên nói tránh, e ngại bởi đó là nhu cầu thực tiễn đang đặt ra, có Luật sẽ có lợi cho cả người dân và Nhà nước. Luật để định hướng, giáo dục người dân, không để dân bức xúc mà không biết bày tỏ vào đâu, vào lúc nào, chỗ nào, đến mức độ nào. Luật cũng sẽ là khung pháp lý để Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn, kiểm soát tốt hơn”, ông Quốc nêu quan điểm.

Từ góc độ khác, ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa thông tin, việc xây dựng Luật Biểu tình và Luật Hội nằm trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005, Nghị quyết đó đã chỉ ra vì sao phải xây dựng 2 luật này. “Vì sao từ năm 2005 đến nay chúng ta chưa xây dựng được? Ta đã bắt tay xây dựng rồi, nhưng có một số vướng mắc, khó khăn nên chưa làm. Nhưng đáng ra ta phải tranh thủ xin ý kiến, đưa ra cho nhân dân góp ý rồi nghiên cứu và có những bước thử nghiệm nhất định. Nếu chúng ta quyết tâm làm và tập trung trí tuệ của các luật gia, luật sư, chuyên gia thì ta sẽ làm được thôi. Tôi cho rằng đã đến lúc phải đưa Luật Biểu tình vào chương trình lập pháp”, ĐB Nghĩa nói.

Ngày 16/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 36 và cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Tại đây, Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (tháng 5/2015) sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (10/2016).

Tháng 6/2015, Quốc hội đã biểu quyết lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 (một năm sau).

Tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 17/2/2016, Luật Biểu tình tiếp tục được xin lùi lại.

Đến Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ngày 26/7/2016, trước ý kiến của nhiều ĐBQH không đồng tình việc Luật Biểu tình nhiều lần xin lùi, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, do dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau và cũng chưa có đủ hồ sơ nên chưa thể đưa vào chương trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng để khi đầy đủ các điều kiện thì trình ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.