Chuyện dọc đường

Để PPP thực sự là chủ lực huy động vốn

25/07/2017, 09:15

Do “vừa làm vừa dò chính sách”, hình thức đầu tư PPP bộc lộ khá nhiều bất cập.

2

Để giảm thiểu thấp nhất rủi ro và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia dự án PPP, Nhà nước cần sớm ban hành Luật Đầu tư về PPP  (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn

Các dự án đầu tư theo hình thức PPP đã và đang góp phần quan trọng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thậm chí đây là nguồn vốn chủ lực những năm qua trong bối cảnh ngân sách ngày càng hạn hẹp.

Đó là thực tế rất đáng ghi nhận, nhất là với một hình thức đầu tư còn khá mới mẻ, gần như chỉ triển khai mạnh mẽ nhất khoảng 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, do “vừa làm vừa dò chính sách”, hình thức đầu tư PPP bộc lộ khá nhiều bất cập, đặc biệt những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, hành lang pháp lý. Nhiều quy định đã trở nên lỗi thời, thậm chí vênh nhau, luật nọ đá luật kia. Thực tế, tại buổi làm việc với Bộ GTVT đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngoài việc khẳng định hiệu quả của việc thu hút đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, còn yêu cầu các bộ, ngành phải tiếp tục gỡ khó về cơ chế để có thể tiếp tục triển khai mạnh mẽ phương thức đầu tư này. “Phải tập trung nghiên cứu thể chế về PPP để tháo gỡ bằng được những khó khăn này”, Thủ tướng nói và giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính hình thành thể chế mới về PPP trên tinh thần tháo gỡ những vướng mắc, những  nút thắt hiện nay.

Gần nửa năm sau chỉ đạo của Thủ tướng, vướng mắc xung quanh vấn đề đầu tư PPP vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Gần đây, khi Bộ KH&ĐT lấy ý kiến để xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, những bất cập về PPP càng được mổ xẻ, phân tích nhiều hơn. Nguyên nhân có nhiều, nhưng quan trọng nhất là do cơ chế, chính sách quá phức tạp, chồng chéo nhau. Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động đầu tư theo hình thức PPP hiện nay chịu sự điều chỉnh của quá nhiều Luật như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường…

Các luật này được tiếp cận trên quan điểm điều chỉnh các hoạt động đầu tư công và đầu tư tư nhân là chủ yếu, chưa xét đến đặc thù đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Điều này dẫn tới việc một vấn đề có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, áp dụng theo luật này thì đúng, nhưng luật khác lại gần như trái hoàn toàn. Thực tế này còn xuất phát từ việc bộ, ngành nào cũng muốn ôm việc về mình nên khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đều “thòng” một vài điều liên quan. Đơn cử, việc đánh giá tác động môi trường, nếu áp dụng theo Luật Đầu tư công hay Luật Xây dựng hoàn toàn khác với Luật Bảo vệ môi trường. Tương tự là việc huy động vốn chủ sở hữu, áp dụng theo Nghị định 15 sẽ khác xa Luật Doanh nghiệp.

Thời gian tới, nhu cầu vốn để đầu tư hạ tầng giao thông còn rất lớn, trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, chắc chắn huy động vốn qua hình thức PPP vẫn là chủ lực. Sau khoảng 5 năm nở rộ với hàng chục dự án được triển khai, gần đây có rất ít dự án PPP được các nhà đầu tư quan tâm và thực hiện thành công. Điều này một phần xuất phát từ những bất cập về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Mong rằng, tới đây khi có Luật Đầu tư PPP sẽ chấm dứt tình trạng văn bản luật đá nhau, để hình thức đầu tư này tiếp tục phát huy hết thế mạnh và sứ mệnh chủ lực trong huy động vốn của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.