Chuyện dọc đường

Để tránh những cuộc “khẩu chiến” trên đường

22/11/2018, 07:30

Vì những bất cập về biển báo, tình trạng cãi vã giữa lực lượng chức năng và người vi phạm không có hồi kết.

2

Biển báo tại cầu vượt Thái Hà, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Phải thừa nhận, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ năm 2006 (Quy chuẩn 41:2016) đã rõ ràng, chi tiết hơn, hạn chế tình trạng cắm quá nhiều biển cảnh báo, khắc phục các bất cập của quy chuẩn trước với thực tế áp dụng.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, quy chuẩn này cũng bộc lộ nhiều nội dung còn bất cập, một số quy định về biển báo, khái niệm xe tải, xe con, đèn vàng chưa rõ ràng khiến cho công tác thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng thêm phần khó khăn.

Cũng vì những bất cập trên mà tình trạng cãi vã, tranh luận giữa lực lượng chức năng và người vi phạm dường như không có hồi kết. Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ khẳng định mình làm đúng thì những người bị thổi phạt cũng lập luận chứng tỏ mình không sai, nhiều người cương quyết không kí vào biên bản xử phạt.

Với sự hỗ trợ của mạng xã hội, những cuộc “khẩu chiến” diễn ra với tần suất ngày một dày hơn. Mâu thuẫn này còn có nguy cơ bị đẩy lên cao trào khi ngày càng nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích truyền dạy nhau kinh nghiệm ứng phó và khiếu nại lên các cấp chức năng. Còn đối với lực lượng chức năng nhiều người thừa nhận, có đôi lúc có cảm giác không tự tin khi thực hiện nhiệm vụ.

Muốn xây dựng một xã hội có giao thông trật tự, tuân thủ đúng pháp luật, tạo sự minh bạch, thuận lợi cho cả người tham gia giao thông cũng như lực lượng thi hành công vụ, trước hết, cần sửa ngay những văn bản chưa phù hợp, chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập, chồng chéo.

Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một yếu tố quan trọng, xây dựng phải đúng, phù hợp với thực tiễn, bao quát hết được các hoạt động, tình huống xảy ra trong thực tế cuộc sống. Việc Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 08/2016 ban hành Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ, trong đó phân tích cụ thể và sửa đổi nhiều vấn đề còn tồn tại và gây tranh cãi trong Quy chuẩn 41 là rất cần thiết. Việc xây dựng quy chuẩn cần theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhưng cũng cần cụ thể, tránh chung chung để giảm thiểu tối đa việc tranh cãi không cần thiết.

Một vấn đề khác quan trọng không kém là lực lượng thực thi pháp luật phải nghiêm minh, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc của Luật GTĐB là ai vi phạm phải bị xử phạt. Muốn làm được điều này, không thể theo mãi cách xử phạt thủ công như hiện nay, khiến nhiều người vi phạm muốn “chối tội” lại yêu cầu lực lượng chức năng phải chứng minh được lỗi vi phạm. Lực lượng chức năng muốn xử phạt nghiêm minh phải hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ bằng việc gắn hệ thống camera, giám sát hết được hoạt động giao thông, có chứng cứ xử lý vi phạm. Với lưu lượng phương tiện lớn như hiện nay mà vẫn giữ cách xử phạt bằng mắt thường sẽ không giám sát, bao quát hết được tình hình giao thông, nếu không có bằng chứng thì người vi phạm vượt đèn đỏ nếu muốn “chối tội” thì họ vẫn “cãi chày, cãi cối”, mất hàng giờ đồng hồ cũng không xử phạt được. 

 Nguyễn Văn Quyền
Chủ tịch Hiệp hội Ô tô VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.