Chuyện dọc đường

Để trị tận gốc xe trá hình

02/10/2017, 08:25

Ai cũng biết, hoạt động của các loại xe trá hình khác gây hàng loạt hệ lụy. Nhưng cách nào trị xe trá hình?

6

Xe vượt tuyến ngang nhiên đỗ án ngữ chiếm QL49B (đoạn qua xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang)

Sau vấn nạn xe dù, bến cóc, những năm gần đây tình trạng xe trá hình núp bóng xe hợp đồng, du lịch lại bùng phát. Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, các loại xe Limousine, xe hợp đồng nở rộ, thay đổi ghế ngồi từ 16 chỗ xuống dưới 10 chỗ, lập các hợp đồng khống để ung dung chạy như tuyến cố định, đón trả khách trong nội thị.

Nhiều lần theo chân tổ liên ngành mới thấy hết sự khó khăn và căng thẳng trong cuộc chiến xử lý xe trá hình. Dù có bằng chứng vi phạm, xác nhận nhà xe hợp đồng đặt khách lẻ nhưng lực lượng chức năng (CSGT, TTGT, CSTT) tại Đà Nẵng, Huế, miền Trung tỏ ra lúng túng, chùn tay. Thậm chí, nhà xe Limousine HAV Travel còn thách thức, kiện cả cơ quan chức năng khi liên tiếp mắc các lỗi vi phạm: Đón trả khách không đúng quy định, bắt khách lẻ, lập hợp đồng khống… 

Đơn cử, đầu năm 2017, Đà Nẵng tiên phong lập tổ liên ngành xử lý xe trá hình, nhưng sau kết quả khá tích cực ban đầu, tình trạng này gần đây đâu lại vào đấy. Nhiều nhà xe mới được cấp phép, các xe hợp đồng công khai lập facebook, trang web để quảng bá, thu hút khách. Tại Huế, khác hẳn với những báo cáo của cơ quan chức năng về kiểm soát xe hợp đồng, nạn xe trá hình này vẫn công nhiên hoạt động rầm rộ, nhưng lực lượng CSGT, TTGT chỉ biết “than khó”…

Ai cũng biết, hoạt động của xe Limousine và các loại xe trá hình khác gây hàng loạt hệ lụy về thất thu thuế phí, quản lý vận tải, cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi xe tuyến cố định bị giới hạn bởi bến đi - đến, đóng đủ loại thuế phí theo quy định, các loại xe hợp đồng trá hình vô tư đón trả khách tận nhà, “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhưng cách nào trị xe trá hình? 

Không phải đến bây giờ, câu hỏi này mới được đặt ra, nhưng có một điều chắc chắn chưa có giải pháp nào “tổng lực” để có thể ngăn chặn nạn xe trá hình, núp bóng hợp đồng đang ngày một biến tướng, phổ biến trên diện rộng hiện nay nếu các địa phương còn “ngoài cuộc”. Bộ GTVT đang tích cực xử lý những bất cập trong Nghị định 86/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: Siết các điều kiện kinh doanh, quản lý hợp đồng theo hướng hợp đồng vận tải phải được ký trước khi thực hiện vận chuyển hành khách; được ký giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Một chuyến xe, chỉ được ký 1 hợp đồng. Đối với xe hợp đồng từ 8 chỗ (thay vì 10 chỗ) trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng phải thông tin đến Sở GTVT. Đồng thời, ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 để quản lý hợp đồng, tích hợp thiết bị giám sát hành trình… Dự thảo tính đến quy định trong một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau để chống xe dù, bến cóc…

Luật, nghị định hay các thông tư hướng dẫn là hành lang pháp lý xuyên suốt, nhưng nếu không có sự cộng đồng trách nhiệm, nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương và các biện pháp quản lý thuế phí, hợp đồng chặt chẽ, chắc chắn sẽ không giải quyết được nạn xe trá hình từ gốc. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi công vụ (CSGT, TTGT…) phải vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm… mới mong tạo chuyển biến, dẹp nạn xe dù, bến cóc. Rõ ràng, việc xây dựng quy chế làm rõ trách nhiệm của địa phương, các lực lượng chức năng nếu để tồn tại, phát sinh, tái diễn xe trá hình là một giải pháp quan trọng, thậm chí còn thiếu lúc này. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.