Xã hội

Để xảy ra tham nhũng, 56 người đứng đầu bị xử lý

18/10/2018, 10:13

Để xảy ra tham nhũng, 19 người ở Bộ Tài Chính, 2 người ở Bộ Công an, 3 ở Hậu Giang bị xử lý.

tham-nhung

Ảnh minh hoạ

Chính phủ vừa có báo báo gửi Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng (đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt.

Nhiều kết quả cụ thể trong từng lĩnh vực PCTN cũng đã được Chính phủ chỉ ra. Cụ thể, trong  việc xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm (năm 2016 phát hiện 5 trường hợp vi phạm). Theo đó đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp. Theo thống kê của Chính phủ, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP.HCM; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại TP. Hà Nội.

Cũng trong năm 2018, đã có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng, ở An Giang có 1 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 30 triệu đồng; Bình Thuận 9 người nộp lại với tổng số tiền 106,5 triệu đồng; Tiền Giang 3 người nộp lại tổng số tiền 122 triệu đồng; Vĩnh Phúc 1 người nộp lại tổng số tiền 120 triệu đồng.

Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, Chính phủ đánh giá đã có tác dụng răn đe, từ đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách.

Từ báo cáo của các bộ, ngành, các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan cho thấy, năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Những người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng gồm 19 người ở Bộ Tài Chính, 2 người ở Bộ Công an, 3 người ở Hậu Giang, 4 người ở Quảng Trị, 5 người ở Bình Thuận…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn đề cập những hạn chế, tồn tại trong công tác PCTN.

Chính phủ cho rằng công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Đặc biệt, tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.

Theo dự báo của Chính phủ, trong năm 2019, tham nhũng sẽ từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và thuyên giảm. Công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.