Hạ tầng

Đề xuất di dời một phần di tích Chăm để làm đường cao tốc

22/05/2015, 18:22

Tỉnh Quảng Nam đề xuất “phương án tối ưu” di dời một phần hiện vật di tích Chăm giao mặt bằng cho dự án...

CT quang ngai
 

Tỉnh Quảng Nam đề xuất “phương án tối ưu” di dời một phần hiện vật di tích Chăm bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong khi đó, phía chủ đầu tư cam kết thực hiện nghĩa vụ, duyệt kinh phí khai quật.

Trước đó, tháng 8/2014, trong quá trình thi công san lấp mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phát hiện hệ thống nền móng công trình kiến trúc Chăm tại khu di tích Triền Tranh (thôn Chiêm Sơn, Duy Trinh, huyện Duy Xuyên - Quảng Nam). Cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc. Phía Tổng công ty ĐT phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án tạm dừng san lấp mặt bằng để Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật toàn bộ khoảng 4 nghìn m2 (Km22+220) khu di tích phục vụ công tác nghiên cứu, khảo cổ. Sau 5 tháng triển khai, đến nay, công tác khai quật khảo cổ cơ bản hoàn thành trên diện tích 2 nghìn m2.

Theo lãnh đạo VEC, hệ thống kiến trúc mới phát lộ nằm ngoài rìa di tích Triền Tranh và đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các chuyên gia khảo cổ đánh giá, từ những nghiên cứu sơ bộ bước đầu nhận định di tích Triền Tranh có niên đại nằm trong khoảng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII và có liên quan mật thiết với nhóm di tích Chămpa ở Duy Xuyên - Quảng Nam trong lịch sử, gồm: Thánh địa Mỹ Sơn - Khu di tích Chiêm Sơn Tây (trong đó di tích Triền Tranh có vị trí trung tâm) - Kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) - cửa/cảng Đại Chiêm với trục liên kết quan trọng là dòng sông Thu Bồn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc VEC cho hay: Trước khi làm đường cao tốc, đơn vị khảo sát di tích, điều chỉnh thiết kế tránh vành đai bảo vệ khu di tích khảo cổ 70 m theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có một phần tuyến đường phải đi qua. “Di tích mới phát lộ nằm cách cửa hầm xuyên núi khoảng 800 m, đường hầm đã được thi công gần xong. Trước khi làm đường đơn vị cũng đã nắn hết cỡ để tránh di tích Triền Tranh, nên không thể dịch chuyển thêm được nữa. Việc nắn đường cao tốc quá nhiều sẽ gây mất an toàn và nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Việc “nắn đường” cao tốc là bất khả thi. Phía tỉnh họp bàn cơ quan chức năng, lấy ý kiến các chuyên gia và thống nhất phương án đề xuất di dời phần di tích ảnh hưởng dự án đường cao tốc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trình Bộ VH-TT&DL quyết định. Theo đó, hiện vật tại phần di tích này được di dời về bảo tàng để trưng bày. Kết cấu kiến trúc sẽ được lưu lại trong hồ sơ. Các chi tiết hiện vật khai quật lên sẽ được phục dựng mô hình 3D.

Theo chuyên gia khảo cổ học, thực tế quy mô di tích Triền Tranh lên đến 50 nghìn m2, phần ảnh hưởng đường cao tốc chưa đến 1/10 di tích nên việc di dời phần di tích, bàn giao mặt bằng cho dự án đường cao tốc sẽ khó làm biến dạng toàn bộ di tích.

Phần mình, phía VEC cho hay đã phê duyệt hồ sơ đề xuất kỹ thuật và Dự toán cho công tác khai quật nghiên cứu khảo cổ di tích Triền Tranh với giá dự toán hơn 9 tỷ đồng; Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý dự án và nhà thầu khẩn trương làm việc với các bên liên quan: UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ VH,TT&DL, Sở VH,TT&DL Quảng Nam… để tìm phương án tối ưu nhằm bảo toàn được các hiện vật của hệ thống phế tích, vừa không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.