Quản lý

Đề xuất làm hàng rào, đường gom đóng lối đi tự mở

06/11/2018, 16:24

Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm hàng rào, đường gom để đóng lối đi tự mở, kéo giảm TNGT đường sắt.

hoi-nghi-so-ket-thuc-hien-quy-che-phoi-hop-dam-bao

Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng địa phương cần có giải pháp, kể cả về vốn để thực hiện công tác đảm bảo ATGT đường sắt

Hôm nay (6/11), tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Đường sắt VN tổ chức sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh phía Nam trong công tác đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt.

Báo cáo đánh giá công tác phối hợp thực hiện quy chế cho biết, thời gian qua, bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt, tình hình ATGT 9 tháng năm 2018 đã chuyển biến tích cực. TNGT đường sắt tiếp tục giảm sâu từ 11,50% đến 14,53% so với cùng kỳ năm 2017 ở cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương.

Tại các đường ngang sau khi được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đã đảm bảo độ êm thuận, cung cấp đầy đủ các tín hiệu báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông đảm bảo an toàn. Việc áp dụng lắp động cơ và cần chắn tự động tại các đường ngang, sau một thời gian sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần hướng dẫn giao thông và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi qua đường ngang giao cắt đường sắt. Một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn, rào đóng xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm, tổ chức cảnh giới ATGT. 

Tuy nhiên, tính đến thời điểm 30/9/2018, vẫn có đến 5.639 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó còn tồn tại 4.124 lối đi tự mở, chiếm tỉ lệ 73,2% tổng số giao cắt (giảm 138 vị trí so thời điểm 30/12/2017). Tổng số điểm vi phạm hành lang ATGT tiềm ẩn TNGT đường sắt hiện có là 1.598 vị trí. Đây là những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường sắt, công tác đảm bảo ATGT đường sắt tại những vị trí này còn nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

loi-di-tu-mo-o-Bien-Hoa

Tổng công ty Đường sắt VN đã rào thu hẹp lối đi tự mở qua đường sắt, cắm biển chú ý tàu hỏa và bàn giao chính quyền xã; trách nhiệm của xã là quản lý, duy trì tốt - Ảnh minh họa

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, cần làm hàng rào, đường gom để đóng lối đi tự mở. Đồng thời, ngành Đường sắt cần đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đường ngang, bổ sung thiết bị cho các đường ngang nguy hiểm để gia tăng cảnh báo... Chính quyền địa phương phải quản lý chặt các lối đi tự mở, hành lang ATGT đường sắt; lối đi đã được đường sắt rào thu hẹp, bàn giao cho xã quản lý, để xảy ra thực trạng người dân phá bỏ hay để phát sinh lối đi mới, trách nhiệm thuộc về địa phương...

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho rằng, Tổng công ty Đường sắt VN cần rà soát, điều chỉnh lại bộ máy làm công tác an toàn để quy đầu mối chịu trách nhiệm chính tại các khu vực; Tăng cường hệ thống nhiều lớp kiểm tra, giám sát. Địa phương chịu trách nhiệm chính trong quản lý hành lang, lối đi tự mở, duy trì lối đi tự mở mà công ty bảo trì hạ tầng đường sắt đã bàn giao; Xây dựng gờ, gồ giảm tốc, tổ chức cảnh giới tại các giao cắt đường bộ, đường sắt nguy cơ tai nạn cao. Cục Đường sắt VN đẩy mạnh xây dựng, tham mưu các quiy định pháp luật, tăng cường hiệu quả thanh tra, kiểm tra các vi phạm.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được báo cáo viên Cục Đường sắt VN truyền đạt các nội dung cơ bản của Luật Đường sắt 2017 và các thông tư, văn bản thi hành Luật. Trong đó, có các quy định về trách nhiệm cụ thể của các chủ thể như: chính quyền địa phương các cấp, bao gồm cấp xã; các doanh nghiệp đường sắt, các cơ quan, đơn vị khác trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt nói chung, quản lý lối đi tự mở hay để xảy ra TNGT đường sắt...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.