Vận tải

Đề xuất vận hành xe khách tuyến cố định như xe buýt

30/03/2017, 06:02

Vận hành xe khách tuyến cố định theo mô hình xe buýt được các chuyên gia nhận định sẽ mang đến nhiều lợi ích...

1

Xe tuyến cố định chạy như xe buýt sẽ tạo dịch vụ vận tải công cộng chất lượng ổn định, tin cậy cho người dân đồng thời góp phần chống ùn tắc, giảm TNGT - Ảnh: Tạ Tôn

Vận hành xe khách tuyến cố định theo mô hình xe buýt được các chuyên gia nhận định sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, nhất là trong đảm bảo trật tự ATGT, hỗ trợ chống ùn tắc giao thông cả đô thị và trên quốc lộ.

Hết nỗi lo “nốt đẹp, nốt xấu”

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, nếu tổ chức cho xe tuyến cố định chạy theo giờ (có luân chuyển) khoảng 10-15 phút/chuyến như xe buýt hiện nay, chúng ta sẽ có luồng dịch vụ vận tải chất lượng ổn định như xe buýt, không còn tình trạng chạy lòng vòng, chèn ép, chạy “rùa” bắt khách. Hành khách sẽ biết được chính xác giờ nào có xe và đến bến, điểm dừng đón cho hành trình của mình.

Phân tích cụ thể hơn, ông Hùng cho biết, thời gian hoạt động của từng chuyến xe sẽ được quy định cụ thể, chi tiết theo biểu đồ. Doanh nghiệp (DN) vận tải căn cứ vào biểu đồ đã được phê duyệt và phải chạy đúng giờ, dừng đúng điểm dừng, đón trả khách đã được quy định theo biểu đồ chạy xe đã công bố. Số chuyến của DN vẫn được giữ nguyên, chỉ điều chỉnh giờ chạy xe theo biểu đồ.

"Chúng ta đang nhìn xe khách liên tỉnh với con mắt thiếu thiện cảm. Nếu đưa loại hình này tổ chức hoạt động như xe buýt sẽ giải quyết được vấn đề ATGT. Đối với hành khách, khi có dịch vụ vận tải công cộng ổn định, họ sẽ sử dụng lâu dài và hạn chế đi bằng xe cá nhân. Mô hình này cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công”.

Ông Khuất Việt Hùng

“Áp dụng theo mô hình xe buýt, xe của các DN trên tuyến chạy theo lịch trình ổn định và thứ tự xuất bến được luân chuyển để không xảy ra tình trạng một xe (nhà xe) chỉ chạy cố định 1 slot (nốt). Ví dụ, tuyến Gia Lâm - Niệm Nghĩa, ngày 1/1/2018 xe BKS 29A-XXYYY xuất bến Gia Lâm lúc 5h00, thì ngày hôm sau 2/1/2018 xe xuất bến Gia Lâm lúc 5h15… lần lượt toàn bộ xe hoạt động trên tuyến cũng tịnh tiến xuất bến theo biểu đồ như thế. Xe trên tuyến  được đón, trả khách trên tuyến theo các điểm đón trả khách theo quy hoạch trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế tại từng địa phương trên tuyến đường”, ông Hùng dẫn giải.

Nói thêm về mô hình này, theo ông Hùng, việc đặt lịch chạy xe cho từng DN phải đảm bảo các xe chạy thứ tự, không giữ cố định một nốt nào. Hôm nay nốt “rất đẹp” thì mai muộn đi một nốt, ngày kia muộn thêm một nốt nữa, xe nào cũng chạy đều cả ở giờ thấp điểm và giờ cao điểm, đảm bảo số lượt, số chuyến. Hôm nay nốt trúng giờ thấp điểm thì không đông khách, mai sang nốt giờ cao điểm thì đông khách, đảm bảo quyền lợi bình đẳng của tất cả các nhà xe tham gia khai thác trên tuyến. Có thể lúc đầu, hành khách chưa quen, xe sẽ ít khách, nhưng dần hành khách biết và giãn thời gian đi, DN vận tải sẽ có thu nhập ổn định.

“Làm tốt việc này, sẽ bỏ được việc DN vận tải phải vất vả lo chạy vạy để có được nốt đẹp, hoặc giờ cao điểm thì hàng chục xe  chen nhau xuất bến, giờ thấp điểm thì có nốt cũng không ai chạy, xóa bỏ tâm lý nốt đẹp, nốt xấu. Tất nhiên, giờ cao điểm thì giãn cách chạy xe ngắn hơn, giờ thấp điểm giãn cách chạy xe thưa hơn”, ông Hùng khẳng định.

Mục tiêu chính khi chuyển xe tuyến cố định chạy như xe buýt là tạo dịch vụ vận tải công cộng có chất lượng ổn định, tin cậy cho người dân, để giảm xe cá nhân giảm ách tắc giao thông.

Bởi theo ông Hùng, nếu làm tốt mô hình này sẽ giảm được xe máy lưu thông trên quốc lộ. Khi người dân biết chắc có điểm đón trả khách với khoảng cách hợp lý được kết nối bằng xe buýt thuận tiện sẽ không đi bằng xe máy nữa. Điều này còn kéo giảm đáng kể tai nạn do người điều khiển xe máy gây ra 70% số vụ TNGT trên quốc lộ.

“Khi có xe buýt chất lượng tốt, ổn định lịch trình, tôi cho rằng, đại đa số người dân sẽ chuyển sang đi hình thức vận tải công cộng, người dân sẽ không đi xe máy đến bến xe và giảm được phương tiện cá nhân trong nội đô, giảm áp lực về hạ tầng dành cho đỗ xe”, ông Hùng nói và cho biết, về vấn đề xác định điểm dừng, đón trả khách, điều quan trọng để thành công là các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm chỉ đạo. Nghị định 86 đã quy định UBND cấp tỉnh quy hoạch điểm dừng đón trả khách trên quốc lộ. Vì vậy, các Sở GTVT cần tham mưu để UBND tỉnh, thành phố quyết định vị trí điểm dừng đón, trả khách đảm bảo an toàn thuận tiện và các điểm này phải được giao cho chính quyền địa phương quản lý, có phương án khai thác. Trong lần sửa đổi Nghị định 86 lần này cũng nên mạnh dạn đưa vào khái niệm xe buýt liên tỉnh và xe buýt nội đô để từ đó có giải pháp tổ chức thực hiện hợp lý.

2

Tổ chức cho xe tuyến cố định chạy theo một giờ cố định như xe buýt hiện nay sẽ không còn tình trạng chạy lòng vòng, chèn ép, chạy “rùa” bắt khách - Ảnh: Tạ Tôn

Cần sớm xác định lộ trình thực hiện

Cho rằng việc thực hiện tổ chức xe tuyến cố định như xe buýt hoàn toàn khả thi, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) khẳng định, mô hình này sẽ giải quyết được tình trạng DN cho các hộ cá nhân góp xe cùng kinh doanh khai khác tuyến, nảy sinh tình trạng tranh giành, bán khách, không đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ. “Quan trọng là DN được tự chủ trong kinh doanh, không lo đến hạn là phải “chạy chọt” đấu thầu luồng tuyến. Mỗi khi DN muốn điều chỉnh, bổ sung trong kinh doanh vận tải không phải vất vả ngược xuôi và phải chi những khoản khó nói”, ông Hà nói.

Khẳng định mô hình này nếu áp dụng sẽ có nhiều lợi ích cho DN như: Không phải vất vả đấu thầu luồng tuyến, chạy nốt xấu, nốt đẹp, loại bỏ được cơ chế “xin - cho” trong hoạt động kinh doanh vận tải, song ông Nguyễn Hữu Bằng, Giám đốc Công ty Sao Việt cũng e ngại ảnh hưởng đến thị phần vận tải của DN. “Có  nhiều vấn đề cần tháo gỡ như sẽ phải “dỡ” biểu đồ xe chạy đang ổn định để sắp xếp lại. Bên cạnh đó, việc sắp xếp làm sao cho công bằng giữa xe chạy giờ cao điểm, thấp điểm cũng là vấn đề nan giải cần giải quyết. Cùng đó, sẽ rất khó kiểm soát xe dừng đỗ, bắt khách dọc đường”, ông Bằng nói và cho rằng nếu áp dụng mô hình này, trước mắt nên áp dụng theo từng tuyến, sau đó đánh giá tổng kết mới triển khai trên diện rộng.

Phía Hội ATGT Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội cho rằng, về mặt xã hội, nếu như tuyến nào có lưu lượng cao nên khuyến khích tổ chức điều hành như xe buýt, vừa đảm bảo an toàn, vừa tiện lợi cho người sử dụng, đồng thời giúp tăng tỷ lệ người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, qua đó giúp giảm bớt phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.