Xem - ăn - chơi

Đêm cuối năm xa xứ

18/02/2018, 13:46

Căn biệt thự màu ghi ở ngoại ô Praha cổ kính trầm lặng. Chị đứng nhìn tuyết rơi nhẹ qua ô cửa kính.

78

Ảnh minh họa

Căn biệt thự màu ghi ở ngoại ô Praha cổ kính trầm lặng. Chị đứng nhìn tuyết rơi nhẹ qua ô cửa kính. Từng bụi tuyết bay xiên xiên rơi xuống vườn cây đang trắng dần.

Nỗi nhớ Tết quê nhà rộn trong lòng. Đằng sau là con gái lớn đang lướt những ngón tay búp măng trên phím đàn piano. Đêm nay, con lớn không chơi Bản giao hưởng Định Mệnh, nó vẫn thường chơi nữa. Chị không còn lợn cợn những thanh âm của Beethoven mô phỏng tiếng gõ cửa của số phận khi dồn dập, ghê rợn nặng mùi chết chóc hủy diệt cuộc sống con người, lúc lại chậm rãi, cò cưa, yếu ớt, dai dẳng không muốn bị diệt vong. Con bé đàn bài Happy new year giai điệu đẹp lộng lẫy với một thoáng u buồn, lắng sâu và hy vọng... Chị đã nhiều lần trải qua các xúc cảm như thế cùng tiếng đàn của con gái vang lên.

Ôi trời! Giá như ở quê nhà tầm này của đêm trừ tịch thì cả nhà ngồi quây quần quanh bếp lửa nấu bánh chưng. Củi khô nỏ nổ tí tách. Lửa đượm. Nồi bánh sôi âm ỉ đang reo. Ngoài sân mưa phùn vẫn bay. Đất trời đang chờ khoảnh khắc giao mùa. Càng nhớ, lòng chị càng da diết, rưng rưng.

* *
*

Cuộc sống của chị rẽ sang một khúc đời khác, khi sự kiện “Bức tường Berlin” sụp đổ. Anh bay về Việt Nam, ngao ngán nhìn nước da của vợ xanh mai mái và hai đứa con gầy trơ xương. Đứa lớn, đứa bé mệt mỏi nhìn anh xa lạ, chỉ đến khi anh mở vali lấy con búp bê lật đật và hộp kẹo socola màu nâu thì đôi mắt chúng mới sáng lên. Mẹ thao thao kể: Ngày thường lên lớp, buổi chiều vợ anh tranh thủ đạp xe lên Tam Điệp mua sắn khô, chủ nhật đi chợ huyện bán. Lúc rỗi rãi, vợ anh xắn quần quá đầu gối lội bì bọp trên cánh đồng năn lác mò ốc bươu, ốc nhồi bán đong từng bơ gạo chống đói. Mẹ anh khoác áo tơi dắt con bò già ra gò Mã Giáng trong giá rét tháng Chạp căm căm. Con bò già bước xiêu vẹo đổ rét, mẹ con bà cháu tiếc của khóc đỏ hoe mắt. Anh về, mang được ít hàng đem bán trang trải nợ nần, ái ngại bảo: “Anh không nỡ lòng nào để em đầu tắt mặt tối, thân cò lặn lội qua sông. Con cái thì dặt dẹo. Mẹ già thì mòn mỏi. Đi với anh”. Chị thở dài, ngại ngùng...

Những ngày đầu xa xứ, vợ chồng ở căn phòng anh đã từng sống làm nghiên cứu sinh. Anh bảo: “Cả đời anh cắm mặt vào sách vở, kiếm một đồng bạc đi buôn cũng không biết. Nhưng anh có thể nhờ bạn bè anh giúp đỡ…”. Vẫn lại những câu chị đã từng nghe. Anh dẫn chị đến gặp người đàn bà có biệt danh “Tuyết len” quen thạo nghề đánh hàng, nhờ chị ta kèm cặp đi chợ. Gọi là “Tuyết len” bởi chị ta một thời là tay tổ chuyên đánh hàng dệt len mùa đông từ Hà Nội sang Praha, rồi mất trắng mãi mới gượng lên được. Tuyết mặt quắt, da khô, trông chẳng có gì hấp dẫn, chị ta du học cùng thời với anh, nhưng bỏ dở chừng năm thứ ba đại học và ở lại làm dân lưu vong đánh hàng từ chợ sân vận động Warsaw về Praha. Khi ấy, chị vô tình bắt gặp một người đàn ông cao to, râu quai nón xanh rì đứng sau kiện hàng quần áo may sẵn, ánh mắt luôn nhìn trộm. Chị ngỡ ngàng, suýt giật mình trước mặt chồng khi “Tuyết len” giới thiệu người đàn ông đó tên Đạt.

…Hơn 20 năm trước Đạt từ Czech về nước nghỉ hè, đến Đại học Sư phạm Hà Nội đón chị đi chơi. Cả hai người dong từ Bờ Hồ ăn kem đến quán Phong Lan bên Hồ Tây ăn bánh phồng tôm rồi ra ghế đá đường Thanh Niên ngồi nhìn hoàng hôn đang đỏ ối phía Xuân La, Võng Thị. Chị chìm trong hạnh phúc với rạo rực tình yêu đầu đời. Đạt như một chân trời mới lạ lẫm thoảng mùi nước hoa đàn ông của xứ sở hoa hồng Bulgaria. Cái cách Đạt cầm khăn mùi xoa lau mồ hôi trán người yêu đến động tác gắp miếng bánh phồng tôm, rồi vớt vài mảnh đu đủ mỏng mảnh bỏ vào bát cho chị vừa điệu nghệ, vừa tinh tế khiến chị cảm thấy mình nhỏ bé, thô giản, quê mùa.

Một con bé đen đủi dẫn ông bố thọt chân khoác bao bố đi ăn xin cứ đứng như mọc rễ bên cạnh. Đạt mở ví, do dự: “Chú không còn đồng tiền lẻ nào.” Con bé vẫn chìa bàn tay cáu bẩn chờ đợi đồng tiền còm bố thí. Lòng chị chợt nhói lên, không đành nhìn bàn tay con bé cứ chìa ra mãi với sự cầu xin trong vô vọng. Chị mở “bóp”, cũng không có tiền lẻ. Chị bối rối khó xử, rồi cũng vượt qua qua lòng tiếc của tiếc tiền, rút tờ bạc 10 ngàn đồng cuối cùng - mệnh giá to nhất năm ấy đặt vào tay con bé. Tình huống này chị không cố ý và Đạt bất ngờ, anh cúi gằm mặt xuống… Từ hôm đó, chị và Đạt không bao giờ gặp nhau nữa.

Hóa ra, chẳng xa lạ gì. Cái dạo ấy, chị kiêu hãnh tự tin phớt đời bao nhiêu thì bây giờ chị mặc cảm tủi thân bấy nhiêu. Không bao giờ chị nghĩ gặp lại người tình cũ ở một nơi xa lạ và hoàn cảnh bẽ bàng thế này. Về sau, chị mới biết Đạt và Tuyết sống gá vào nhau để đi buôn đường dài đánh hàng từ chợ sân vận động Warsaw về Praha. Trong một hoàn cảnh rất đỗi bất ngờ và trớ trêu, chị và Đạt bỗng nhiên đóng vai không quen nhau rất thành thục.

* *
*

Chồng chị không hề biết có một thời chị và Đạt yêu nhau. Anh quá bận rộn chuẩn bị cho ngày bảo vệ luận án sắp đến. Suốt ngày đi thư viện, đi gặp giáo sư hướng dẫn. Anh thường thức khuya đọc sách. Khoa học và sách làm anh như cây khô nỏ, hết nhựa sống. Đêm chồng vợ nhọc nhằn, có lần anh loay hoay chán rồi nằm vật ra bất lực trong tiếng thở dài của chị. Chị thì vẫn như cây tươi xanh háo nước và đang độ nồng nàn. Càng gần đến ngày bảo vệ luận án, anh càng hốc hác. Anh thường chờ chị ngủ hẳn sau một ngày lam lũ tất bật, rồi mới lật chăn chui vào nằm bên vợ. Cũng không dám ôm, sợ chị thức dậy. Tay đặt lên trán, anh ngửa mặt nhìn trần nhà trằn trọc một hồi mới trôi vào mộng mị. Đôi khi chị thức dậy, bắt gặp anh nằm ngửa hai tay đặt xuống phía dưới giữa hai háng như thể che đậy nắm giữ, như là sợ chị lần mò đụng vào. “Anh bỏ tay ra nào. Em có dám làm gì đâu.” Chỉ muốn gào lên như thế mà chị không cất nổi lời. Chỉ còn biết thở dài. Chỉ còn biết nghĩ đến chuyến đi Warsaw đánh xe hàng “định mệnh”.

* *
*

Đó là chuyến đánh hàng đường dài xuyên quốc gia một chiều cuối năm chị đi cùng đạt. Đằng đẵng, gật gù lúc thức, lúc ngủ trên xe suốt đêm.

Sang đến ngày hôm sau thì chiếc xe tải dài ngoẵng đóng quần áo may sẵn đầy ngắc bỗng đâu trở chứng. Vài ba lần lái xe tự sửa nhưng khi đến gần một trạm dừng nghỉ ven đường thì nó ì ra không chịu nổ máy. Không thể chạy cố về đến nhà kịp đón năm mới. Nhiều xe đỗ im ỉm lạnh lùng, tài xế đã lấy chỗ nghỉ bởi tuyết xuống dày. Cái lạnh thấu làm con người cần hơi ấm nóng của nhau. Đường trường, đêm hôm khuya khoắt. Lúc đó, chị thấy Đạt gần gũi với mình hơn chồng. Gã lái xe người bản địa, mệt mỏi bảo:

“Đêm nay, ông bà tùy nghi di tản”.

“Còn anh?”- Đạt hỏi.

“Tôi sẽ ngủ trên cabin”.

Tuyết rơi nhiều. Trắng trời đất. Chị cố tìm trạm điện thoại công cộng gọi về nhà. Chị nhận ra giọng nói đầy âu lo của anh và nghĩ đến hai con gái đang ngồi bên mâm cỗ giao thừa chờ mẹ mà nước mắt lăn dài.

Những cánh tuyết nhỏ bay xiên xiên lạnh lẽo, kiên nhẫn, mỗi lúc một dày thêm, dễ làm cho lòng người trống vắng. Đạt đưa chị đến phòng nghỉ, mở khóa cửa, bảo:

“Chỉ còn trống một phòng này thôi. Em vào ngủ đi”.

Chị ái ngại hỏi:

“Còn anh ngủ ở đâu?”

“Thôi thì ngồi ở quầy bar, rập rạ qua đêm.”

“Đừng. Lạnh lắm, làm sao chịu nổi. Thôi, anh cứ vào phòng đã, tính sau.”

Ừ thì tính sau. Họ thay nhau tắm táp ào ào cho xong. Chẳng biết Đạt nghĩ ngợi gì, còn chị có một chút ngại ngùng. Lần đầu tiên chị ở chung phòng với người đàn ông không phải là chồng. Nước nóng ấm, da thịt chị râm ran. Chị giật mình khi thấy xương quai xanh nhô lên, và cặp vú không còn căng mẩy hiện lên lồ lộ trước gương, chợt nhớ ra mấy tháng nay chưa một lần gần gũi thân xác với chồng. Anh bận bịu với khoa học, sách vở. Chị quay cuồng với hàng hóa, tiền nong. Sao lại khốn khổ thế này? Tiền nhiều để mà làm gì khi tuổi tác cứ vùn vụt trôi, càng lắm tiền thì thân thể càng tàn tạ. Hình ảnh người chồng nằm ngủ, úp hai bàn tay che giữa hai háng lại hiện về. Lòng chị nhói đau và tủi thân như bị hắt hủi.

Chị bước ra ngoài phòng tắm. Đạt đã bày xong bữa ăn, bên cạnh lọ hoa tươi của nhà nghỉ. Hai người với bánh mì, thịt cừu nướng và rượu Vodka. Lời bài hát Happy new year đã đến đoạn “Now’s time for us to say. Happy new year...”. Bên ngoài, tiếng chuông từ một giáo đường xa xôi nào đó ngân vọng.

“Nào, giao thừa rồi em”.

Đạt và chị cụng ly, hết là hết luôn, không một giọt rượu rớt ra ngoài. Chưa bao giờ chị uống rượu nhiều như thế. Chị bảo:

“Bao giờ thì em mới được sung sướng, hả Đạt?”

“Bị khổ thì ai cũng nghĩ mình khổ nhất, hưởng sung sướng thì ai cũng như nhau. Chỉ có điều quan niệm như thế nào là sung sướng thì mỗi người khác nhau một cách, em ạ”.

“Theo Đạt, em có sung sướng không?”.

“Có. Nếu như em thấy ngoài kia tuyết trắng rơi lạnh lẽo, còn trong này một không gian ấm nồng với rượu và hoa… của đêm giao thừa ấm áp thì đó là hạnh phúc”.

Chị nghĩ: Sao Đạt không nói nốt: “Và số phận lại đẩy em đến với một người đàn ông, em đã từng yêu vào một hoàn cảnh cắc cớ thế này”. Khoảnh khắc đó, hình ảnh anh và hai con gái bên mâm cỗ giao thừa chờ chị lại lướt nhanh trong đầu. Chị muốn uống thêm một ly rượu nữa cho quên hết sự đời, nhưng Đạt ngăn lại và rót một cốc nước lạnh. Chị uống ừng ực rồi lò dò lên giường khiến Đạt phải dìu.

Khuya.

Có lẽ đã sang năm mới vài tiếng đồng hồ rồi, chị chợt thức. Trống trải vô cùng. Hình ảnh người chồng loay hoay rồi nằm vật ra bất lực lại hiện lên. Muốn khóc quá mà không khóc được. Cánh tay trần toài ra khỏi tấm chăn dày, chị nhìn thấy Đạt ngồi thu lu ở ghế. Ôi! Sao cứ phải khổ thế này!

“Đạt! Lên giường nằm đi, em không làm gì anh đâu”.

“Ừ. Cho anh nằm với nhé. Anh không làm gì em đâu”.

Đạt se sẽ nằm bên cạnh chị, cách một tấm chăn, đủ để không chạm da thịt.

Chị cầm mép chăn:

“Đắp vào này, em không làm gì anh đâu.”

“Ừ cho anh đắp với, anh không làm gì em đâu.”

Vẫn cách một khoảng không, da thịt chưa chạm vào da thịt, nhưng cả hai đã hít được hơi thở nóng hổi của nhau. Chị nhớ lại cái lần úp mặt vào vầng ngực vạm vỡ của Đạt váng vất mùi mồ hôi ở ghế đá đường Thanh Niên ngày trước. Cái mùi ấy bỗng chốc trở về quen thuộc. Chị thở dài:

“Đạt! Quay sang với em đi”.

Dường như chỉ chờ có thế, Đạt quay sang ôm chầm lấy chị. Da thịt bừng bừng nóng. Tim đập thình thịch. Người đàn ông cô đơn, người đàn bà trống vắng bện vào nhau. Bên ngoài tuyết rơi dày và lạnh hơn…

Sau đó, mọi chuyện chẳng có gì xảy ra. Chị vẫn gom hàng, về nhà thân mật với chồng, ra ngoài quấn quýt ăn ngủ với người tình cũ trên những chuyến đi dài. Cái điệp khúc ấy cứ tiếp diễn đều đều. Công việc buôn bán kiếm tiền cuốn chị không còn nghĩ ngợi gì thêm.

* *
*

Cuộc đời chị rẽ ngoặt hẳn sang khúc quanh mới từ một buổi chiều đông ảm đạm, bên ngoài tuyết rơi trắng trời. “Tuyết len” lạnh lùng đưa cho chị đĩa băng hình quay cảnh chị với Đạt không một mảnh vải quấn vào nhau như đôi giao long và buộc chị phải mua lại. Chị đang bàng hoàng thì Tuyết giật tóc, xé quần áo và bồi tiếp cho chị mấy cái tát vào mặt. Chị xây xẩm mặt mày. Cả đất trời Praha tối sầm lại.

Tả tơi. Xơ xác. Và bẽ bàng. “Có gan ăn cắp có gan chịu đòn”, chị bị buộc phải ghi giấy nợ. Trắng tay. Mất tiền, mất hàng, mất niềm tin hi vọng và có nguy cơ mất cả chồng. Anh không hề biết, nếu biết anh có chìa đôi vai mảnh ra cho chị tựa đỡ trong cơn vấp ngã đầu đời? Không khóc ở Praha! Chị kiên quyết không khóc.

Đạt đến và sụp xuống chân chị cầu hôn. Đạt muốn ghé vai gánh bớt nỗi nhục nhằn cho người anh yêu thương. Chị lạnh lùng từ chối. “Nếu vậy, từ nay, anh sẽ đi mất tăm khỏi cuộc đời em”. Đạt đặt vào tay chị một bọc tiền rồi quay bước. Chị chạy theo, trả lại.

Giấu chồng mọi chuyện, chị vẫn đi đánh hàng. Do những mối quen biết từ trước, chị lại gom hàng ở Chợ sân vận động Warsaw rồi tự mình thân gái dặm trường áp tải theo xe ô tô về Praha. Chị đã từ chối một tình yêu đẹp sau sự kiện con bé ăn xin, rồi lại ngã lòng vào người tình cũ nơi xứ tuyết là sao? Dằn vặt, lòng chưa bao giờ thanh thản, bên chồng lúc nào chị cũng thấy mình tội lỗi. Ban ngày, bỗng nhiên anh nhìn chị chằm chằm, chị chỉ muốn tìm cái lỗ nẻ chui xuống. Đang đêm, anh nằm bên cạnh thở dài, chị cũng giật mình thon thót.

* *
*

Sau những năm tháng thân cò nơi xứ tuyết chị đã có cửa hàng bán tóc giả và các đại lý bán quần áo phụ nữ may sẵn, có tài xế riêng lái ô tô đi làm. Anh vẫn miệt mài với những công trình khoa học mới và thân thể đã… mập mạp thêm. Không! Anh đã khỏe chắc và đàn ông hơn. Anh chẳng biết hay tảng lờ với tội lỗi của chị? Thảng hoặc chị vẫn nhìn chồng với ánh mắt buồn vời vợi ân hận của người vợ bị hoàn cảnh đẩy vào lỗi lầm. Đôi khi, đêm về đang nồng nàn trên giường, bất chợt người chị mềm rũ lãnh cảm, anh cũng không hề biết. Có khi là hình ảnh người tình cũ với cú vấp ngã đầu đời chen vào giường chiếu, có lúc là nhịp rập rình của xe tải, tiếng phanh đột ngột giữa đêm trường vọng đến…, tách chị ra khỏi anh. Cơn lửa lòng tắt ngấm, lạnh ngắt như tro than ủ nước đá. Chị âm thầm, nuốt nước mắt vào dạ, không khóc. Chị không khóc. Không khóc ở Praha. Không được khóc! Những năm xa xứ, chị luôn thầm thĩ, nhắc nhủ lòng mình như thế. Chị phải đứng lên, đứng thật chắc bằng đôi chân vấp ngã của mình và ngẩng cao đầu nơi xứ tuyết.

* *
*

Anh và con bé vớt bánh chưng ra từ lúc nào chị không hay. Con lớn vẫn mê mải lướt phím đàn, Happy new year xong thì đến Đêm thánh vô cùng, rồi Jingle Bells, Mừng chúa Giáng sinh...

Anh gọi chị lại gần. Nét mặt anh rầu rầu, buồn lạnh. Chị giật thột, nem nép mang cái sợ của người chịu tội.

“Anh có lỗi. Để em khổ quá”.

“Sao… giao thừa, năm mới, anh lại nói thế?”.

“Đừng giấu anh nữa”.

“Em…”.

“Thôi, để anh nói cho”.

Anh nói nhanh, dường như không thở, chỉ nói và nói: Rằng, Đạt đã nói hết với anh và xin anh từ bỏ em để hai người sống với nhau. Rằng, tất nhiên là anh không bao giờ bỏ vợ, vì em còn yêu anh và còn các con. Rằng, anh đã giấu em chuyện anh đã biết tất cả. Bởi anh muốn em không mặc cảm, không sợ hãi chồng vì đã phản bội. Rằng, anh đã sai lầm. Sai lầm ở chỗ: Lẽ ra, anh chủ động nói với em trước thì cái đĩa ghi hình ấy chẳng có giá trị gì và em đã không phải dốc hết vốn mua lại. Rằng, như thế thì màn kịch câm của em và anh đã kết thúc lâu rồi và chúng ta không khổ sở đến tận bây giờ. Rằng, mọi chuyện buồn quên đi, chôn sâu khóa chặt vào tháng ngày cũ, anh với em dắt nhau vào năm mới cùng các con sống cuộc đời mới...

Ôi giời! Chồng ơi! Sao anh không băm vằm em đi?! Sao anh không căm ghét, khinh bỉ em đi! Chị thổn thức trong lòng như thế. Chị im lặng, không thanh minh, không xin xỏ, chỉ vùi mặt vào ngực anh. Và nước mắt, những giọt nước mắt biết ơn giàn giụa, nóng hổi.

Bên ngoài, những tiếng chuông nhà thờ đã bắt đầu vang ngân. Giao thừa đến thật rồi! Hình như, tuyết cũng ngừng rơi! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.