Bạn cần biết

Đèn bắt muỗi ăn theo dịch Zika

04/10/2016, 16:08
image

Hơn một tuần qua đèn bắt muỗi bỗng nhiên bán chạy do người dân sợ dịch virus Zika.

de bat muoi d d
Chủ cửa hàng bán đèn bắt muỗi tại chợ Hợp Nhất, Trung Kính, Hà Nội đang thử đèn để bán cho khách. Ảnh: L.Th

Dù không phải mùa mưa phùn ẩm ướt, nhiều muỗi nhưng các cửa hàng bán đèn bắt muỗi vẫn "phấn khởi" nhờ có dịch virus Zika.

Đắt khách nhờ…virus Zika

Dù hiện tại, Hà Nội chưa ghi nhận ca nhiễm virus Zika nào nhưng theo Bộ Y tế, mật độ muỗi truyền virus Zika tăng cao vì Hà Nội đang bước vào mùa mưa bão. Vì thế, những ngày gần đây, nhiều người đã đi mua đèn bắt muỗi để đề phòng. Chị Phan Quỳnh Hoa (trú tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng chị đang lên kế hoạch sinh con đầu lòng nên cách đây mấy ngày chị Hoa đã đi mua một chiếc đèn bắt muỗi với giá 150 nghìn đồng. “Nghe nói về các di chứng của virus Zika đối với thai nhi, hai vợ chồng tôi rất sợ nên làm gì được để phòng tránh là làm. Nhưng nếu phun thuốc thì sợ tác dụng phụ, mà 150 nghìn đồng không đắt đỏ gì nên mua đèn bắt muỗi về cho yên tâm”, chị Hoa nói.

Chủ một cửa hàng bán các loại quạt, đèn và thiết bị điện trên đường Cầu Lủ (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, bình thường vào mùa mưa phùn, ẩm ướt, muỗi sinh sôi nảy nở nhiều các thiết bị chống muỗi, bắt muỗi như vợt muỗi, đèn bắt muỗi bán chạy như tôm tươi. Nhưng hơn một tuần qua đèn bắt muỗi bỗng nhiên bán chạy do người dân sợ dịch virus Zika. Chủ cửa hàng này cho biết, hiện cửa hàng chỉ còn hai chiếc đèn bắt muỗi mới lấy về, những chiếc khác đã bán hết. “Không phải mùa ẩm nên chị chỉ lấy ít một nhưng mấy hôm nay lấy đến đâu bán hết đến đó. Chị cũng đang cho người đi lấy hàng mới. Bây giờ người ta không thích vợt muỗi nữa vì vừa phải sạc điện vừa phải vợt mà chỉ bắt được từng con một”, chị này cho biết.

Chủ một cửa hàng bán đồ điện gia dụng tại chợ Hợp Nhất (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tiết lộ, mấy hôm nay đèn bắt muỗi bán được. “Thì cứ bán túc tắc thôi nhưng lấy hàng về là bán hết. Nhiều người cũng hỏi có bắt được muỗi truyền Zika không. Bắt được hết. Chỉ cần muỗi hay côn trùng nhỏ chui được vào các khe quạt này là bị giết chết hết”, ông chủ cửa hàng chỉ vào lưới nhựa bảo vệ bên ngoài đèn bắt muỗi nói.

Nhập nhằng xuất xứ

Chị Lê Thị Tuyến (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, chị mua một chiếc đèn bắt muỗi hình con ếch xanh được người bán quảng bá là hàng Việt Nam nhưng chữ thì toàn tiếng Trung Quốc với giá 140 nghìn đồng cách đây hai tháng. “Ban đầu đèn chạy tốt, bắt được nhiều muỗi. Nhưng đèn chạy chưa được hai tháng thì hỏng. Bây giờ cắm điện, đèn vẫn chạy nhưng lác đác vài con muỗi bay lạc vào thì chết, còn trong nhà chỗ nào cũng có muỗi bay vo ve”, chị Tuyến kể.

Theo chủ cửa hàng trên đường Cầu Lủ, có nhiều loại đèn bắt muỗi nhưng đều là của Trung Quốc. Khi được hỏi về độ bền của sản phẩm, chị này cho hay, đèn Trung Quốc giá rẻ nên không thể nói là bền mãi được: “Nếu chọn loại nào công suất yếu thì sẽ nhanh hỏng hơn, và ngược lại”. Chủ cửa hàng cũng cho biết, loại đèn công suất lớn có giá cao hơn từ 200-300 nghìn đồng một chiếc với thiết kế hình con vật ngộ nghĩnh. Đặt câu hỏi, cơ chế đèn phát ra ánh sáng để dụ và giết chết muỗi bằng các xung điện có ảnh hướng đến người dùng, nhất là trẻ nhỏ, chủ cửa hàng này cho biết, điện tại lưới đèn (bộ phận giết muỗi) rất thấp “nhưng nếu nhà có trẻ em thì nên để đèn lên cao cho an toàn”.

Tại nhiều siêu thị, đèn bắt muỗi có nhiều hình dáng, mẫu mã khác nhau được nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản… Thậm chí, một số điểm bán quảng bá là đèn xuất xứ Việt Nam nhưng trên thân đèn lại là “made in Taiwan” hay “made in China”. Nếu người mua không chú ý sẽ dễ nhầm lần. Các loại đèn này sử dụng tia UV để tạo ra một ít lượng khí CO2 và phát ra ánh sáng tia cực tím dụ muỗi tới, hút vào lòng đèn sau đó sấy khô hoặc giật chết muỗi. Những loại đèn này thường có giá 300-500 nghìn đồng/chiếc.

Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông vừa cho ra một sản phẩm đèn bắt muỗi “made in Vietnam” với quảng bá dùng phổ ánh sáng, kết hợp với cơ chế phát ra khí CO2 tối ưu hóa hiệu quả dẫn dụ và bắt muỗi. Đèn còn được quảng bá không hóa chất, không có độc tố, không gây tiếng ồn, tuổi thọ dài, tiết kiệm điện… Và đặc biệt, đèn được nhấn mạnh có thể bắt các loại muỗi Aedes (lan truyền bệnh sốt virus Zika), muỗi vằn (lan truyền bệnh sốt xuất huyết), muỗi A-no-phen (lan truyền bệnh sốt rét), muỗi Culex (lan truyền bệnh viêm não). Nhưng giá của đèn này tới hơn 1 triệu đồng/chiếc.

Bắt muỗi bằng ánh sáng và khí CO2 là không có căn cứ“

Nói dùng ánh sáng để thu hút muỗi là nói ngược. Bởi lẽ, muỗi rất sợ ánh sáng, kể cả ánh sáng xanh hay ánh sáng tím mà các loại đèn bắt muỗi được quảng bá đang sử dụng để thu hút muỗi”, TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải phân tích. Còn đối với việc dùng khí CO2 giống người để thu hút muỗi, ông Khải đặt nghi vấn về quá trình đốt cháy carbon để tạo ra loại khí này của đèn bắt muỗi trên thị trường: “Nếu dùng CO2 thì nguồn CO ở đâu? Cơ chế tạo CO2 như thế nào?

Khi nào phải tiếp thêm CO cho đèn? Tiếp ở đâu? Cứ cho là dựa trên cơ chế như quảng cáo nói là bắt được muỗi, thì cũng đang đi ngược xu hướng thế giới khuyến khích tạo ra các máy móc, công cụ không thải CO2”, ông Khải cho hay. Vì thế, TS. Khải cho rằng, việc quảng cáo đèn bắt muỗi bằng ánh sáng và khí CO2 là không có căn cứ.

>>> Xem thêm video virus Ebola khiến 20.000 người bị lây nhiễm:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.