Xã hội

Dẹp "loạn giá" test Covid-19: Siêu lợi nhuận buôn kit test

Thực tế, cùng là que test nhưng có doanh nghiệp chỉ nhập khẩu với giá 2,5 USD/test nhưng có doanh nghiệp nhập với giá gấp đôi, thậm chí gấp 3.

Giữa lúc cả nền kinh tế phải oằn mình đối phó với đại dịch Covid-19, ngân sách từ Trung ương, địa phương đến doanh nghiệp, người dân phải chi một khoản khổng lồ cho dịch vụ xét nghiệm nhanh, trong đó bao gồm khoản lợi nhuận không nhỏ của các đơn vị nhập khẩu, phân phối, kinh doanh sản phẩm này.

Kỳ 1: Siêu lợi nhuận buôn kit test

img

Cùng một loại que test nhưng có doanh nghiệp chỉ nhập khẩu với giá 2,5 USD/test, có doanh nghiệp nhập với giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 (Trong ảnh: Người dân Hà Nội xét nghiệm Covid-19). Ảnh: Tạ Hải

Giá các sản phẩm kit test trong nước có sự chênh lệch lớn, không chỉ giữa các thương hiệu khác nhau mà với cả cùng loại sản phẩm cho các khách hàng khác nhau và đặc biệt là giữa giá nhập khẩu với giá bán cuối cùng.

Siêu lợi nhuận vào túi ai?

Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH H. nhập khẩu một đơn hàng khoảng 30.000 kit test Covid-19 (tên sản phẩm Humasis COVID-19 Ag Test của nhà sản xuất HUMASIS CO.,LTD, Hàn Quốc) với giá nhập khẩu gần 2,6 USD/test, tương ứng 59.500 đồng (theo tỷ giá thời điểm đó là 22.900 đồng/USD).

Theo tính toán của PV Báo Giao thông, sau khi cộng thêm các chi phí khác như thuế VAT 5%, cước vận chuyển gần 4.000 đồng, giá mỗi kit test H. khi về đến Việt Nam vào khoảng 66.000 đồng.

Trong khi đó, giá sản phẩm H. trong nước do Công ty Humansis VINA tự công bố hồi tháng 7 vừa qua là 198.000 đồng/test.

Như vậy, chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán ra thị trường hơn 130.000 đồng/test. Điều này có nghĩa, nếu bán “trót lọt” 30.000 kit test ở mức giá trên, chênh lệch giữa giá nhập khẩu với giá bán ra của sản phẩm này vào khoảng 3,95 tỷ đồng.

Theo lý giải của đại diện một công ty nhập khẩu vaccine và thiết bị y tế, mức chênh lệch nói trên là bao gồm chi phí vận chuyển, chi phí quản lý, nhân công, lưu thông, phân phối (trong nước)… và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Khi được hỏi các chi phí nêu trên cụ thể ra sao, vị này nói đây là “bí mật kinh doanh” của doanh nghiệp, không thể tiết lộ!

Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm kit test từ nhà nhập khẩu đến người sử dụng cuối cùng, chi phí quản lý, nhân công hay phân phối không đáng kể (vì đây là sản phẩm hoàn thiện, gọn nhẹ, gần như không bán lẻ)…

Do vậy, có thể nói, lợi nhuận chiếm một tỷ trọng lớn trong khoản chênh lệch giữa giá nhập khẩu với giá bán.

Humasis chỉ là một trong số rất nhiều sản phẩm phục vụ hoạt động xét nghiệm Covid-19. Tính đến ngày 20/10, Bộ Y tế đã cấp phép cho 127 sản phẩm test xét nghiệm SARS-CoV-2 (nhập khẩu Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Singapore… và sản xuất trong nước) gồm: 43 test xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP); 56 test xét nghiệm kháng nguyên và 26 test xét nghiệm kháng thể.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các doanh nghiệp nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh Covid-19 phát hiện định tính kháng nguyên SARS-CoV-2 thời gian gần đây phần nhiều có xuất xứ Hàn Quốc và được vận chuyển bằng đường hàng không.

Giá các sản phẩm kit test trong nước có sự chênh lệch lớn, không chỉ giữa các thương hiệu khác nhau mà với cả cùng loại sản phẩm cho các khách hàng khác nhau và đặc biệt là giữa giá nhập khẩu với giá bán cuối cùng.

Đơn cử như cùng loại kit test Standard TM Q Covid-19 Ag Test của hãng sản xuất SD Biosensor Inc (Hàn Quốc), song giá bán cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 135.000 đồng/test (theo Quyết định số 289/QĐ-KSBT về việc phê duyệt Kết quả chỉ định thầu rút gọn gói thầu “Mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 (bộ test nhanh) phục vụ phòng, chống dịch Covid-19” ngày 22/9/2021 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc tỉnh này).

Theo đó, gói thầu 1,5 triệu kit test này trị giá 202,5 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Armephaco.

Trong khi đó, giá bán cho TP.HCM (theo Quyết định số 3117/QĐ-TTKSBT ngày 13/7/2021 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế TP.HCM) lại là 175.000 đồng/test, tổng gói thầu 500.000 kit test, trị giá 87,5 tỷ đồng, cùng do Công ty Cổ phần Armephaco cung cấp.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, sản phẩm StandardTM Q Covid-19 Ag Test được Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh (đơn vị nhập khẩu) tự khai báo giá hồi tháng 7 vừa qua là 5,5 USD, tương ứng hơn 121.000 đồng/test (đã bao gồm thuế VAT). Như vậy, giá chỉ định thầu của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu cao hơn giá nhập khẩu của doanh nghiệp lần lượt gần 50.000 đồng (41%) và hơn 9.600 đồng/test (7,9%).

Cùng một sản phẩm kit test, giá bán cho các doanh nghiệp nhập khẩu có thể chênh lệch nhất định vì phụ thuộc vào đối tác, thời điểm, khối lượng, quyền lợi, trách nhiệm…

Tuy nhiên, khoản chênh lệch xấp xỉ gấp hai lần là một điều rất khó lý giải. Chưa kể, ngay cả khi kit test StandardTM Q được nhập giá 121.000 đồng/test thì với giá bán cho Bà Rịa - Vũng Tàu (135.000 đồng), TP.HCM (175.000 đồng) thì doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối cũng đã nhận về một khoản chênh lệch lần lượt hơn 14 tỷ đồng, hơn 24,8 tỷ đồng và hơn 1,6 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bán hàng trong nước).

Tương tự, một sản phẩm kit test khác là Biocredit Covid-19 AG của hãng RapiGen Inc (Hàn Quốc) được Công ty Cổ phần Y tế Khang Duy công bố giá bán 178.000 đồng (tháng 7/2021).

Tuy nhiên, cùng thời điểm, giá nhập khẩu sản phẩm này của chỉ gần 106.000 đồng - đã bao gồm thuế VAT.

Trong khi đó, vừa qua, với sự giới thiệu của Văn phòng Chính phủ, nhà sản xuất RapiGen Inc đã chào giá sản phẩm này có 2 USD/test cho 3 doanh nghiệp Việt Nam là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng Sacombank và Công ty CP Dược phẩm T&T để họ mua tặng Chính phủ 13 triệu sản phẩm.

Như vậy, theo tính toán của doanh nghiệp, giá mỗi kit test Biocredit về đến Việt Nam chỉ khoảng 52.000 đồng (đã bao gồm thuế, phí vận chuyển), bằng một nửa so với giá khai báo nhập khẩu của doanh nghiệp.

Đầu tháng 10 vừa qua, Tập đoàn BRG đã tặng 1 triệu kit test kháng nguyên SARS-CoV-2 cho TP.HCM với tổng giá trị 45 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi kit test có giá 45.000 đồng.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, con số 45.000 đồng/test này của BRG dùng để làm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ TP.HCM chống dịch nên không có lợi nhuận mà chỉ bao gồm ba yếu tố cấu thành giá cơ bản là: Giá nhập gốc, thuế VAT (5%) và chi phí vận chuyển về nước.

Nhà nước, doanh nghiệp, người dân “oằn mình” trả phí

img

Chưa tính sản xuất trong nước, từ đầu năm đến nay cả nước đã nhập khẩu gần 50 triệu kit test. Ảnh: Tạ Hải

Chưa tính số kit test sản xuất trong nước, số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp, trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu gần 49,5 triệu que xét nghiệm nhanh Covid-19 từ các thị trường: Áo, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Mỹ, Pháp...

Trong đó, một số đơn hàng nhập với số luợng hơn 21 triệu kit test, có đơn 14 triệu chiếc, đơn nhập hơn 7,5 triệu chiếc…

Đây cũng là thời điểm nhu cầu kit test “bùng nổ” vì để phục vụ hoạt động xét nghiệm diện rộng của một số địa phương; phục vụ hoạt động sản xuất và đi lại của doanh nghiệp, người dân.

Chỉ tính từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát cuối tháng 5 đến hết tháng 9, TP.HCM đã thực hiện 5 đợt xét nghiệm diện rộng truy tìm F0 với khoảng 31 triệu mẫu test nhanh.

Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, từ tháng 4/2021 đến đầu tháng 10, trên địa bàn đã sử dụng khoảng 2,4 triệu kit test. Tại Long An, từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 cho đến nay đã sử dụng khoảng 2,27 triệu kit test…

Trong khi đó, các dịch vụ xét nghiệm do ngân sách chi trả trước thời điểm ngày 1/7/2021 được phần lớn các địa phương áp dụng mức 238.000 đồng/mẫu test nhanh và 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, mặt hàng nhập khẩu là que test Covid-19 đáp ứng các quy định về Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế, thì áp dụng mức thuế suất thuế VAT là 5%. Ngoài ra, mặt hàng này hiện không chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế bảo vệ môi trường.

Mức giá này được căn cứ theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp, trong đó có dịch vụ test SARS-CoV-2.

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 được Bộ Y tế xây dựng mới đây, đối với khu vực y tế công, mức giá dịch vụ (bao gồm chi phí lấy mẫu, bảo quản, trả kết quả) sẽ được tính 32 nghìn đồng/lượt xét nghiệm (chưa có giá kit test).

Như vậy, có thể tạm tính, trong tổng chi phí ngân sách chi trả cho gói dịch vụ test nhanh 238.000 đồng thì tiền kit test được thanh toán lên tới 206.000 đồng/chiếc?!

Còn các trường hợp xét nghiệm dịch vụ (doanh nghiệp, người dân) mức giá có thể dao động từ 238.000 (tối thiểu) đến 350.000/mẫu. Như vậy, cả doanh nghiệp bán kit test và đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm còn “lãi đậm” hơn nhiều.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau ngày 1/7/2021, giá test nhanh được căn cứ trên giá thực chi bao gồm giá sinh phẩm kit test (mua theo hình thức đấu thầu) và giá chi phí phục vụ hoạt động xét nghiệm (bao gồm lấy mẫu, bảo quản và trả kết quả).

Trong khi đó, giá đấu thầu có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương như một số dẫn chứng ở trên. Mặt khác, một lượng kit test đã được các địa phương sử dụng vừa qua là do doanh nghiệp trao tặng, tài trợ.

Do vậy, đến nay, chưa có con số thống kê tổng thể ngân sách Trung ương và các địa phương đã chi trả bao nhiêu tiền cho chi phí xét nghiệm.

Tuy nhiên, với mức chênh lệch cực lớn giữa giá nhập khẩu và giá bán như đã phân tích ở trên, có thể thấy, ngân sách của cả các địa phương đã phải gánh khoản chi phí không nhỏ, bao gồm lợi nhuận của doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, kinh doanh kit test.

Tương tự như vậy là cộng đồng doanh nghiệp.

Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, hồi tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 đang căng thẳng, để duy trì hoạt động, đã phải ký hợp đồng với Trung tâm Y tế xã Tân Uyên (Bình Dương) về làm xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ, nhân viên với đơn giá 326.000 đồng/mẫu test.

Như vậy, với số lượng 1.627 nhân viên, Trường Thành đã phải bỏ ra hơn 539 triệu đồng cho 1 lần xét nghiệm.

Thời điểm đó, thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, Trường Thành cũng như hầu hết các doanh nghiệp ở vùng dịch phía Nam phải thực hiện xét nghiệm trung bình 3 - 7 ngày/lần tương ứng với khoản chi phí chỉ riêng tiền xét nghiệm tới hơn 2 tỷ đồng/tháng.

Ông Lưu Châu Bằng, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết, công ty phải chi trả gần 2 tỷ đồng/tháng chi phí xét nghiệm cho 1,1 nghìn lao động sản xuất “3 tại chỗ”.

Tại Bắc Giang, dù dịch bệnh không phức tạp như các tỉnh phía Nam, song một doanh nghiệp dệt may lớn có quy mô gần 5.000 lao động cho hay cũng phải “tiêu” khoảng 2 tỷ đồng/tháng chỉ riêng cho chi phí xét nghiệm Covid-19…

Với các doanh nghiệp vận tải, tần suất xét nghiệm còn cao hơn do giấy chứng nhận xét nghiệm cho tài xế di chuyển trên đường chỉ có giá trị trong vòng 72 giờ.

Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tính toán, với trung bình khoảng 200 nghìn đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp thì chi phí xét nghiệm trực tiếp cho mỗi lái xe vào khoảng 2 triệu đồng/tháng/10 - 12 lần xét nghiệm.

Ước lượng với khoảng 800.000 lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa trên cả nước đã phải xét nghiệm với tần suất 3 - 5 ngày/lần thì con số chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.

Không chỉ doanh nghiệp, các tiểu thương, người dân khi có nhu cầu kinh doanh, đi lại đều phải xét nghiệm và với nhiều gia đình, đó là một khoản chi phí không nhỏ…

Thực tế cho thấy, cùng là que test nhưng có doanh nghiệp chỉ nhập khẩu với giá 2,5 USD/test nhưng có doanh nghiệp nhập khẩu với giá gấp đôi, thậm chí gấp 3.

Chính vì thế, dư luận đặt ra câu hỏi: Có hay không dấu hiệu để hợp thức giá bán cao trong nước đồng thời giảm lợi nhuận, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia thuế Đặng Thị Bình An (Công ty tư vấn thuế C&A) cho biết: Nếu cùng mặt hàng, cùng đơn vị sản xuất mà có hiện tượng này thì câu hỏi trên hoàn toàn có thể đặt ra.

Bà Bình An cũng đồng tình rằng, ở đây Nhà nước đã có chính sách ưu đãi với các mặt hàng dùng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi miễn nhiều loại thuế và chỉ thu thuế VAT 5%, Chính phủ cũng chỉ đạo làm rõ câu chuyện về giá que test.

Do đó, nếu có tình trạng như Báo Giao thông phản ánh, bà Bình An cho rằng đây sẽ là cơ sở để cơ quan thuế vào cuộc thanh kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu que test này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.