Đường sắt

Di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm: Đường sắt không có chủ trương

20/04/2017, 09:05

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải kiên quyết giữ Nhà máy xe lửa Gia Lâm, không chỉ vì ý nghĩa lịch sử.

3

Nhà máy xe lửa Gia Lâm có đường ray chạy qua các phân xưởng sản xuất và nối thẳng với ga Gia Lâm nằm cách nhà máy chỉ vài trăm mét

Xem kỳ 1: Vì sao đề xuất di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm?

Dù mới chỉ là đề xuất của quận Long Biên (Hà Nội), nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần phải kiên quyết giữ Nhà máy xe lửa Gia Lâm, không chỉ vì ý nghĩa lịch sử mà nhà máy này còn có vai trò lớn đối với ngành Đường sắt và cả nền kinh tế.

Lấy đâu mảnh đất nào phù hợp hơn

Chia sẻ với Báo Giao thông, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê cho rằng, bản thân cơ sở công nghiệp đường sắt yêu cầu diện tích mặt bằng rất lớn vì đoàn tàu dài, bán kính vòng cung để quay trở rất lớn, nên nhiều khi phải có diện tích trống để làm các đường vòng đi vào. Không thể như ô tô, chạy lùi vào, lùi ra được. Hơn nữa, cơ sở công nghiệp đường sắt phải gần các đầu mối giao thông lớn của đường sắt, gần nhà ga, các đường sắt giao nhau để dùng chung…

“Cơ sở công nghiệp cơ khí chế tạo đầu máy, toa xe như Nhà máy xe lửa Gia Lâm là yếu tố không thể thiếu nếu định phát triển đường sắt, cả về ý nghĩa kinh tế và chính trị lâu dài. Nếu định phát triển đường sắt nhưng di dời nhà máy thì lấy đâu ra mảnh đất nào phù hợp hơn ở đây?”, GS. Khuê nói.

Hơn nữa, vấn đề không chỉ là đất mà là các công trình đầu tư, trang thiết bị, nhà xưởng ở trên đó. Tại sao đang có và cần cơ sở vật chất có giá trị hàng nghìn tỷ đồng mà lại đề xuất di dời, nếu phá đi rồi xây mới liệu có lãng phí, tốn kém? Sắp tới, nhu cầu phát triển đường sắt đô thị rất lớn, nếu không có cơ sở công nghiệp, mà chỉ làm đường, còn đầu máy, toa xe đi mua của nước ngoài thì không biết phải đổ bao nhiêu tiền.

“Nhà máy xe lửa Gia Lâm xuống cấp chỉ cần nâng cấp là được, tại sao lại làm chuyện ngược đời là phá đi trong khi vẫn đang cần? Còn nếu nhà máy sử dụng chưa đúng mục đích thì phê bình, thậm chí chưa dùng đến tạm thời cho thuê nhưng nộp ngân sách hoặc khấu trừ vào những phần cung cấp cho Tổng công ty Đường sắt VN để hỗ trợ cho nhà máy”, GS. Khuê nói và cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã họp, thống nhất chủ trương tìm kiếm giải pháp để phát triển đường sắt thành ngành vận tải chủ lực. Muốn vậy, phải đầu tư đồng bộ và cần quan tâm đến thực tế Nhà máy xe lửa Gia Lâm là cơ sở công nghiệp quan trọng cho ngành Đường sắt, đã từng sản xuất được các phương tiện vận tải hoặc lắp ráp thành công với giá trị nội địa hóa toa xe lên đến trên 60% và cho đầu máy gần 30%”.

Chưa có chủ trương di dời

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, Cục Đường sắt VN chưa nhận được văn bản chính thức nào liên quan đến việc di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Cơ sở công nghiệp xe lửa Gia Lâm cũng như xe lửa Dĩ An không chỉ cần được duy trì tồn tại mà còn cần được đầu tư thỏa đáng để thực hiện mục tiêu chiến lược, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Ở tầm vĩ mô, nếu cần thiết phải chuyển đổi, di dời, cần có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Nếu đề xuất đưa ra mà chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động, đến công cuộc tái cơ cấu ngành Đường sắt. Cục Đường sắt VN cũng đang xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trong đó xác định rõ cần đầu tư phát triển Nhà máy xe lửa Gia Lâm và Nhà máy xe lửa Dĩ An thành hai trung tâm công nghiệp đường sắt lớn về đầu máy, toa xe”, ông Khôi nói. 

Theo các quy hoạch, chiến lược phát triển đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2020-2030 sẽ đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại cho các cơ sở công nghiệp đầu máy, chế tạo toa xe, sản xuất ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế đạt mức tiên tiến trong khu vực. Tầm nhìn 2030 - 2050, công nghiệp đường sắt giữ vai trò chủ đạo liên danh với các cơ sở công nghiệp trong cả nước tham gia lắp ráp, chế tạo đầu máy toa xe, đại tu sửa chữa các cấp đáp ứng nhu cầu khai thác.

Thông tin thêm, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, ngày 18/11/2013 UBND TP Hà Nội có Quyết định số 6960 cho tổng công ty thuê 203.873 m2 đất để giao cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng làm văn phòng làm việc và cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngày 25/10/2015, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản thông báo về việc Hà Nội chỉ phê duyệt mục đích chuyển đối sử dụng cơ sở sản xuất, nhà đất (nếu có) sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ GTVT.

“Các đề xuất về việc di dời nhà máy chỉ là đề xuất của quận, chưa phải chủ trương của cấp có thẩm quyền. Còn trong trường hợp chuyển đổi vị trí khác cần phải có vị trí phù hợp hơn và về nguyên tắc là không làm tăng chi phí”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN nói.

Cũng theo ông Minh, đến nay ngành Đường sắt chỉ có 2 cơ sở công nghiệp lớn là Gia Lâm (Hà Nội) và Dĩ An (Bình Dương), đã được quy hoạch phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt, trường hợp có thay đổi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Về vấn đề môi trường, ông Minh cho rằng cần tránh những đánh giá định tính mà cần định lượng. Bởi cơ sở công nghiệp đường sắt không có nhiều vật tư, chất thải trực tiếp ra môi trường như một số lĩnh vực khác.

“Ngành đường sắt đang nỗ lực thay đổi toàn diện, trong đó có đổi mới công nghệ, công nghiệp đường sắt. Mục tiêu là năm 2017 sẽ có 5-6 đoàn tàu hiện đại, đồng thời cũng dự kiến đầu tư 100 đầu máy, trong đó 50% đấu thầu quốc tế mua mới, 50% mua động cơ về lắp ráp trong nước để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển. Dự kiến năm 2018, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nếu được Quốc hội thông qua và có sự chuẩn bị tốt thì nhiệm kỳ sau có thể bắt đầu triển khai… Song hành với chiến lược ấy và đang từng bước trở thành hiện thực, công nghiệp cơ khí đường sắt cũng phải chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu phát triển đường sắt hiện hữu và đường sắt tốc độ cao”, ông Minh cho biết thêm.

Từng bị đưa vào diện “di dời ngay”

Để rộng đường dư luận và có thông tin đa chiều về vấn đề này, ngày 19/4, PV Báo Giao thông đã đến trụ sở UBND quận Long Biên đề nghị được trao đổi thông tin xung quanh đề xuất di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm của lãnh đạo quận này tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Chánh văn phòng UBND quận - người phát ngôn và ông Bùi Dương, Phó chánh văn phòng đều từ chối cung cấp thông tin ngay, mà hẹn sẽ trả lời trong khoảng 5 - 6 ngày nữa.

PV cũng nhiều lần liên hệ qua điện thoại, đồng thời nhắn tin cho bà Vũ Thu Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, đề nghị được cung cấp thông tin liên quan đến đề xuất di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm như: Lý do đề xuất; sau khi di dời sẽ sử dụng quỹ đất trên vào mục đích gì, có dùng để xây dựng nhà ở không? Ngoài quận Long Biên, có tổ chức, cơ quan hay doanh nghiệp nào cùng đề xuất không?... Tuy nhiên, bà Hà không nghe điện thoại, không nhắn tin phản hồi phóng viên.

Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đây không phải lần đầu tiên UBND quận Long Biên đề xuất di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm mà năm 2016 địa phương đã xếp đơn vị trên vào diện “di dời ngay” với lý do không phù hợp quy hoạch đô thị và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cụ thể, ngày 1/6/2016, đại diện Công ty CP xe lửa Gia Lâm được UBND quận Long Biên mời lên làm việc về việc di dời nhà máy. Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND quận Long Biên công bố danh sách các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời, được nêu trong Văn bản số 2781/UBND-ĐT ngày 16/5/2016 của UBND TP Hà Nội).  Trong đó, Công ty CP xe lửa Gia Lâm là 1 trong 2 đơn vị trên địa bàn quận Long Biên thuộc diện bắt buộc phải di dời ngay. Lý do là không phù hợp quy hoạch đô thị (đơn vị thuộc quy hoạch phân khu N10 là đất sử dụng công cộng của TP Hà Nội) và là đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Liên quan đến vấn đề môi trường, đại diện Công ty CP Xe lửa Gia Lâm cho biết, ngay tại cuộc họp trên, công ty đã có ý kiến khẳng định đơn vị luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện quan trắc môi trường, kiểm soát chất lượng nước thải 4 lần/năm theo quy định và các chỉ số đều đảm bảo.

Thời gian trước đó, đơn vị chỉ duy nhất bị xử phạt hành chính về môi trường vào năm 2015, do có 1 trong 28 chỉ số của nước thải vượt ngưỡng cho phép 1,5 lần. Tuy nhiên, chỉ số vượt ngưỡng cho phép trên lại không liên quan đến chất thải công nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.