Điện ảnh

Điện ảnh Việt hết thời “ngôi sao phòng vé”

15/08/2018, 07:29

Qua rồi thời “ngôi sao phòng vé” làm bá chủ rạp chiếu. Điện ảnh Việt xuất hiện ngày càng nhiều gương mặt mới...

20

“Tháng năm rực rỡ” là bộ phim về đề tài thanh xuân hiếm hoi đạt doanh thu phòng vé tốt

Thời của những gương mặt mới toanh

Kể từ bộ phim Em chưa 18 thành công năm 2017 với hai diễn viên chính đều mới trong điện ảnh là Kaity Nguyễn và Kiều Minh Tuấn, điện ảnh Việt đang dần có sự biến thiên rõ rệt. Hàng loạt những bộ phim ra đời sau đó đều có những gương mặt mới đảm đương vai chính. “Công thức” này không chỉ có ở nhiều bộ phim Việt gây chú ý thời gian qua như: Em chưa 18, 100 ngày bên em, Tháng năm rực rỡ, Lật mặt: Ba chàng khuyết, Yêu em bất chấp, mà sắp tới cũng có nhiều phim như: Song Lang, Chàng vợ của tôi… đều có gương mặt mới đảm nhận vai chính. Trong đó, Song Lang có “lính mới” Liên Bỉnh Phát, Chàng vợ của tôi có Phương Anh Đào.

Có thể thấy rõ một điều, điện ảnh Việt dường như đang có sự thay đổi sau thời kỳ các ngôi sao chiếm trọn phòng vé. Thời kỳ phim hài bùng nổ, những danh hài nổi tiếng như: Trường Giang, Trấn Thành, Hoài Linh, Việt Hương xuất hiện trong nhiều bộ phim. Họ được xem là những cái tên bán vé. Nhiều nhà sản xuất lên tiếng sẵn lòng chịu chi trên 1 tỉ đồng để mời được họ xuất hiện trong bộ phim của mình. Thời điểm này, những cái tên trên thực tế vẫn chưa hạ nhiệt nhưng đã có một lứa diễn viên mới cho thấy ngôi sao không phải yếu tố tiên quyết để thu hút được khán giả đến rạp.

Sự thực, những cái tên đang hot gần đây như: Kaity Nguyễn, Phương Anh Đào, Hoàng Yến Chibi hay Jun Vũ, đều là những tân binh chập chững dấn thân nhưng lại được đánh giá tốt, để lại dấu ấn trong từng bộ phim đã tham gia. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, sự thay đổi trên cũng dễ hiểu vì ngôi sao phòng vé không nhiều, trong khi số lượng phim ngày một tăng. Tuy nhiên, đạo diễn này khẳng định đây không phải xu hướng vì mỗi đạo diễn có cách lựa chọn diễn viên riêng theo kịch bản của mình. Chọn diễn viên mới có những ưu điểm mà các ngôi sao không có, như khả năng để khán giả dễ hòa mình cùng nhân vật.

Đạo diễn Quang Dũng cho rằng: “Ngôi sao luôn có giá trị của ngôi sao, nhưng họ không phải là yếu tố quyết định hết khả năng phim thành công. Quan trọng nhất vẫn là hợp vai. Cái khó của một diễn viên nổi tiếng phải làm sao cho khán giả thấy đó là nhân vật chứ không phải ngôi sao đó. Những gương mặt chưa nổi tiếng có lợi thế về điều này, vì khán giả không biết đó là ai nên dễ tập trung cho bộ phim hơn”.

Trong khi đó, một số nhà sản xuất đồng ý với lý do, hiện nhiều ngôi sao cát-xê cao nhưng độ đảm bảo về khả năng bán vé lại “hên xui”, nên các nhà sản xuất bắt đầu phải tìm cách tiết kiệm chi phí, dành chi phí cho công tác sản xuất. Chưa kể, ngôi sao thường có lịch làm việc bận rộn nên lịch quay thường phải thay đổi, khó cho đoàn phim.

Hướng tới khán giả trẻ

Cùng với sự xuất hiện của những gương mặt mới, điện ảnh Việt cũng bước sang ngã rẽ mới với các bộ phim có nội dung về thanh xuân, tuổi trẻ, lấn át các thể loại hài, ma, hành động. Phủ sóng rạp chiếu thời gian qua là những phim về thanh xuân, học đường: Tháng năm rực rỡ, Hạ cuối tình đầu, 100 ngày bên em, Em gái mưa, Trường học bá vương… Sắp tới cũng có Ngốc ơi tuổi 17, Thật tuyệt vời khi ở bên em, Thầy ơi em có bầu... Đây đều là những bộ phim mang xu hướng tình cảm nhẹ nhàng, vui vẻ. Thế nhưng, không phải bộ phim nào cũng gây được tiếng vang. Tính từ đầu năm 2018 tới nay, duy chỉ có Tháng năm rực rỡ mang về doanh thu 84 tỷ đồng, chưa có phim nào về đề tài này thắng phòng vé. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhìn nhận, không chỉ Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, người làm phim thường chạy theo xu hướng. Dù vậy, đây không phải điều xấu vì mỗi người có những sáng tạo riêng dù không phải ai cũng khai thác được hết mảng đề tài này.

Thực tế, cũng dễ hiểu khi đề tài thanh xuân được ưa chuộng vì lứa tuổi khán giả đến rạp hiện nay đa số là người trẻ. Nhà sản xuất Dung Bình Dương cho hay, khán giả đến rạp chiếm 90% là người trẻ ở độ tuổi 16-30. Tuy nhiên, để một bộ phim thành công không chỉ ở đề tài mà còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố kết hợp như kịch bản phù hợp nhu cầu và sở thích của khán giả, đoàn phim có kinh nghiệm sản xuất, đạo diễn tốt, diễn viên nhập vai tốt, đầu tư chỉnh chu, PR tốt… Trình độ thưởng thức tác phẩm của khán giả ngày càng cao. Họ có góc nhìn về nghệ thuật, câu chuyện kể của phim ngày càng sâu sắc hơn.

“Quan trọng nhất vẫn là khâu kịch bản và câu chuyện phim phù hợp sở thích của khán giả. Chuyện phim dở, đạo diễn kể câu chuyện không phù hợp và đầu tư chi phí sản xuất thấp chắc chắn sẽ không đạt doanh thu phòng vé. Còn chuyện phim hay, đầu tư chỉnh chu thì dù có là “ngôi sao phòng vé” hay diễn viên mới vẫn được khán giả ủng hộ”, nhà sản xuất Dung Bình Dương cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.