Xem - ăn - chơi

Điện thoại cho ba

09/07/2017, 18:24

Loay hoay rồi quên, về đến nhà Nhiên mới nhớ tới việc gọi điện cho ba.

40

Không ít những gia đình tồn tại những mối bất hòa giữa cha mẹ và con cái (Ảnh minh họa)

Má bảo:

- Thử điện cho ba mày coi sao, chiều giờ tao gọi cả máy bàn với di động mà ổng không trả lời.

- Dạ, để xong rồi rửa tay con sẽ gọi.

Đó là đoạn đối đáp của hai mẹ con khi đang lặt mớ vỏ tôm ba Nhiên gửi xe đò lên. Một con cá chẽm lớn đã được chặt khúc. Thêm mồng tơi, rau đay và lá lốt, một buồng chuối to vừa chín bói vài quả, tất cả đều hái trong vườn nhà. Thời buổi nào mà thứ gì cũng độc địa, nên mớ rau trái sạch này thật đáng giá.

Loay hoay rồi quên, về đến nhà Nhiên mới nhớ tới việc gọi điện cho ba. Đúng là cả hai điện thoại đều có tín hiệu, nhưng ba ở đâu mà chẳng bắt máy. Nhiên thử hình dung ra cảnh nhà vắng lạnh, vườn cây đang xao xác gió hay ngả nghiêng trong mưa, tỏa ra những cái bóng đầy đe dọa. Đêm miệt vườn tăm tối và cô độc. Ba Nhiên giờ ở một mình, làm ráng những năm tháng cuối cùng trong đời công chức của mình. Muốn kêu ba nghỉ mất sức đi, đâu nhất thiết phải vậy, mà chẳng nỡ. “Hôm trước vừa lên tới, câu trước câu sau là má mày hỏi bao giờ ông về?”. Ba kể bâng quơ mà Nhiên nghe đắng đót cả lòng. Rồi hai người lớn này sẽ sống đoạn đường hoàng hôn với nhau thế nào đây? Lời má dội lại, làm Nhiên bất chợt lo sợ:

Hay là lại gặp chuyện gì. Hồi sáng ổng nói, mang hết mấy thứ này ra gửi xe xong mệt thở không nổi.

Giọng má khi ấy tỉnh queo. Chỉ có Nhiên mới hiểu, ẩn trong sự thản nhiên đó hẳn là những lo lắng âm thầm, nếu không, má đã chẳng nói với Nhiên làm gì. Nhà có mấy chị em, chỉ có Nhiên là lặng lẽ hiểu, lặng lẽ đau với những năm tháng dằng dặc của gia đình mình. Những đêm tối ba về khuya, say xỉn, cả nhà thắc thỏm một tiếng xe từ phía xa xa vọng về. Tiếng cóc chín rụng xuống mái tôn cũng đủ để mấy mẹ con giật mình, tiếng chó sủa vu vơ đâu đó cũng làm cả nhà nơm nớp. Trộm cướp chẳng nhiều như bây giờ nhưng bao nhiêu bất trắc chực chờ, ai biết…

Ba Nhiên từng bị một đợt nhồi máu cơ tim nhẹ, may mà qua khỏi. Nhiên hình dung ra cảnh má một mình sợ hãi đến cùng cực trong bệnh viện những ngày ba bệnh. Nhiên vừa sinh con nhỏ, thằng em trai kế đi công tác xa, hai đứa em nhỏ thì lu bu với kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa. Má xua tay bảo, không sao, mình má lo được, tụi con cứ tập trung vào công việc của mình đi. Để rồi, Nhiên thi thoảng nhận được một cuộc gọi ngấm trong nước mắt hoảng loạn của má, khi ba đối diện với những khoảnh khắc thập tử nhất sinh đời mình. Sau nhiều ngày dài đằng đẵng nằm bệnh viện tỉnh, vài lần chuyển viện bất thành, cuối cùng, ba má Nhiên cũng dắt díu nhau lên tới thành phố, nơi cả bầy con đang sinh sống. Lúc Nhiên tất tả chạy sang bệnh viện thăm ba má, Nhiên ngỡ ngàng nhìn má lỏng lẻo trong bộ đồ mặc nhà, làn da sạm và khô cháy, ngỡ như sự sống chỉ có thể nhìn thấy qua đôi mắt mỏi mệt kéo dài… Đó cũng là cái đoạn đời làm Nhiên cảm động nhất trong suốt hành trình ba má đi chung, kẻ trước người sau chẳng thể gọi là đồng hành. Để sau này, khi ba bình phục, đã có thể tự tiếp tục chạy xe đi làm, lảng vảng những phấn son ai đó, nối vào những chầu nhậu quên giờ giấc và cả lời dặn dò của bác sĩ, má cay đắng bảo với Nhiên mà như tự nói với mình:

- Cả đời bay nhảy, rồi lúc đau bệnh về làm khổ vợ con…

Trong ký ức tuổi thơ Nhiên, hằn sâu nhất có lẽ là những lần tháp tùng má đi đánh ghen đâu đó. Ba Nhiên không mê mệt hẳn cô nào cụ thể, chỉ cần má Nhiên phá mối này là ba Nhiên cũng buông luôn, rồi ít bữa nửa tháng, ông lại gầy mối khác, quẩn quanh, thách thức sự kiên trì của người đàn bà hay ghen, thiếu hẳn niềm tin vào tình yêu và hạnh phúc. Những dự cảm bất an của má lây sang chị em Nhiên, cuộn thành nỗi chông chênh khi Nhiên bước ra đời.

Đôi khi, trong câu chuyện cao hứng nào đó với bạn bè văn nghệ của mình, Nhiên kể bạn nghe về cái lý do vì đâu mà mình yếu đuối bi lụy đến vậy. Hồi bé, hầu như em chẳng có ba. Dù nhà em vẫn đề huề bình thường như mọi gia đình khác. Nhìn vào thấy cũng hạnh phúc lắm. Ba em làm công nhân viên Nhà nước, khác hẳn với ba của mấy đứa bạn trang lứa trong xóm làm nghề “đánh cá”. Nghề “đánh cá” có nghĩa là chài lưới, câu nhắp nói chung, miễn sao thành quả cuối cùng vẫn là tôm cá thì được. Nên Nhiên đường đường là tiểu thư… con nhà tường. Người miền tây phân biệt nhà tường với nhà lá, hai đẳng cấp khác nhau rành rành. Hồi đó, cất một ngôi nhà tạm bợ kiểu như trong phim ảnh cực kỳ đơn giản. Chặt vót vài cây so đũa, cây bần, cây đước ngâm nước, thêm mớ lá dừa nước, chừng đủ một thiên là có thể dựng nhà. Trai gái ra riêng sống với nhau, mọi người xúm lại một hai bữa là đã có một chỗ trên che mưa che nắng, dưới đất nện láng o rồi… Nên việc Nhiên ở nhà tường, đi học hết cấp ba là cả sự kiện ở trong xứ. Xứ đó nghèo, đồng tiền khó kiếm, nhưng sản vật thì nhiều. Ra ngõ gặp con rùa, con rắn là bình thường. Ba làm sếp phó ở một xưởng chế biến thủy hải sản lớn của huyện. Vào những ngày lễ Tết, nhà Nhiên tấp nập công nhân lại qua, biếu xén. Khi thì bánh in, bánh pía. Khi thì con cá, con khô. Lúc lại là bịch lạp xưởng, mớ tôm khô… chẳng hạn.

Nhà Nhiên không nghèo, càng chẳng thiếu ăn, thiếu mặc. Mà ngôi nhà tường của Nhiên thiếu cái gì đó, mà thuở bé Nhiên nghĩ hoài không ra. Những bữa cơm quanh quẩn mẹ con với nhau. Những buổi chiều tàn vang vất tiếng chim kêu. Những đêm khuya heo hút tiếng gió luồn qua vườn, thổi rơi rớt chút ấm áp yên vui còn sót lại. Ba Nhiên đi suốt, trở về cùng những cơn say. Khi ba say, lũ con sợ hãi đến cùng cực. Im thít. Nhiên lớn lên cùng với những trận xào xáo trong nhà, ầm ĩ có, tỉ tê khóc lóc có. Bất an nối dài.

Mẹ dạy Nhiên rằng, con gái thì luôn luôn phải giữ ý với đàn ông, cho dù đó là ba mình. Không bạ đâu cũng vạ vật đứng ngồi, nằm phải xoay mông vào phía trong, áo xống luôn luôn để ý, kỹ lưỡng. Xoong nồi thì phải cọ rửa sạch bong, sáng bóng, bếp núc cũng vậy, không được để người ta chê cười. Những áp lực con con kiểu đàn bà cũ kỹ ấy làm thời con gái của Nhiên mỏi mệt bởi những áp lực kỳ khôi lạ lùng. Phải rất lâu sau đó, Nhiên mới đủ sức để nhận ra, ba Nhiên cũng có những muộn phiền khốn khổ của riêng mình. Đám con lớn lên, nhìn người đàn ông đã vất vả kiếm tiền nuôi mình ăn học trong nỗi e dè xa lạ. Nhiên hầu như không nhớ nổi, có lần nào ba và Nhiên chạm vào tay nhau, nắm lấy tay nhau, chứ đừng nói chi đến quàng vai, hay một cái ôm nào đó.

Nên Nhiên lớn lên với nỗi khát khao thầm lén về một vòng tay mạnh mẽ, bảo vệ, trìu mến, ấm áp. Nhiên thấy mình luôn cô độc, ngay cả khi Nhiên ngồi giữa hội trường, vây xung quanh là bao nhiêu con người đẹp đẽ, thơm tho. Ngay cả khi Nhiên đang trong phòng karaoke ồn ào náo nhiệt. Thậm chí, ngay cả khi Nhiên đang cụng ly tưng bừng với bạn bè trong một bàn nhậu nào đó, thì lòng Nhiên vẫn thấy cô đơn trống trải như thường.

Căn nhà tường đó, lâu rồi Nhiên không về thăm. Đường sá ngày càng gần hơn, những dòng sông mênh mông nước ngày xưa giờ đã có cây cầu hoành tráng nối đôi bờ, không phải thắc thỏm chờ đợi một lượt phà như trước nữa. Rồi đường cao tốc, rồi xe chất lượng cao. Thế nhưng, Nhiên chẳng còn là cô bé không hề vướng bận gì nữa rồi. Công việc và những mối quan hệ ruột rà xen lẫn với người dưng kéo đời Nhiên bận bịu, xoay vòng, xoay vòng. Mỏi mệt. Duy chỉ có cảm giác cô độc là vẫn như ngày xưa. Bây giờ, ngôi nhà thuở ấu thơ ấy chỉ còn có mình ba. Mấy chị em Nhiên đi học, rồi ở lại thành phố, đứa may đứa rủi nhưng vẫn cố bám trụ lại thành phố. Một căn nhà nhỏ, mẹ Nhiên trông coi cơm nước. Đã bắt đầu có dâu, có rể, cháu ngoại, cháu nội. Hai đứa con Nhiên bây giờ mỗi khi mẹ đưa điện thoại, “chỉ đạo” rằng, nói chuyện với ông ngoại, chúng chỉ kịp vu vơ vài câu như trả bài, rồi nhanh chóng lảng đi chỗ khác. Những thứ như iPad hay điện thoại thông minh hoặc tivi đều có sức quyến rũ hơn nhiều…

Suốt buổi tối, Nhiên gọi tới lui nhiều lần, đáp trả lại chỉ là từng hồi chuông buồn bã. Nhiên bỗng nhớ ra, cái danh bạ khổng lồ lưu hơn ngàn số của mình không có ai khả dĩ để nhờ vả chạy qua coi ngó ba dùm. Bấy lâu, Nhiên dường như quên mất rằng, ba Nhiên đã lớn tuổi rồi, ba đang sống một mình vì sợ “nghỉ việc sẽ buồn lắm”, nhà hàng xóm gần nhất cũng cách đó một cái đìa và con đường đất ngoằn ngoèo. Ba, hiện diện trong tâm tưởng Nhiên là mớ tôm cá thi thoảng má gọi sang lấy về cất vô tủ đá, có khi là bịch hàu sống ba đã chẻ sẵn lấy thịt. Ba biết Nhiên thích ăn cháo hàu và tay chân Nhiên, vốn quen đi học rồi đi làm, không kham nổi việc cầm con dao mà xử lý mấy con hàu cứng còng đầy đe dọa ấy. Ba là ít bánh trái hay dầu gội, sữa tắm gì đó Nhiên mua vội trong siêu thị mỗi khi chợt nhớ, để lòng tự nhủ rằng, mình cũng biết nghĩ đến người thân đấy thôi. Cũng có khi trên đường đi làm về, sau khi đeo tai nghe và gọi cho vài người bạn giết đường dài mà ai cũng không tiện tám, Nhiên bấm máy gọi cho ba, sợ lúc khác lu bu thì mình lại quên, cứ gọi trước “để dành” vậy mà.

Giữa đêm hôm ấy, đoạn nhạc quen thuộc cài làm chuông báo điện thoại đánh thức Nhiên dậy. Quờ quạng tìm cái máy, tim Nhiên thót lại khi nhìn thấy dãy số xa lạ. Ai gọi giờ này? Ba bị làm sao? Run rẩy, Nhiên bấm nút trả lời, thấy giọng mình lạc đi trong nỗi sợ hãi tưởng mơ hồ mà rất thật.

Là người nào đó nhầm số. Nhiên hít thở nhiều hơi liên tiếp để trấn an cơn hốt hoảng. Rồi tự dằn vặt mình, biết đến bao giờ thì trời mới sáng, để Nhiên gọi điện cho ba…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.