Thế giới

Điều gì xảy ra khi Catalonia tuyên bố ly khai Tây Ban Nha?

06/10/2017, 08:25

Catalonia chính thức công bố quyết định ly khai khỏi Tây Ban Nha vào đầu tuần tới (9/10) sau cuộc trưng cầu dân ý...

23

Các lực lượng chức năng của Tây Ban Nha trấn áp người đi bỏ phiếu vì không công nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai của Catalonia

Xứ Catalonia chính thức công bố quyết định ly khai khỏi Tây Ban Nha vào đầu tuần tới (9/10) sau cuộc trưng cầu dân ý với kết quả 90,9% người bỏ phiếu ủng hộ động thái này dù Chính phủ Tây Ban Nha không thừa nhận.

Tây Ban Nha sẽ là một đất nước rất khác

Nghị sĩ xứ Catalonia đến từ đảng Ứng viên Thống nhất Đại chúng (CUP), bà Mireia Boya cho biết, khu vực này dự kiến sẽ chính thức tuyên bố độc lập với Tây Ban Nha vào đầu tuần tới, sau khi kết thúc phiên họp Quốc hội diễn ra hôm 9/10 về nội dung đánh giá kết quả cuộc trưng cầu dân ý Catalonia ly khai khỏi Tây Ban Nha hôm 1/10.

“Chúng tôi biết, sẽ có những cuộc bắt bớ, trấn áp... nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và dù có xảy ra chuyện gì cũng sẽ không dừng lại”, bà Boya nói. Trong khi đó, người đứng đầu vùng Catalonia - ông Carles Puigdemont cho rằng, ông ưu tiên hòa giải để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng cáo buộc Chính phủ Tây Ban Nha đã phớt lờ lời kêu gọi. Về phần mình, Thủ tướng Chính phủ Tây Ban Nha Mariano Rajoy cảnh báo Catalonia nên quay về “con đường luật pháp” nếu muốn đàm phán.

Đôi nét về Catalonia

Catalonia nằm ở Đông Bắc Tây Ban Nha, hợp thành từ 4 tỉnh: Barcelona, Girona, Lleida và Tarragona, sử dụng ngôn ngữ chính thức là Catalan và Tây Ban Nha. Khu vực này có 7,5 triệu dân, chiếm 15% dân số Tây Ban Nha. Năm 2016, GDP bình quân đầu người của Catalonia là 33 nghìn USD, tương đương mức trung bình của Liên minh châu Âu và cao hơn của Tây Ban Nha. Catalonia hôm 1/10 tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Kết quả cho thấy, trên 2 triệu người Catalonia, tương đương 90,9% số người đi bỏ phiếu ủng hộ khu vực tự trị này độc lập. Song, Tòa án hiến pháp Tây Ban Nha cùng chính quyền Madrid phản đối cuộc trưng cầu dân ý này vì đi ngược lại Hiến pháp năm 1978.  

Vậy, nếu kế hoạch tuyên bố ly khai diễn ra đúng dự tính, chuyện gì sẽ tiếp diễn? Chuyên gia nghiên cứu về Tây Ban Nha tại Đại học Monash, ông Carlos Uxo nhận định, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ đánh giá tính hợp pháp của tuyên bố này. Song, ngay từ khi Catalonia trưng cầu dân ý về việc ly khai, Madrid đã coi đây là hành động bất hợp pháp và triển khai cảnh sát giải tán các khu vực bỏ phiếu, trấn áp người chống cự khiến gần 900 người bị thương.

Do vậy, chắc chắn Chính phủ sẽ không công nhận tuyên bố độc lập của xứ Catalonia. Như vậy, sau cân nhắc, sự việc có thể diễn biến theo các kịch bản sau: Thủ hiến vùng tự trị Catalonia Carles Puigdemont sẽ bị bắt; Tiếp đó, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ nắm quyền kiểm soát khu vực này theo Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha.

Sở dĩ, Tây Ban Nha kiên quyết giữ Catalonia vì theo ông Uxo, nếu mất xứ sở giàu có (mang về 19% GDP của cả nước), Madrid không chỉ bị tác động xã hội mà còn đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Hiện nay, cuộc khủng hoảng chính trị tại nền kinh tế lớn thứ tư của Khu vực đồng tiền chung châu Âu làm rúng động thị trường tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu. Chi phí vay mượn của Madrid cũng vì khủng hoảng mà tăng mạnh và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3. Xa hơn, bất ổn tại Tây Ban Nha tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ tại châu Âu.

Đòi ly khai không hẳn vì tiền

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, khi ra “ở riêng”, Catalonia sẽ đau đầu với mối lo ngại lớn như: Họ sẽ gánh phần nợ quốc gia bao nhiêu; liệu có được chấp nhận gia nhập Liên minh châu Âu và sử dụng đồng tiền euro hay không; chưa kể họ sẽ phải dành tiền để thiết lập quân đội riêng.

Nhưng, theo Bloomberg, gốc rễ của quan điểm muốn ly khai tại Catalonia chính là muốn được định danh, độc lập thực sự. Không phải Catalonia không lo lắng về kinh tế. Thực tế, khu vực này vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đẩy nền kinh tế này vào lạm phát 2 con số và tỉ lệ thất nghiệp lên 24%, nay đã giảm còn 13%.

“Khủng hoảng tài chính bộc lộ thực tế là rất nhiều tiền tại khu vực Catalonia bị cắt về Chính phủ Trung ương”, ông Jordi Galí, nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu về Kinh tế Quốc tế của Barcelona cho biết. “Trong thời điểm thịnh vượng, giàu có, người ta có thể không quá quan tâm tới khoản đóng góp này. Nhưng trong thời kỳ khủng hoảng, chính quyền Catalonia không thể không quan tâm khi họ thắt lưng buộc bụng từng ngày trong các dịch vụ sức khỏe và giáo dục.

Tuy nhiên, điều thôi thúc họ ly khai đó là ở tư tưởng tự trị, tách biệt từ lâu ăn sâu vào trong phần lớn người Catalonia. Khu tự trị này vốn có ngôn ngữ, truyền thống, hệ thống thuế, văn hóa riêng. Những người vốn có tư tưởng độc lập của Catalonia càng thêm tức giận khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ra phán quyết vào năm 2010, xóa nhiều phần trong thỏa thuận luật pháp cho phép khu vực này duy trì quyền tự trị rộng lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.