Quản lý

Định mức, giá xây dựng lạc hậu, sửa thế nào?

21/05/2018, 09:31

Hệ thống định mức và giá xây dựng hiện bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...

16

Việc xây dựng lại các định mức và giá xây dựng, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị cần phải theo kịp sự phát triển, thay đổi của khoa học công nghệ

Nhiều đơn giá, định mức xây dựng cách đây 30-40 năm

Ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chia sẻ, lĩnh vực hạ tầng giao thông đang có nhiều bất cập về định mức, đơn giá, không phù hợp với thực tế. Nhiều định mức, đơn giá được xây dựng dựa trên cơ sở công nghệ, máy móc thiết bị có từ những năm 1970-1980.

“Đến nay, sau 30-40 năm, công nghệ đã rất khác, tiên tiến, hiện đại hơn nhiều, năng suất tốt hơn, giá trị đầu vào (nguyên giá) tăng cao nhiều lần so với nguyên giá cơ sở của máy móc, thiết bị những năm trước, nhưng vẫn phải áp dụng đơn giá, định mức cũ. Điều này dẫn tới bất cập trong việc xác định định mức về năng suất, khấu hao, nguyên giá thiết bị”, ông Nhận nói.

"Đối với hệ thống định mức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã rà soát theo điều kiện thiết bị và công nghệ thi công hiện nay, đối chiếu với hệ thống định mức đã công bố. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh trên 730 định mức, trong đó ưu tiên thực hiện sớm 550 định mức ảnh hưởng lớn đến giá thành công trình như: Định mức đào, đắp đất nền đường, thi công kết cấu mặt đường, hệ thống ATGT, thoát nước, thi công các kết cấu công trình cầu…”.

Bà Lã Hồng Hạnh
Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT)

Cụ thể hơn, ông Nhận dẫn chứng, trước đây, thi công nền đường chủ yếu dùng đầm chân chim, lu tĩnh, lu lốp. Còn bây giờ dùng lu rung để đầm lèn nền đường, móng đường nhưng trong đơn giá vẫn tính bằng máy cơ sở cũ, đơn giá rất rẻ, không phản ánh đúng thực tế thi công. Hay vấn đề môi trường tại các dự án giao thông bây giờ được đòi hỏi rất cao, nhưng trong đơn giá lại không cập nhật đến chi phí để xử lý môi trường ở dự án thế nào, dẫn tới nhà thầu làm đầy đủ về môi trường sẽ bị lỗ, còn không làm sẽ bị xử phạt. Cơ quan Nhà nước không đưa vào đơn giá nhưng lại đòi hỏi nhà thầu làm quá cao là rất vô lý, việc này cần phải sớm được tháo gỡ.

“Rõ ràng các cơ quan Nhà nước chưa cập nhật được tất cả những công nghệ mới, thiết bị mới với năng suất mới. Nhà thầu thi công bao giờ cũng muốn giá trị đầu vào lớn, nhưng cơ quan quản lý lại chỉ vận dụng những cái giá thấp nhất để tính định mức, dẫn tới mâu thuẫn về cách xác định định mức, đơn giá”, ông Nhận phản ánh.

Bà Lã Hồng Hạnh, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho rằng, hệ thống định mức hiện nay được sử dụng chung cho nhiều loại công trình, trong đó, một số định mức công bố cho các hạng mục công việc chưa đầy đủ và chưa quy định điều kiện áp dụng cho nên dẫn tới cách hiểu khác nhau giữa các đơn vị tham gia quản lý và kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng.

“Trong quá trình thực hiện các dự án, Bộ GTVT thường xuyên tiếp xúc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, thấy có rất nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng định mức. Đây chính là vấn đề còn tồn tại rất lớn hiện nay”, bà Hạnh nói.

Tại hội nghị triển khai thực hiện đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” do Bộ Xây dựng tổ chức cuối tuần qua, ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thừa nhận, hệ thống định mức và giá xây dựng hiện nay bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể, hệ thống định mức xây dựng được công bố hiện nay là định mức dự toán, được xác định cho một điều kiện chuẩn nên không phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời, trong định mức hiện hành chưa thể hiện rõ công nghệ, điều kiện thi công nên dẫn đến việc áp dụng còn tùy tiện và thường theo hướng làm tăng chi phí đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách.

“Hiện, có hơn 20.000 định mức, trong đó, Bộ Xây dựng công bố gần 18.000 định mức, các bộ chuyên ngành, địa phương ban hành hơn 2.000 định mức khác. Riêng về nhân công, trong hệ thống đơn giá mới chia ra 2 nhóm với định mức chênh nhau 13% trong khi thực tế có tới 50 loại công việc khác nhau trong lĩnh vực xây dựng mà mức chênh giữa loại nhân công thấp nhất với cao nhất lên tới 600%”, ông Khánh dẫn chứng.

Xây dựng hệ thống định mức theo phương pháp mới

Cũng theo ông Phạm Văn Khánh, nguyên nhân dẫn tới hạn chế của hệ thống định mức và giá xây dựng chủ yếu do công nghệ xây dựng thay đổi nhanh chóng, nhiều tiêu chuẩn ban hành chưa theo kịp. Đồng thời, quá trình hình thành sản phẩm xây dựng phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa hình, địa chất, điều kiện thi công, công nghệ thi công, thị trường xây dựng. Để khắc phục những tồn tại trên, ông Khánh cho biết, Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện đề án: “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”.

Trong đó, năm 2018, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện việc rà soát các định mức đã công bố để khắc phục ngay những bất cập. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về định mức, giá xây dựng và và dịch vụ đô thị. Đến năm 2021 sẽ xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng theo phương pháp mới đã hoàn thiện.

Ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng và chi phí dịch vụ hạ tầng kỹ thuật có vai trò quan trọng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng. Đây là nhân tố quyết định cơ bản đến hiệu quả đầu tư của dự án, nhất là những dự án sử dụng vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

“Việc xây dựng lại các định mức và giá xây dựng, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị cần phải theo kịp sự phát triển, thay đổi của khoa học công nghệ, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành xây dựng và phù hợp với cơ chế thị trường. Việc xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng phải mang tính kế thừa, tính đúng, tính đủ, đảm bảo dự báo được những yếu tố khách quan của thị trường và hội nhập quốc tế”, ông Khánh nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.