Thời sự

"Dính" tới bà Hứa Thị Phấn, nguyên phó thống đốc NHNN bị truy tố

23/03/2018, 06:10

Nguyên phó thống đốc NHNN ông Đặng Thanh Bình vừa bị truy tố liên quan gì bà Hứa Thị Phấn?

Dang thang binh

Ông Đặng Thanh Bình, nguyên phó thống đốc NHNN về hưu năm 2014

Cuối ngày 22/3, Viện KSND Tối cao đã phát hành và tống đạt cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các đồng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khi để xảy ra sai phạm tại Ngân hàng (NH) Đại Tín, dưới thời Phạm Công Danh đổi thành của VNCB.

Cùng với ông Đặng Thanh Bình còn có hàng loạt cán bộ, trong đó có các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc tổ giám sát VNCB nhưng thiếu trách nhiệm, để ông Phạm Công Danh và các đồng phạm rút tiền của VNCB bằng các hành vi phạm tội để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng này.

Theo kết quả điều tra, tại NHNN ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có NH Đại Tín. Cụ thể, tháng 8/2012, ông Đặng Thanh Bình là người ký tờ trình Chính phủ đề xuất chấp thuận phương án tái cơ cấu NH Đại Tín. Thời điểm này, ngân hàng Đại Tín được phân loại là NH yếu kém, buộc phải giám sát đặc biệt. Do đó, trên cơ sở tờ trình của cơ quan thanh tra giám sát NHNN, ông Bình cũng là người ký quyết định thành lập tổ giám sát hoạt động NH này trong giai đoạn tái cơ cấu.

Trong phương án tái cơ cấu có nội dung chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện nắm hơn 84% cổ phần từ Đại Tín cho nhóm cổ đông Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh làm đại diện.

FullSizeRender (14)

Bà trùm Hứa Thị Phấn - nhân vật quan trọng có liên quan đến nhiều đại án, hiện đang nằm viện có giá trên 700 triệu đồng/phòng/năm.

Cáo trạng cáo buộc ông Bình đã không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu được phê duyệt trong việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh. Từ đó, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và sử dụng NH này để phạm tội. Dưới điều hành của nhóm cổ đông Thiên Thanh, NH này bị âm vốn chủ sở hữu hơn 18.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ hơn 38.000 tỷ đồng. Kết quả điều tra cho thấy, Phạm Công Danh và đồng phạm đã làm VNCB thiệt hại hơn 9000 tỷ đồng.

Mới đây Viện KSND Tối cao cũng đã hoàn thiện cáo trạng truy tố bà Hứa Thị Phấn gây thất thoát cho NH Đại Tín khoảng 12.000 tỷ. Thời điểm ông Danh tiếp cận để mua lại NH từ bà Phấn, NH Đại tín lúc này đã âm vốn và mất luôn vốn chủ sở hữu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.