Dịp Tết cảnh báo dịch cúm, liên cầu lợn

02/02/2016, 19:04

Theo cảnh báo của Bộ Y tế, tình hình nhập lậu gia cầm trong dịp Tết nguyên đán khiến dịch cúm luôn chực chờ.

cum-gia_cam
Tình hình nhập lậu gia cầm trong dịp Tết nguyên đán khiến dịch cúm luôn chực chờ

 Cúm gia cầm lây truyền sang người

Thông tin từ cuộc họp chiều 2/2 về các dịch bệnh nguy hiểm trong dịp Tết Nguyên đán 2016, thời gian qua, đã xuất hiện nhiều chủng cúm gia cầm trong đó có một số chủng lây truyền sang người gây số mắc và tử vong cao, khó khống chế.

Điển hình và bệnh cúm A(H7N9), ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc đến nay vẫn chưa khống chế được. Ngày 11/01/2016, WHO thông báo 10 ca mắc cúm A(H7N9) tại Chiết Giang (6) , Giang Tô (2) , Quảng Đông (1) và Giang Tây (1) trong đó 03 trường hợp tử vong. Tích lũy đến ngày 11/01/2016, trên thế giới ghi nhận 693 trường hợp mắc, trong đó có 278 trường hợp tử vong: Trung Quốc (673), Đài Loan (4), Hồng Kông (13), Malaysia (1), Canada (2).

Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam vì nước ta có đường biên giới dài với Trung Quốc, đặc biệt dịch đã xảy ra tại tỉnh Quảng Đông, nơi có sự giao lưu thương mại rất lớn với Việt Nam, trong khi việc buôn bán gia cầm nhập lậu giữa hai quốc gia còn xảy ra.

 Dịch bệnh cúm A(H5N1) xảy ra từ năm 2003 đến nay vẫn đang lưu hành tại 16 quốc gia. Đặc biệt năm 2015 vẫn ghi nhận 143 trường hợp mắc, trong đó có 42 trường hợp tử vong: Ai Cập (136/39), Trung Quốc (05/01), Indonesia (02/02), tích lũy từ năm 2003 đến nay tổng số có 844 trường hợp mắc, 449 tử vong. Cúm A(H9N2), cúm A(H5N8) cũng đã ghi nhận trên gia cầm tại Trung Quốc.

Tại Việt Nam mặc dù năm 2015 không ghi nhận trường hợp mắc, song dịch liên tiếp xảy ra trên các đàn gia cầm tại một số tỉnh trên phạm vi cả nước. Nguy cơ lây nhiễm sang người là rất cao do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tập quán giết mổ và ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Việt Nam cũng đã ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại miền Bắc, miền Trung. Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát cúm trọng điểm cũng ghi nhận các trường hợp mắc chủ yếu là cúm A(H3N2) (80%), cúm B (11%), cúm A(H1N1) (9%).

"Trong thời điểm hiện nay do thời tiết lạnh, ẩm số bệnh nhân nhập viện do cúm có tăng lên", ông Nguyễn Văn Kinh, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết.

Cẩn trọng với nhiễm khuẩn liên cầu lợn

 Ông Kính cũng cảnh báo, năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn liên cầu lợn và phần lớn bệnh nhân đều rời vào tình trạng nguy kịch tính mạng. Nguyên nhân chính là vì thói quen ăn tiết canh, ăn thịt sống cũng như ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn không có biểu hiện triệu chứng.

Đáng chú ý là bệnh do liên cầu lợn trong năm 2015 ghi  nhận 96 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong, số mắc tăng 51 trường hợp, số tử vong tăng 05 trường hợp so với năm 2014 (45 trường hợp mắc, 08 trường hợp tử vong). Nguyên nhân do tập quán ăn tiết canh, ăn thịt sống cũng như ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn không có biểu hiện triệu chứng.

Cũng với nhiễm khuẩn liên cầu lợn, Bộ Y tế cũng cảnh báo một số bệnh rất có thể xảy đến trong dịp Tết Nguyên đán này, như: nhiễm giun sán, ngộ độc rượu...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.