Xã hội

Đoạn đường 660 m vẫn dở dang sau 22 năm phê duyệt

23/12/2018, 07:05

Hàng chục hộ dân bức xúc dự án đường Lê Thánh Tông quy hoạch từ 22 năm trước vẫn chưa hoàn thành.

P_20181112_114222_vHDR_On

Người dân bức xúc về dự án đường Lê Thánh Tông được phê duyệt từ 22 năm trước nhưng đến nay vẫn dang dở, chưa hoàn thành

Dân sống bấp bênh trên đất dự án “treo”

Thời gian qua, hàng chục hộ dân phường Đông Lễ và Phường 5 (Tp. Đông Hà) liên tục phản ánh tới cơ quan chức năng khi một dự án làm đường có quy hoạch cách đây 22 năm nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”. Sự việc khiến cho người dân lâm vào cảnh sống khổ trên chính mảnh đất của mình.

Bà Nguyễn Thị Nhung (61 tuổi, trú tại phường Đông Lễ) cho biết, do phần đất của gia đình bà nằm trong quy hoạch của dự án làm đường nên hàng chục năm qua, gia đình không được cơi nới, xây mới nhà cửa trong khi nhiều nhân khẩu đang chung sống trong căn nhà cấp 4 đang xuống cấp. Ngoài ra, mọi hoạt động xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế trên đất dự án cũng không thể thực hiện khiến thu nhập của gia đình bà Nhung bị giảm sút.

Chị Trương Thị Loan (38 tuổi, trú tại phường 5) không giấu được vẻ thất vọng cho hay, trước đây, hơn 10 hộ dân trong khu phố đi lại trên con đường đất chật hẹp bị khuất tầm nhìn, mùa mưa thì sình lầy, ngập lụt, nguy cơ mất ATGT. Đến năm 2015, chính quyền mới khắc phục bằng cách làm con đường bê tông tạm thời cho dân trong thời gian chờ dự án đường Lê Thánh Tông triển khai.

"Chúng tôi mong chính quyền sớm triển khai, hoàn thành đoạn đường để bà con đỡ khổ, mà nếu không thực hiện thì cũng có quyết định thu hồi dự án để bà con yên tâm sinh sống, làm ăn”, chị Loan bày tỏ.

P_20181112_115013_vHDR_On

Bà Nguyễn Thị Nhung xây dựng nhà ở cho con trai nhưng phải dừng vì nằm trong đất dự án, đến nay phần móng nhà đã hư hỏng. Nhiều nhân khẩu đang chung sống trong căn nhà cấp 4 đang xuống cấp

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, khu vực quy hoạch làm tuyến đường này có nhiều đoạn vẫn nguyên bãi đất trống hoang tàn, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, nhiều chỗ nước ứ đọng, đường sá đi lại eo hẹp, khó khăn. Các hộ dân cho hay, thời gian qua nhiều đoàn công tác đến đo đạc, kiểm tra, khảo sát công trình nhưng sau đó lại tiếp tục “mất tích” khiến việc mong mỏi tuyến đường hoàn thành càng rơi vào ngõ cụt .

Qua tìm hiểu được biết, dự án Đường Lê Thánh Tông được phê duyệt thiết kế vào năm 1996 và được chia thành nhiều phân đoạn. Trong đó, phân đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Hàm Nghi (lý trình Km0+300 – Km1+515) đã được UBND tỉnh Quảng Trị ký quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thi công và dự toán vào ngày 21/11/2002, giao Sở GTVT Quảng Trị làm chủ đầu tư. Tuyến đường có chiều dài 1,215km với tổng mức đầu tư là hơn 12,5 tỷ đồng.

Công trình bắt đầu thi công từ tháng 1/2003, cơ bản hoàn thành đoạn ngắn từ Hùng Vương đến Hàm Nghi, còn lại từ điểm giao Lê Lợi đến Hùng Vương dài 677m bị ngưng thi công do không GPMB theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Sau 11 năm dang dở, kế hoạch vốn bố trí thiếu, công tác giải phóng mặt bằng chậm nên tháng 1/2014, Sở GTVT Quảng Trị có tờ trình gửi UBND tỉnh xin dừng dự án và quyết toán công trình đường Lê Thánh Tông đối với các khối lượng đã thực hiện (hơn 5 tỷ đồng) và đã được tỉnh này chấp thuận.

GPMB khó khăn, dự án tiếp tục “đóng băng”

Đến năm 2013, Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) triển khai gói thầu về đường đô thị Đông Hà, trong đó, có tuyến đường Lê Thánh Tông. Tháng 6/2015, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định “tái khởi động” đoạn đường Lê Thánh Tông (điểm đầu tại Km0+300 giao với đường Lê Lợi, điểm cuối tại Km0+959,69 giao với đường Hùng Vương), tổng chiều dài gần 660m, giao cho Sở KH&ĐT Quảng Trị làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 12 tỷ đồng theo vốn vay ADB.

P_20181112_123329_vHDR_On

Khu vực quy hoạch làm tuyến đường Lê Thánh Tông (đoạn từ Lê Lợi đến Hùng Vương) trở thành bãi đất trống hoang tàn, cỏ dại mọc um tùm

Trong các cuộc họp với các ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, việc xây dựng tuyến đường Lê Thánh Tông có ý nghĩa quan trọng trong việc mở mang phát triển giao thông đô thị. UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp triển khai làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, sớm hoàn tất việc chi trả tiền đền bù cho người dân, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/9/2017. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn dở dang, không hẹn ngày hoàn thành.

Ban quản lý dự án GMS cho biết, công trình đường Lê Thánh Tông vẫn chưa hoàn thành do gặp nhiều khó khăn trong GPMB, các hộ dân kiến nghị nhiều về nguồn gốc sử dụng đất (bồi thường đất ở, đất vườn) cũng như đơn giá bồi thường về đất thấp. Quá trình đo đạc hiện trạng sử dụng đất của các hộ bị ảnh hưởng khác nhiều so với ranh giới giấy tờ, bản đồ được cấp; nhiều tranh chấp, kiến nghị về đất đai, thiết kế kỹ thuật đường. Lô đất, vị trí bố trí tái định cư và giao đất cho các hộ bị ảnh hưởng hiện nay đã hết và không đủ để bố trí.  Thống kê có 60 trường hợp bị ảnh hưởng dự án đường Lê Thánh Tông, ước tính kinh phí GPMB khoảng hơn 30 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các dự án không sử dụng vốn vay để thực hiện GPMB, trách nhiệm này thuộc về địa phương nhưng ngân sách lại hạn chế. Theo Sở KH&ĐT Quảng Trị, Sở tham mưu cho UBND tỉnh này làm văn bản báo cáo lên Bộ KH&ĐT kiến nghị, đề xuất hỗ trợ thêm kinh phí nhằm sớm tái khởi động dự án. Tuy nhiên đến nay, Bộ KH&ĐT vẫn chưa phúc đáp vấn đề này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.