Giao thông

Doanh nghiệp đóng tàu chật vật tái cơ cấu

06/07/2018, 14:00

Các doanh nghiệp đóng tàu đang thực hiện tái cơ cấu triệt để từ mô hình tổ chức đến quản trị, lao động...

3

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu rút gọn mô hình, tập trung cho sản xuất đóng mới, sửa chữa tàu để thu hút việc làm

Cho phá sản công ty thành viên không hiệu quả

Những ngày cuối tháng 6, dù nắng nóng như thiêu đốt, nhưng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng (Công ty Phà Rừng) vẫn có hàng trăm công nhân miệt mài làm việc, tất cả tập trung để bàn giao tàu đóng mới, sửa chữa cho chủ tàu đúng tiến độ. Ông Trần Hữu Chiến, Phó tổng giám đốc cho biết, hiện công ty đang nhiều việc, ngoài lô tàu dầu đang thi công cho chủ tàu Hàn Quốc, đơn vị còn sửa chữa, bàn giao hàng chục tàu khác, nên công nhân phải chia nhau làm liên tục hai ca.

Trong bối cảnh thị trường đóng tàu đang èo uột, Công ty Phà Rừng lại có nhiều đơn hàng, không những duy trì đủ việc làm mà một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh (SXKD) chính có kết quả tích cực. Năm 2017, giá trị sản xuất bằng 104% so với năm 2016; lợi nhuận từ SXKD chính tăng trưởng 29%.

Theo ông Chiến, kết quả này là hiệu quả ban đầu từ công tác tái cơ cấu toàn diện. Bên cạnh các giải pháp tìm kiếm, mở rộng thị trường, đơn vị vẫn phát huy thế mạnh sửa chữa tàu và kinh nghiệm đóng mới các series tàu dầu 65.000 tấn và series tàu 13.000 tấn. Trong đó, Công ty Phà Rừng tiến hành thu gọn đầu mối, thoái vốn, rút vốn tại các công ty con SXKD không hiệu quả, tập trung cho sản xuất chính.

"Chúng tôi thuê một đối tác Hàn Quốc xây dựng mô hình quản lý tiên tiến có học hỏi từ các nhà máy đóng tàu hiện đại và đang chạy thử nghiệm khá hiệu quả. Thông qua đó có thể kiểm soát được mọi khâu, họp hành, trao đổi thông tin, giao việc cũng thông qua mạng, đến tận tổ sản xuất trực tiếp. Nhân lực dôi ra từ khối gián tiếp được điều xuống khối trực tiếp đang cần nhân lực. Tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí."

Ông Trần Hữu Chiến
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng

“Công ty đã thực hiện xong tái cơ cấu tổ chức, đến nay đã thoái vốn, rút vốn tại các đơn vị thành viên. Hiện, chỉ còn 3 công ty con và vẫn đang có phương án để thu gọn tiếp”, ông Chiến nói và cho biết thêm, ông ty tập trung vào 3 lĩnh vực sản xuất chính gồm: Đóng mới, sửa chữa tàu và gia công kết cấu thép. Công tác tổ chức điều hành cũng tập trung vào 3 lĩnh vực này giúp công tác điều hành linh động, không bị lúng túng và đáp ứng được chủ trương đa dạng hóa sản phẩm, đem lại hiệu quả.

Không có được bức tranh tươi sáng như Công ty Phà Rừng, nhưng Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu vẫn duy trì được việc làm đều đặn, thu nhập cho người lao động, không nợ lương. Từ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu với trên 10 đơn vị thành viên thời Vinashin, đến nay sau tái cơ cấu chỉ còn mô hình công ty TNHH MTV.

Ông Phùng Văn Khôi, Phó tổng giám đốc đơn vị này cho biết, tất cả các công ty con của Nam Triệu đều đã giải thể hoặc nộp đơn xin phá sản, có một đơn vị tòa đã tuyên phá sản, 6 đơn vị còn lại đang chờ tòa thụ lý.

Chia sẻ lý do, ông Khôi cho biết, đây là các công ty cổ phần, trong quá trình hoạt động SXKD trước kia Công ty mẹ Nam Triệu bảo lãnh cho vay vốn ngân hàng. Hiện, các công ty này hoạt động thua lỗ, không được trả được nợ ngân hàng nên Nam Triệu phải trả thay, rất ảnh hưởng đến tài chính của công ty. Vì vậy, nếu hoàn thành phá sản toàn bộ các công ty này, sẽ co gọn được mô hình, tập trung vào sản xuất chính.

“Tái cơ cấu sẽ đỡ phải giải quyết những tồn tại của công ty con. Còn một ngày công ty con chưa phá sản xong, công ty mẹ vẫn phải chịu trách nhiệm”, ông Khôi nói.

Đổi mới quản trị doanh nghiệp, giảm lao động

Theo ông Nguyễn Mạnh Đức, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) -  đơn vị chuyển hướng thị trường đóng mới tàu khách nội địa thành công, tạo được uy tín trong đóng tàu vỏ nhôm, một trong những giải pháp quan trọng để có thể giảm bớt gánh nặng về tài chính là tái cơ cấu lao động. Thời Vinashin phát triển, công ty có khoảng 1.200 lao động, 7 đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc; Giờ còn khoảng 400 CBCNV và 1 chi nhánh dịch vụ hàng hải. Việc cơ cấu, sắp xếp lại lao động, xác định rõ vị trí việc làm và số định biên lao động cần có để đáp ứng yêu cầu việc làm hiện tại và tương lai sẽ giúp công ty chủ động trong xây dựng, quản lý kế hoạch SXKD.

Cũng theo ông Đức, dù khó khăn về tài chính, nhưng vẫn phải đẩy mạnh đổi mới quản trị để tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động. Hiện, công nghệ thông tin đã được ứng dụng tối đa trong hệ thống quản trị SXKD.

Vì vậy, dù tài chính còn gặp nhiều khó khăn, không tiếp cận được các nguồn vốn tại các ngân hàng do công ty có các khoản nợ cũ bị quá hạn, không có khả năng thanh toán và đang chờ được tái cơ cấu tài chính theo chủ trương của Chính phủ nhưng công ty vẫn đảm bảo được các khoản chi phí cho hoạt động SXKD từ nguồn tiền các chủ tàu trả cho thực hiện sản phẩm. Đơn vị cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, không nợ lương người lao động, không nợ bảo hiểm xã hội. Giá trị sản xuất năm 2017 tăng trưởng 22,8% so với năm 2016; doanh thu tăng trưởng hơn 52%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.