Giao thông

Hãng tàu gặp khó vì luồng Bạch Đằng liên tục bồi lắng

13/12/2018, 10:00

Luồng hàng hải Bạch Đằng tiếp tục bị sa bồi chỉ sau 3 tháng nạo vét khiến hàng loạt doanh nghiệp cảng...

7

Luồng Bạch Đằng cạn từ -7m xuống -6,7m khiến việc cập cảng của các tàu hàng gặp rất nhiều khó khăn (Ảnh chụp tại cảng Nam Hải Đình Vũ)

Thiệt hại trăm nghìn USD mỗi ngày

6 DN cảng biển, gồm: Công ty Cổ phần (CTCP) Cảng Hải Phòng, CTCP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ, CTCP cảng Nam Đình Vũ, CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ, CTCP Cảng Xanh Vip, CTCP Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ vừa đồng loạt ký vào thư kiến nghị gửi Bộ GTVT và UBND TP Hải Phòng “kêu cứu” vì luồng hàng hải tiếp tục bị sa bồi.

Theo nội dung, ngày 31/7/2018, luồng Bạch Đằng sau thời gian dài bị bồi lắng ở độ sâu -6,3m đã hoàn thành nạo vét đạt độ sâu chuẩn tắc -7m. Tuy nhiên, sau chưa đầy 3 tháng, đến tháng 11/2018, DN cảng lại nhận được thông báo hàng hải của Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc cho biết, luồng Hải Phòng bị giảm 30cm, chỉ còn -6,7m.

“Việc luồng hàng hải Hải Phòng liên tục bị sa bồi và không có phương án nạo vét, duy tu đảm bảo cốt luồng thiết kế ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng tàu, DN cảng, chủ hàng, công ty xuất nhập khẩu. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, lượng hàng hóa đang vào mùa cao điểm”, văn bản nêu rõ.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc CTCP cảng Nam Hải Đình Vũ cho biết, ước tính, mỗi 10cm giảm mớn nước, tàu sẽ phải giảm 400 - 500 tấn hàng/chuyến. Đồng nghĩa, 30cm bồi lắng hiện tại khiến các tàu phải cắt giảm từ 1.200 - 1.500 tấn hàng/lượt, cả hai lượt ra vào cảng là khoảng 3.000 tấn hàng (200 TEUs).

“Với giá bốc xếp hiện tại ở cảng là 30 USD/TEUs, với khối lượng hàng hóa tàu phải giảm bớt ở trên, DN cảng đã mất đi khoảng 6.000 USD/chuyến tàu, giá dịch vụ bên trong (đóng, rút container, nâng hạ hàng hóa,..) cũng “bốc hơi” khoảng 3.000 USD/chuyến tàu. Trung bình, hệ thống cảng ở Hải Phòng có khoảng 27 chuyến tàu ra-vào/ngày. Mức thiệt hại mỗi ngày tính ra là hàng trăm nghìn USD”, ông Tuấn nói.

Về phía hãng tàu, ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng hãng tàu T.S Lines cho hay, từ khi luồng hàng hải Bạch Đằng được công bố độ sâu chỉ còn -6,7m, các tàu có kích cỡ từ 10.000 - 15.000 tấn của đơn vị chỉ chạy được khoảng 70% công suất hàng hóa. Thậm chí, những ngày nhật triều thấp, lượng hàng hóa phải cắt giảm còn nhiều hơn. Theo tính toán, luồng cạn 30cm, các tàu sẽ phải cắt đi khoảng 200 TEUs/chuyến, bình quân mỗi TEU thiệt hại 50 - 60 USD, tương đương mỗi chuyến tàu, hãng tàu sẽ chịu tổn thất hơn 1.000 USD.

Quý II/2019 mới có thể nạo vét

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc cho biết, cuối tháng 7/2018 luồng Bạch Đằng đã được nạo vét đạt đến độ sâu -7m. “Mặc dù vậy, độ sâu đó chỉ được một thời gian sau đó tiếp tục bị sa bồi. Luồng Bạch Đằng hiện không phải cạn toàn bộ đáy mà cạn hai bên luồng rồi lấn dần vào trong”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì năm 2019. Tuyến luồng Hải Phòng dự kiến được nạo vét năm 2019. Tuy nhiên, tiến độ làm hồ sơ trình cơ quan ban ngành phê duyệt kế hoạch nạo vét mới chỉ dừng lại ở bước Bộ GTVT giao kế hoạch bảo trì. Tổng công ty sẽ phải triển khai lập dự toán, đánh giá tác động môi trường, tiến hành thủ tục đấu thầu. Việc nạo vét sớm nhất cũng phải đến tháng 5 hoặc tháng 6/2019 mới có thể bắt đầu thi công. Thời gian thi công dự kiến kéo dài khoảng 2-3 tháng nếu thi công nhận chìm chất nạo vét ngoài biển.Nếu bùn thải phải đổ bờ thì thời gian phải kéo dài thêm 1 tháng để hoàn thành các hạng mục đê bao, bãi đổ thải trên cạn.

“Mùa sa bồi lớn nhất đã qua. Luồng Hải Phòng thường bị sa bồi lớn nhất trong khoảng từ tháng 5-9. Vì vậy, từ giờ đến lúc luồng lạch được cải tạo, các cảng và hãng tàu bắt buộc phải chấp nhận hoàn cảnh, có sự hiệu chỉnh phương án kinh doanh cho phù hợp với hiện trạng của luồng lạch”, ông Đức nói.

Ông Đức cho biết, thủ tục xin cấp phép nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thời gian qua rất khó khăn. Nhằm tạo thuận lợi cho việc nạo vét luồng Hải Phòng sắp tới, Cục Hàng hải VN đã làm việc trực tiếp và có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng về vị trí đổ thải chất nạo vét cho năm 2019. “TP Hải Phòng đã giao Sở TN&MT Hải Phòng giới thiệu cho Tổng công ty một số vị trí khả thi trên bờ như: Khu vực đồi Dồng (Đồ Sơn); khu vực Nam Đình Vũ”, ông Đức thông tin.

Cũng theo đại diện TCT Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc, năm 2019, công tác nạo vét luồng Hải Phòng sẽ bao gồm nạo vét cả luồng Lạch Huyện phục vụ cho cảng quốc tế Lạch Huyện, khối lượng nạo vét sẽ tăng lên, dự kiến khoảng 2,3 triệu m3 nên việc tìm kiếm vị trí đổ vật liệu nạo vét kể cả trên bờ hay dưới nước đều khó.

Nghiên cứu cơ chế khoán nạo vét

Theo ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 73 về thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, trong đó, tuyến luồng Hải Phòng là một trong hai tuyến đưa vào nhóm thí điểm việc “khoán gọn” trong hai năm 2015 - 2016. Việc nạo vét luồng lạch khi đó được TCT Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc khoán cho một nhà thầu luôn bảo đảm độ sâu -7m trong suốt thời gian 2 năm. Đến năm 2017, việc nạo vét lại quay trở lại theo hướng duy tu 1 lần/năm.

Vừa qua, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 159 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển hàng hải và vùng nước ĐTNĐ để thể chế hóa lại những quy định đã có ở Quyết định 73. Nghị định này sẽ là hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động nạo vét, duy tu. Cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ thực hiện lại cơ chế “khoán gọn” như năm 2015 - 2016.

Nhỡ con nước, tàu phải chờ từ 18-24 tiếng

Ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng hãng tàu T.S Lines cho biết, đối với những cỡ tàu lớn hơn (mớn nước từ 8m trở lên) thay vì chỉ cần chờ nhật triều lên 1-2m như khi luồng đạt chuẩn độ sâu, hiện các tàu phải chờ thủy triều lên ở mức cao nhất (2,5 - 3m) mới có thể hành hải vào cập cảng. Tại luồng Hải Phòng, mỗi ngày chỉ có một lần thủy triều cao nhất, nếu nhỡ con nước, tàu bắt buộc phải chờ từ 18 - 24 tiếng.

“Tình thế không thể vào, các tàu buộc phải cập cảng Lạch Huyện, rút bớt 100 - 200 container để giảm tải rồi tiến thẳng vào các cảng phía trong”, ông Mạnh nói và cho biết, tàu phải cập cảng 2 lần, chi phí tăng gấp đôi, từ phí hoa tiêu, thời gian nằm cầu,... Thiệt hại cho mỗi chuyến cập cảng có thể lên đến vài chục nghìn USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.