Điều tra

Đổi GPLX vẫn quá tải

20/03/2014, 06:37

Nhu cầu đổi giấy phép lái xe (GPLX) sử dụng vật liệu mới tăng mạnh làm quá tải ở nhiều nơi. Giảm thủ tục và mở thêm điểm đổi GPLX là cách giải quyết tình trạng này.

Nhu cầu đổi giấy phép lái xe (GPLX) sử dụng vật liệu mới tăng mạnh làm quá tải ở nhiều nơi. Giảm thủ tục và mở thêm điểm đổi GPLX là cách giải quyết tình trạng này.
 

img


Hà Nội: 2 điểm đổi GPLX là chưa đủ

Tại điểm đổi GPLX số 2 Phùng Hưng, Q. Hà Đông (Hà Nội) ngày 19/3, lái xe Trần Ngọc Hùng (33 tuổi, trú tại thị xã Sơn Tây) cho biết: “Quãng đường từ nhà đến điểm đổi bằng lái chỉ khoảng 30km nhưng do chưa nắm được hướng dẫn, tôi phải chạy ô tô hai lượt, tốn vài trăm ngàn đồng tiền xăng mới hoàn thiện thủ tục đổi GPLX loại mới. Nếu TP có điểm đổi bằng ở thị xã sẽ thuận tiện cho người dân ở các huyện ngoại thành như: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất,… ”.
 

Người có GPLX mang theo giấy khám sức khỏe, viết đơn theo mẫu, không cần phải xác nhận chính quyền địa phương. Sở GTVT Hà Nội sẽ tra cứu qua mạng nội bộ, sau 5 ngày sẽ cấp GPLX mới, lệ phí là 135.000 đồng” - ông Nguyễn Đình Nghĩa cho biết.

Khó khăn của anh Hùng không phải cá biệt. Vì lái xe từ nhiều huyện xa trung tâm như: Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Phú Xuyên… đều phải di chuyển vài chục km, trong khi đến nay Hà Nội mới có 2 điểm đổi GPLX (số 2 Phùng Hưng và số 16 Cao Bá Quát, Q. Ba Đình). Chưa đến mức quá tải gay gắt, nhưng với 2 điểm cấp, đổi GPLX do Sở GTVT Hà Nội quản lý phải làm thêm giờ vào sáng thứ Bảy để giải quyết khoảng 5.000 - 7.000 hồ sơ/tháng.

Ngày 19/3, ông Nguyễn Đình Nghĩa - Trưởng phòng quản lý phương tiện giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, TP đã có kế hoạch mở 2 điểm nhận hồ sơ tại quận Long Biên (thuận tiện cho các huyện phía Bắc sông Hồng) và thị xã Sơn Tây (thuận lợi cho người dân khu vực phía Tây TP). Dự kiến, trung tuần tháng 4/2014, điểm đổi GPLX tại quận Long Biên sẽ đi vào phục vụ, tiếp đó là điểm đổi bằng tại thị xã Sơn Tây.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa cho biết thêm, trong quý II năm nay, Sở GTVT TP có thêm dịch vụ làm thủ tục cấp, đổi GPLX tại chỗ đối với doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn (nếu có nhu cầu). Hà Nội cũng dự kiến liên kết doanh nghiệp bưu chính thực hiện dịch vụ chuyển phát GPLX về tận nhà.
 

Người dân đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX mới tại số 256 Dương Đình Hội, P. Tăng Nhơn Phú B, Q. 9
Người dân đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX mới tại số 256 Dương Đình Hội, P. Tăng Nhơn Phú B, Q. 9


TPHCM: Lập thêm nhiều điểm đổi GPLX

Dự báo nhu cầu đổi GPLX loại mới tăng cao gây quá tải, Sở GTVT TP HCM lập thêm 4 điểm cấp đổi bằng lái loại mới. Ngoài địa chỉ 252 Lý Chính Thắng (phường 9, Q 3), người dân có thể làm thủ tục cấp đổi GPLX sang thẻ mới tại số 4-6 Nguyễn Tri Phương, P Linh Xuân, Q Thủ Đức; số 111 Tân Sơn Nhì, P Tân Sơn Nhì, Q Tân Phú; số 8 Nguyễn Ảnh Thủ, P Trung Mỹ Tây, Q 12 và số 256, Dương Đình Hội, P Tăng Nhơn Phú B, Q 9 (tại trường Cao đẳng GTVT TP HCM).

Ngày 18/3, có mặt tại địa điểm đổi GPLX số 256 Dương Đình Hội, PV Báo Giao thông nhận thấy dù địa điểm tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX mới đi vào hoạt động hơn 10 ngày, nhưng nhân viên làm việc tại địa điểm này luôn phải hoạt động hết công suất. Một cán bộ tại văn phòng này cho biết, từ ngày 10/3, lượng người đến làm thủ tục ngày càng tăng, Sở GTVT yêu cầu làm thêm sáng thứ Bảy. Tuy nhiên để xong việc, hầu như ngày nào nhân viên làm việc ở đây cũng phải về muộn.

Tương tự, tại điểm cấp đổi GPLX số 252 Lý Chính Thắng, (Q3, TP HCM) hàng trăm người dân đứng, ngồi chờ làm thủ tục hồ sơ cấp đổi GPLX mới gây quá tải. Do các ghế ngồi chờ tại Trung tâm có hạn, các lối lên xuống cầu thang cũng được tận dụng làm chỗ ngồi chờ đến lượt mình đổi GPLX. Ngoài số ít đổi GPLX hết hạn, phần lớn đều đổi sang loại thẻ nhựa.

Nghệ An: “Cò” giấy khám sức khỏe giả lộng hành (!?)

Theo Sở GTVT tỉnh Nghệ An, số người đổi bằng lái loại mới (bằng vật liệu PET) tăng khoảng 40% trong những tháng đầu năm 2014.

Ngày 17/3, PV Báo Giao thông trực tiếp đến Sở GTVT Nghệ An làm thủ tục đổi GPLX. Ngay tại cổng, có khoảng 10 “cò” chuyên môi giới thủ tục đổi bằng lái. Mỗi khi có người đến, các “cò” đều lao vào lôi kéo, gạ gẫm người dân để làm hộ thủ tục xin cấp đổi bằng lái xe. Thực tế, “cò” chỉ giúp điền các nội dung tờ khai và nhận thù lao 30.000 đồng/hồ sơ, các thủ tục khác người dân tự làm. Riêng với người đổi bằng lái xe ô tô, “cò” vẫn nhận làm nhanh giấy khám sức khỏe với giá 170.000 đồng/người mà không cần người đổi GPLX đến cơ sở y tế khám sức khỏe.

Trao đổi với PV về tình trạng trên, ông Đinh Văn Nam - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Nghệ An) khẳng định: Hầu hết giấy khám sức khỏe do “cò” bán cho người dân là giả. Sử dụng giấy này để làm hồ sơ sẽ không được chấp nhận. Tuy nhiên, ông Nam cũng không loại trừ trường hợp một số cò móc ngoặc được với nhân viên y tế của bệnh viện để làm giấy khám sức khỏe. “Việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan khác. Người dân có đủ giấy tờ theo quy định, chúng tôi vẫn chấp nhận hồ sơ và làm thủ tục đổi GPLX”, ông Nam nói.

Văn Huế - Vĩnh Phú - Tuấn Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.