Y tế

Dồn dập bệnh nhi sởi, cúm nhập viện, nhiều ca biến chứng nguy hiểm

06/04/2019, 07:05

Thời tiết nắng mưa thất thường kèm nồm ẩm đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển virus cúm, sởi...

img
Trẻ điều trị cúm biến chứng tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Đáng nói do virus biến đổi, nhiều ca bệnh hiện có dấu hiệu nặng, phải kéo dài đợt điều trị.

Nhầm cúm với viêm họng, nhiều trẻ biến chứng nặng

Có con 8 tháng tuổi đang nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, chị Nguyễn Thị K. (Bắc Ninh) cho biết: “Ban đầu cháu chỉ ho, nhiều đờm. Sang đến ngày thứ 2 thì sốt và nhiệt độ cơ thể tăng dần. Đến ngày thứ 3 xuất hiện co giật khi sốt cao khiến gia đình vội vàng đưa con đến viện. Bác sĩ chẩn đoán cháu viêm phổi do biến chứng từ cúm, kèm dấu hiệu khó thở nên phải nhập viện điều trị”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ cho biết: “Thời điểm hiện nay, số bệnh nhi đến khám và điều trị về cúm và sởi tăng. Hiện tại khoa đang điều trị cho khoảng 30 trẻ mắc cúm và 30 trẻ mắc sởi, hầu hết các bệnh nhi đều có biến chứng viêm phổi”.

BS. Trần Tuấn Anh, Khoa Nhi, BV Medlatec cho hay: “Số bệnh nhân đến khám cúm cũng tăng nhiều so với thời điểm trước. Mỗi ngày có khoảng 30 - 35 bệnh nhi đến khám, lấy xét nghiệm tại nhà và phát hiện nhiễm cúm. Trong đó có một số ca xuất hiện biến chứng viêm phổi. Điều đáng lưu ý, nhiều trẻ nhiễm cúm nhưng không được phát hiện kịp thời, thậm chí được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị do nhầm lẫn với viêm họng cấp. Vì vậy, trẻ nhập viện khi bệnh nặng hơn, đã xuất hiện biến chứng”.

BS.Thiện Hải nhận định, thời điểm này, các bệnh nhi cúm có điểm bất thường hơn là thời gian sốt của trẻ kéo dài đến 7-8 ngày, trong khi trước đó, trẻ thường chỉ sốt 3-4 ngày.

Riêng với bệnh sởi theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, nếu trong năm 2018, toàn thành phố ghi nhận 571 ca mắc sởi. Từ đầu năm 2019 đến hết tháng 3, cũng đã ghi nhận số lượng ca tương ứng, và phủ đều 29/30 quận, huyện, thị xã. Điều đáng nói, có hơn 90% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ mũi.

Còn nồm ẩm còn gia tăng sởi, cúm

Theo nhận định của BS. Đỗ Thiện Hải, chính thời tiết như hiện nay, nóng lạnh bất thường cùng độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, đặc biệt là virus cúm, sởi… Chính vì vậy, cách phòng tránh tốt nhất cho trẻ chính là tiêm phòng vaccine sởi và cúm, đồng thời, giữ môi trường sống sạch sẽ, khô thoáng và tránh xa nơi đông người, vốn có nguồn lây lớn.

Không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, kháng virus tamiflu hay vaccine phòng cúm “khô”, đặc biệt là hàng xách tay từ nước ngoài về. Với thuốc hay vaccine xách tay, không thể biết hàm lượng có phù hợp với thể trạng người Việt Nam hay không. Do đó, việc tự ý dùng có thể gặp tác dụng phụ hoặc ngộ độc, do vậy đừng để “tiền mất, tật mang”.
BS. Trần Tuấn Anh, Khoa Nhi, Bệnh viện Medlatec

Ông Hải cho biết cúm là bệnh viêm đường hô hấp do virus gây ra. Triệu chứng của bệnh là các bé thường sốt rất cao (39 - 40 độ), nếu xử lý thuốc hạ sốt không tốt sẽ gây tình trạng co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Ngoài sốt, trẻ có thể ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản. Biến chứng hay gặp nhất của cúm là sốt quá cao gây co giật, viêm phổi có thể do virus cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn khác có trong hầu họng của bệnh nhân.

Bên cạnh cúm, bệnh sởi cũng gia tăng với biến chứng hàng đầu là viêm phổi, viêm thanh quản gây phù nề khiến trẻ khó thở, thậm chí có thể gây tắc thở nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên biến chứng đáng ngại nhất là viêm não, khiến bệnh nhân lơ mơ, hôn mê, co giật và có thể tử vong.

Theo khuyến cáo của BS. Hải, việc dùng thuốc tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong vòng 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt và theo chỉ định của bác sĩ. Còn sau 48 giờ chủ yếu chỉ điều trị hạ sốt và chăm sóc cho trẻ để phòng biến chứng. Phụ huynh lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm cúm bằng thuốc hạ sốt paracetamol 6 giờ/lần để giảm nguy cơ co giật. Cho trẻ sử dụng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi, trẻ lớn dùng nước muối loãng để rửa mũi, súc họng. Cha mẹ cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để giúp nhanh phục hồi cơ thể. Điều này rất quan trọng đối với trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Ông Hải cũng lưu ý: “Hiện nhiều cha mẹ khi khám cho con thấy nhiễm cúm và có dấu hiệu chớm viêm phổi cứ nằng nặc đòi nhập viện điều trị. Điều này là không cần thiết, bởi tùy thể trạng, bệnh tình của mỗi trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cụ thể, có cần nằm viện hay không, bởi ở viện nguy cơ cao nhiễm chéo hoặc nhiễm vi khuẩn kháng thuốc”.

“Cha mẹ không nên quá lo lắng khi con mắc cúm hoặc sởi, thông thường những biến chứng thường xuất hiện trên trẻ vốn có thể trạng yếu và có sẵn bệnh nền khác. Khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt không giảm, quấy khóc, mệt mỏi, cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để được hướng dẫn và điều trị kịp thời”, BS. Tuấn Anh cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.