Xã hội

Đốn hạ 6.700 cây xanh: Hà Nội chặt vội, trồng nhầm?

22/03/2015, 08:30

Sở Xây dựng phải có văn bản trả lời các câu hỏi của báo chí quanh vấn đề thay thế cây xanh trước 25/3.

cay_vang_tam.JPG
Những gốc cây mới được cho là cây Mỡ chứ không phải Vàng tâm trên phố Nguyễn Chí Thanh (Ảnh: Thanh niên)

Mỡ hay Vàng tâm ?

Liên quan đến đề án chặt 6.700 cây xanh tại nhiều tuyến phố Hà Nội, như tin tức đã đưa, cây vàng tâm là loại cây được lựa chọn để trồng mới trên nhiều tuyến phố, hiện đã được triển khai trên phố Nguyễn Chí Thanh.

Tuy nhiên, sau khi loạt cây mới được trồng lên, nhiều chuyên gia lâm nghiệp lại khẳng định Hà Nội vừa trồng cây gỗ mỡ chứ không phải cây Vàng tâm như đã thông báo trước đó, có lẽ đã có sự nhầm lẫn ở đây vì hai loại cây này cùng họ nhưng khác chi và có những đặc điểm khá giống nhau.

Trả lời báo Dân Trí, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và bảo tồn cổ thụ và cây quý sau khi trực tiếp khảo sát tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh khẳng định, loại cây được trồng trên con đường này không phải là cây vàng tâm mà thực chất là cây mỡ, thông thường gọi là Mỡ vàng tâm, được trồng nhiều tại Yên Bái, cùng họ với Dổi, Vàng tâm.

Ông Cường cho biết, bản thân ông cũng hết sức bất ngờ vì cây mỡ là loại cây trồng rừng, có nhiều ở khu vực Yên Bái, gỗ chủ yếu để làm giấy, bút chì và gỗ dán. Đây là loại cây chưa bao giờ có tên trong những nghiên cứu về cây bóng mát. Mặc dù là cây bản địa nhưng từ thời Pháp thuộc cũng như trong quy hoạch cây xanh hiện đại, cây mỡ chưa bao giờ được nhắc đến trong bản đồ cây bóng mát từ trước cho đến nay.

Chuyên gia Lê Huy Cường cũng cho rằng ông cũng như các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lâm nghiệp cảm thấy rất buồn khi Hà Nội quá vội vàng để triển khai một dự án lớn mà không hề tham khảo ý kiến của các chuyên gia.

Về việc cây mỡ liệu có sống lâu dài hay không, ông Cường cho biết không thể khẳng định được. “Cây này tán hẹp, không tạo được bóng mát rộng. Trên rừng thì nó sống tốt bởi hợp với đất chua ở đồi. Đất ở Hà Nội là đất kiềm mà tầng nước ngầm rất là cao, vậy thì làm sao nó sống được” - ông Cường phân tích.

Cũng liên quan đến loại cây này, GS Nguyễn Lân Dũng Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, cho biết, vàng tâm là cây gỗ rất quý, có giá trị tương đương với cây sưa, giá trị cao, thường mọc ở rừng sâu trong độ cao khoảng 100 – 700m. Cây gỗ này ưa đất chua và lớn rất chậm, đòi hỏi độ cao và không khí lạnh mới có thể phát triển.

Trong chương trình Cuộc sống thường ngày phát sóng trên kênh VTV1, GS Nguyễn Lân Dũng cũng đã chỉ ra điểm không phù hợp khi trồng Vàng tâm là vì loại cây này là cây gỗ quý và phát triển rất chậm trong khi nếu trồng mới cây bóng mát thì cần cây phát triển nhanh và nếu trồng gỗ quý rất có thể nảy sinh thêm vấn đề bị cưa trộm.

chat_cay
Cây xanh bị đốn hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh (Ảnh: Zing news)

Sở Xây dựng Hà Nội phải trả lời

Trong một diễn biến khác có liên quan, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản giao Giám đốc Sở Xây dựng phải có văn bản trả lời các câu hỏi của báo chí quanh vấn đề cải tạo, thay thế cây xanh trước ngày 25/3.

Theo UBND TP Hà Nội, trong cuộc họp báo chiều 20/3 giải đáp một số vấn đề về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn TP, có 21 nhà báo nêu câu hỏi chi tiết về việc tổ chức thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh thời gian qua.

Gần như những câu hỏi của các nhà báo nêu ra đều không được lãnh đạo TP Hà Nội và lãnh đạo các Sở, ngành liên quan trả lời trực tiếp tại cuộc họp báo theo đúng tinh thần hỏi - đáp.

Theo văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội thì Sở Xây dựng phải trả lời bằng văn bản toàn bộ nội dung các nhà báo đặt câu hỏi, chất vấn về việc chặt hạ cây xanh và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.