Giao thông

Đồng Nai "ế" nhiều dự án BOT giao thông

23/04/2017, 14:58

Trong khi tỉnh Đồng Nai kêu gọi đầu tư nhiều tuyến đường bằng BOT, nhà đầu tư "lắc đầu" vì nhiều áp lực...

IMG_0306

Cầu An Hảo thuộc dự án bắc qua sông Đồng Nai thuộc dự án BOT cầu Đồng Nai mới và tuyến 2 đầu cầu sẽ thông xe vào ngày 30/4.

Các dự án BOT đã góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực thiếu hụt vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư bằng hình thức này đang dần kém hấp dẫn...

Áp lực vốn vay ngân hàng

Ông Đỗ Quốc Bảo, Giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư dự án BOT đường ĐT 768 (kết nối TP Biên Hòa với huyện Vĩnh Cửu) cho rằng đầu tư BOT ở các tuyến đường tỉnh không dễ dàng gì vì lượng xe ít, các ngân hàng lại siết thời gian cho vay...

Ông Bảo dẫn chứng dự án đường ĐT 768 có tổng chiều dài 48km, tổng số vốn tạm tính 534 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ngân hàng chiếm gần 80%, thời gian thu phí của dự án là 30 năm, nhưng ngân hàng chỉ cho vay thời hạn trung hạn 10 năm, sau 10 năm, doanh nghiệp phải tự cân đối vốn. Nguồn vốn đã khó khăn, quá trình triển khai thi công cũng rất chậm vì vướng mặt bằng.

Cụ thể, dự án được phê duyệt năm 2009, năm 2010 triển khai thi công nhưng đến 2015 mới hoàn thành. Việc bàn giao mặt bằng chậm làm đội vốn thi công. “Hiện nay lưu lượng xe ít, mỗi tháng chỉ thu phí được 4-5 tỷ nhưng mỗi năm phải trả hàng chục tỷ tiền và lãi vay ngân hàng cộng thêm chi phí vận hành, duy tu đường nên thời gian hoàn vốn còn khá xa vời”, ông Bảo phân tích.

IMG_9558

Dự án BOT đường chuyên dùng cho xe ben thi công gặp nhiều khó khăn do bàn giao mặt bằng chậm ảnh hưởng tiến độ dự án.

Đồng quan điểm, một chủ đầu tư BOT có trạm thu phí trên QL1 cho hay, hiện các dự án BOT không còn hấp dẫn như trước, đặc biệt với các tỉnh lộ càng khó kêu gọi đầu tư. Vị này phân tích, mỗi dự án phải đầu tư vài trăm tỷ đồng, hầu hết các doanh nghiệp chỉ đáp ứng 20-30% vốn, còn lại đi vay ngân hàng. Thời gian vay thông thường chỉ được một nửa của thời gian thu phí hoàn vốn nên rất khó trông thấy lợi nhuận, thời gian được vay từ 10-15 năm là quá ngắn.

Một nguyên nhân khác là lưu lượng xe ở tỉnh lộ tương đối thấp nên khó thu hồi vốn trong khi tiền lãi vay ngân hàng, các hoạt động trạm thu phí vẫn phải trả đều đều. “Ngoài khó khăn về vốn thì tình trạng kéo dài tiến độ cũng thường xảy ra do GPMB chậm, đội vốn công trình. Nhiều nhà đầu tư lo ngại Nhà nước đang siết các dự án BOT, hoặc bị xã hội xem như “móc túi người dân” và các vụ lùm xùm giữa người dân với nhà đầu tư cũng khiến các dự án BOT không còn hấp dẫn”, vị lãnh đạo này cho hay.

Nhà đầu tư “bỏ chạy”

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, các dự án BOT đã góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực cho nguồn vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông. Nhờ đầu tư theo hình thức BOT, trên địa bàn tỉnh, hàng loạt công trình giao thông đã được đầu tư nâng cấp mở rộng như: QL1, QL1 đoạn tránh TP Biên Hòa (nay là đường Võ Nguyên Giáp), QL1K, QL51, xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến 2 đầu cầu, cầu vượt Amata, nút giao ngã tư Vũng Tàu, xây dựng cầu An Hảo (sắp thông xe dịp 30/4).

Ngoài ra, Đồng Nai có 4 Tỉnh lộ được đầu tư theo hình thức BOT như: mở rộng đường 768, đường 760, 319, đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng (xã Phước tân, TP Biên Hòa). Các dự án trên góp phần rất lớn phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Từ Nam Thành, PGĐ Sở GTVT Đồng Nai cho rằng không thể phủ nhận thời gian qua các dự án BOT đã góp phần làm giảm áp lực về vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách. Trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn eo hẹp thì BOT vẫn là một kênh cần thiết để xây dựng các công trình giao thông.

Tuy nhiên, do đặc thù của dự án BOT, việc hoàn vốn phụ thuộc vào lưu lượng xe và mức giá thu phí cho từng loại phương tiện. Do vậy các dự án phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn mới có thể hấp dẫn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. “Thời gian qua tỉnh mời gọi 6 dự án BOT, nhưng đến nay chỉ có 1 dự án có nhà đầu tư đăng ký nhưng vẫn đang lưỡng lự, còn lại các dự án khác ở trong tình trạng nhà đầu tư đến rồi lại đi”, ông Từ Nam Thành cho hay.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết: "Thời gian tới, các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh phải chuyển hướng kêu gọi đầu tư, vì hình thức BOT không còn hấp dẫn như trước. Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư bằng hình thức BT”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.