Thế giới giao thông

Đóng tàu thế giới chuyển nghề để sống sót

02/05/2016, 18:04

Nhiều tập đoàn đóng tàu thế giới chịu cảnh thua lỗ nặng nề buộc phải đa dạng hóa hoặc chuyển nghề để tồn tại.

tap doan

Tập đoàn Công nghiệp Đại Dương Trung Quốc đang chuyển xưởng đóng tàu thành bãi đỗ ô tô

3 “ông lớn” thế giới lỗ nặng

Năm 2015, Tập đoàn Công nghiệp Đại Dương Trung Quốc lỗ ròng 65 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2014. Tình hình của Tập đoàn Công nghiệp Đại Dương là điển hình của hàng loạt công ty đóng tàu khác của Trung Quốc thua lỗ vì giá cả hàng hóa sụt giảm và dư thừa tàu thuyền. Tổ chức JPMorgan Chase & Co. ước tính, từ năm 2010 đến nay, riêng Trung Quốc có khoảng 140 tàu thuyền để không và con số này chưa dừng ở đây.

Tại Hàn Quốc, mới đây, Tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai - một trong ba tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới ngậm ngùi thông báo thua lỗ 1,36 nghìn tỉ won. Trong đó, Hyundai mất 608 tỉ won (tương đương 532 triệu USD) vì chi phí không hoàn thành đúng hạn hợp đồng, chi phí trả cho nhân công lúc chưa có việc và các vấn đề khác. Tập đoàn đóng tàu khổng lồ từng tự tin đứng vững trước “bão táp” ngành đóng tàu thế giới, nay đã hai năm liên tiếp thua lỗ nặng.

Không riêng Hyundai, trước đó, hai tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới khác như Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co và Samsung Heavy Industries Co. cũng thông báo thua lỗ. Tổng cộng cả ba tập đoàn này đã thua lỗ 7,7 nghìn tỉ won vì chi phí sản xuất đội lên sau thời gian dài trì hoãn xây dựng các cơ sở vật chất ngoài khơi và tàu bè. Đây là lần đầu tiên, các “ông lớn” trong ngành Đóng tàu Hàn Quốc cùng thua lỗ.

Chuyển xưởng đóng tàu thành bãi đỗ xe

Trong bối cảnh này, để tồn tại, các hãng đóng tàu buộc phải tìm cách xoay xở. Tại Trung Quốc, nhiều công ty đóng tàu lớn tận dụng kho vận, xưởng đóng tàu lớn đang bỏ không để chuyển sang kinh doanh bãi đỗ ô tô. Hiện nay, Trung Quốc đang “khát” bãi đỗ xe, thiếu hụt 50 triệu chỗ đỗ ô tô trên cả nước. Nắm bắt cơ hội này, từ năm ngoái, Tập đoàn Công nghiệp Đại Dương Trung Quốc gạch bỏ cụm “đóng tàu” ra khỏi tên, chuyển mình thành hãng điều hành bãi đỗ ô tô. Công ty này có kế hoạch xây dựng và điều hành 100.000 điểm đỗ tại Trung Quốc trong 3 năm.

Giám đốc điều hành Zhang Shi Hon cho biết, từ tháng 2 năm ngoái, tập đoàn đã bắt đầu xây dựng hệ thống đỗ xe tự động trong xưởng đóng tàu tại tỉnh Quảng Tây, đào tạo lại công nhân để chuyển sang ngành nghề mới.

Tập đoàn Công nghiệp Đại Dương Trung Quốc cũng mua Công ty Dịch vụ Quản lý đỗ xe Shangdong Ruitong để tư vấn về gara đỗ xe nhiều tầng tự động đang được sử dụng hiệu quả tại các thành phố đông đúc ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ngoài ra, Tập đoàn này đang làm việc với các công ty Nhà nước và Chính phủ để nâng cấp cơ sở hạ tầng đỗ xe tại trụ sở của họ. Đồng thời, tập đoàn cũng chuẩn bị thành lập một công ty quản lý đỗ xe, sớm đưa công ty con này gia nhập vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Sau chuyển ngành, lợi nhuận từ bãi đỗ của Tập đoàn Công nghiệp Đại Dương Trung Quốc chiếm 70% tổng lợi nhuận hiện nay của hãng, ông Zhang nói và cho biết thêm: “Đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh là xu hướng chung trong ngành Đóng tàu. Trong khi thị trường ô tô lớn nhất thế giới đang thèm khát bãi đỗ xe. Dự kiến nhu cầu mua xe tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay”. Ông Zhang hy vọng, lợi nhuận từ kinh doanh đỗ xe có thể đạt tới 500 triệu nhân dân tệ (76 triệu USD/năm) trên tổng 2 tỉ nhân dân tệ doanh thu/năm.

Triển vọng là vậy, song theo nhà phân tích Ka Leong Lo, đến từ Công ty Chứng khoán Kim Eng có trụ sở tại Hồng Kông, tuy xây dựng và quản lý bãi đỗ xe đang là thị trường mới nổi, mang đến nhiều cơ hội nhưng con đường đến thành công trong ngành này không hề đơn giản. Rất nhiều thách thức đặt ra như nguồn dự án, bảo đảm nguồn vốn và quỹ đất để xây dựng bãi đỗ, ông Ka nói. Cũng theo ông Ka: “Đây là một ngành cần rất nhiều vốn để đầu tư ở giai đoạn ban đầu và phải nhiều năm mới có thể hoàn vốn”.

Tại Hàn Quốc, từ cách đây mấy năm, nhiều tập đoàn đóng tàu đã bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề để hạn chế thua lỗ. Họ chuyển sang phát triển công nghệ xanh như chế tạo tua-bin chạy bằng gió hay gia nhập vào thị trường xây dựng cơ sở sản xuất dầu dưới đáy biển. Như trường hợp của Huyndai, đến năm 2012, ngành Đóng tàu chỉ còn chiếm 30% lợi nhuận so với lợi nhuận chiếm 50% trong 6 năm trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.