Hạ tầng

Dự án cấp bách, thi công thần tốc

23/02/2015, 08:40

Những người lính 319 đã hoàn thành xuất sắc dự án Kênh Chợ Gạo với tốc độ thần tốc.

791
Tổng công ty 319 thi công bờ kè Kênh Chợ Gạo

Nơi khẳng định tinh thần người lính 319

Dù trong điều kiện nguồn vốn rất khó khăn, Chính phủ vẫn dành một nguồn ngân sách để thực hiện dự án nâng cấp Kênh Chợ Gạo. Điều này để thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của dự án. Những người lính 319 đã được tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện dự án một cách cấp bách. Và với tinh thần của người lính, họ đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, về đích sớm hơn ba tháng so với hợp đồng.

Dự án nâng cấp Kênh Chợ Gạo được khởi công vào 21/12/2013 nhưng khi nhà thầu bắt tay vào công việc thì gặp không ít khó khăn về thiết kế, GPMB… Còn nhớ vào thời điểm tháng 7/2014, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đến kiểm tra công trường dự án thì công việc vẫn bộn bề. Dù vậy, ông Phan Phú, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng, vẫn hứa như “đinh đóng cột” với Bộ trưởng là dự án sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2/2015), vượt tiến độ ba tháng.

Tại công trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã biểu dương tinh thần của những người lính 319. “Tôi rất tin tưởng những người lính, ở đâu có khó khăn là ở đó có hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ. Phải phát huy tinh thần người lính trong chiến đấu và trong xây dựng đất nước hôm nay”, Bộ trưởng căn dặn và lưu ý chủ đầu tư, BQL dự án cùng nhà thầu phải đảm bảo chất lượng công trình. “Dù vượt tiến độ nhưng chất lượng phải đảm bảo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, những ngày sau đó, Liên danh nhà thầu Tổng công ty 319 - Minh Hằng đã triển khai thi công đại trà. Những rọ đá được đan từ thép mạ kẽm nhập khẩu từ Malaysia chuyển đến công trường nhiều hơn để kịp thi công. Trên công trường lúc nào cũng có 30 kỹ sư và 330 công nhân làm việc liên tục.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác điều hành để dự án đạt tiến độ “thần tốc”, ông Trần Văn Chung, Chỉ huy trưởng công trình Công ty TNHH MTV 319.2 (Tổng công ty 319) cho biết, theo hợp đồng thì nhà thầu chỉ triển khai hai mũi thi công, nhưng khi bắt tay thực hiện, liên danh nhà thầu lúc nào cũng triển khai 8 mũi thi công. “Nhờ triển khai nhiều mũi thi công cùng với thiết bị, nhân lực đầy đủ nên chúng tôi đã kịp thời bù tiến độ lúc đầu bị chậm và nhanh chóng vượt tiến độ vào những tháng sau đó”, ông Chung nói.

Những tháng cuối năm 2014 được xem là giai đoạn “thần tốc” của dự án nâng cấp Kênh Chợ Gạo. Ông Nguyễn Văn Vũ, cán bộ quản lý của BQL các dự án ĐTNĐ phía Nam cho biết, chưa bao giờ thấy một dự án có tốc độ giải ngân nhanh đến vậy. “Trung bình cứ một tháng giải ngân khối lượng 50 tỷ đồng. Đây là dự án kỷ lục về giải ngân mà BQL ĐTNĐ thực hiện”, ông Vũ nói.

Kiểm tra từng cục đá

Để “tiến độ đi liền chất lượng” như chỉ đạo của Bộ trưởng, ngay từ đầu, chủ đầu tư, TVGS, nhà thầu đã xây dựng một quy trình quản lý chất lượng nguồn vật liệu rất chặt chẽ và tuân thủ nghiêm quy trình đó. Ông Nguyễn Văn Tùng, tư vấn trưởng của Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông (Tedi Wecco) chia sẻ về quy trình này: Trước tiên, TVGS, nhà thầu và BQL đến tận các mỏ cát, đá để kiểm tra nguồn vật liệu có đủ trữ lượng, đạt chất lượng hay không.

“Nguồn cát thì lấy ở Vĩnh Long, Bến Tre. Mỗi sà lan trước khi vận chuyển về phải được người của nhà thầu, TVGS tại mỏ kiểm tra khối lượng, chất lượng. Nếu đảm bảo thì hai bên ký biên bản cho vận chuyển đến công trường. Khi đến công trường cũng có người của tư vấn, nhà thầu kiểm tra lại thực tế và giấy tờ rồi mới cho đưa vào sử dụng. “Cứ mỗi sà lan cát 500 khối thì phải lấy hai mẫu thí nghiệm. Phòng thí nghiệm được đặt ngay tại công trường để vừa đảm bảo tính chính xác nhưng cũng nhanh chóng để đáp ứng tiến độ của nhà thầu”, ông Tùng nói.

Nguồn đá được lấy từ An Giang và Đồng Nai về cũng tuân thủ quy trình tương tự. Ông Tùng kể: Đã có một vài chuyến sà lan khi kiểm tra tại mỏ thì đảm bảo về kích cỡ, nhưng quá trình cẩu lên - xuống sà lan một số ít bị vỡ làm đá nhỏ hơn kích thước quy định (10 x15 cm) và bị tư vấn từ chối không cho đưa vào công trường. “Mỗi sà lan chỉ cần vài cục đá không đúng tiêu chuẩn và hàng nghìn sà lan như thế thì chất lượng công trình khó đảm bảo. Vì vậy, có thể nói chúng tôi đã kiểm tra từng cục đá một”, ông Tùng nói.

Với việc nạo vét, các đơn vị tiến hành đo đạc, tính toán khối lượng trước khi nạo vét để thiết kế bản vẽ thi công. Nhà thầu thi công đoạn nào xong thì TVGS cùng đo lại khối lượng. Cùng với đó là tính khối lượng thực tế mà sà lan vận chuyển. Tức là một sà lan vận chuyển tương ứng với khối lượng bao nhiêu, so sánh với khối lượng đo trước khi nạo vét, sau khi nạo vét để xem nhà thầu có nạo vét đúng với khối lượng thiết kế không. Đến khi dự án hoàn thành toàn bộ, TVGS, chủ đầu tư, BQL dự án, nhà thầu và cả đơn vị quản lý tuyến luồng đi kiểm tra một lần nữa để thực hiện hồ sơ hoàn công.

Mong sớm triển khai giai đoạn 2

Tuân thủ chặt chẽ quy trình quản lý chất lượng, cộng với năng lực thiết bị, nhân lực, điều hành của nhà thầu mạnh, dự án nâng cấp Kênh Chợ Gạo đã hoàn thành vào 31/12/2014, vượt tiến độ hơn rất nhiều so với hợp đồng.

Những ngày này, hàng nghìn lượt tàu thuyền tải trọng từ 200 - 1 nghìn DWT vẫn nối đuôi nhau vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL lên TP HCM để phục vụ người dân dịp Tết cổ truyền 2015. Theo ông Phan Văn Duy, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ thì trung bình mỗi ngày có trên 1.500 lượt phương tiện đi trên Kênh Chợ Gạo, ngày cao điểm lên đến khoảng 1.800 lượt phương tiện.

Lưu lượng tàu thuyền quá lớn là một tín hiệu vui nhưng cũng là áp lực bởi sự sạt lở vẫn xảy ra. Hiện tại giai đoạn 1 của dự án chỉ mới thực hiện được phần kè phía Bắc, trong khi khu vực bờ Nam cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Đưa chúng tôi đi xem thực tế ở bờ phía Nam, ông Lê Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết, tuyến huyện lộ đi qua thị trấn, xã Bình Phan, xã Bình Phục Nhứt… có đoạn lở sâu từ 5 -15 m.

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đã chỉ đạo huyện Chợ Gạo luôn chủ động để sẵn sàng di dời những hộ dân có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo ông Khang thì đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. “Về lâu dài Chính phủ cần sớm đầu tư kè ở bờ Nam để phát huy hiệu quả dự án và ổn định cuộc sống người dân”, ông Khang nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.