Hạ tầng

Dự án nạo vét đường thủy phải triển khai những thủ tục gì?

18/12/2018, 10:11

Dự án nạo vét cơ bản đường thủy phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND cấp tỉnh chấp thuận...

IMG_0376

Từ 11/1/2019, các dự án nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm do UBND cấp tỉnh tổ chức quản lý

Theo Nghị định 159 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa vừa được Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ 11/1/2019), nạo vét thu hồi sản phẩm trên đường thủy gồm 2 loại: nạo vét cơ bản và nạo vét duy tu.

Trong đó, nạo vét cơ bản thực hiện lần đầu tiên nhằm tạo ra một khu nước, vùng nước mới hoặc hạ độ sâu, mở rộng phạm vi của vùng nước hiện có; Còn nạo vét duy tu nhằm duy trì độ sâu, phạm vi của một khu nước, vùng nước đã được thiết lập sau nạo vét cơ bản.

“Các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND cấp tỉnh chấp thuận phương án thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa có đê còn phải lấy ý kiến của UBND cấp tỉnh quản lý; đối với dự án nạo vét cơ bản ở các tuyến đường thủy nội địa có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hoặc thuộc địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, phải lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt dự án”, nghị định quy định.

Cũng theo nghị định này, công trình nạo vét vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm phải được lập thành dự án và thực hiện theo các bước: lập và công bố danh mục khu vực nạo vét; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án; triển khai thực hiện và bàn giao dự án theo quy định tại nghị định.

Trước khi tiến hành hoạt động nạo vét, đơn vị thi công nạo vét thông báo kế hoạch triển khai thực hiện đến cơ quan quản lý đường thủy khu vực, chính quyền địa phương và có bảng niêm yết tại công trường trong suốt quá trình thi công. Bảng niêm yết thể hiện các nội dung về cơ quan phê duyệt, chủ đầu tư, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn giám sát, đơn vị thi công, quy mô công trình, tiến độ thi công, thời gian bắt đầu thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn thực hiện, hình thức thực hiện.

Tại nghị định, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành chức năng, địa phương trong việc tổ chức thực hiện nghị định trên. Trong đó, UBND cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp của Bộ GTVT đối với các dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy quốc gia. Trước 30/1 hàng năm, địa phương công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.