Thế giới giao thông

Dự án taxi trên sông Paris trắc trở vì thủ tục

29/08/2017, 14:05

Một dự án taxi trên sông của Pháp hứa hẹn là cú hích lớn cho ngành DL nhưng vẫn trắc trở vì thủ tục...

16

Sea Bubbles có thể chạy trên sông với vận tốc tối đa 48km/h

“Con đường đầy chông gai”

Dự án taxi trên sông tốc độ cao, thân thiện môi trường mang tên Bong bóng Biển (Sea Bubble) do tay đua du thuyền người Pháp Alein Thebault ấp ủ và được công bố vào cuối năm ngoái. Ông Alein Thebault có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm tại các thành phố ở châu Âu, châu Á, Trung Đông và Mỹ từ năm 2018, đưa Sea Bubbles thành dịch vụ taxi trên sông hoạt động tại 50 thành phố tính đến năm 2024.

Dự án này đánh trúng vào nỗi trăn trở muốn thân thiện hóa môi trường, giảm tải áp lực giao thông đường bộ ở Thủ đô Paris của nữ thị trưởng Anne Hidalgo và hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, Sea Bubbles vẫn đối mặt với nhiều trở ngại về thủ tục, quy định hành chính để biến kế hoạch trên thành hiện thực. Anh Thebault chia sẻ: “Đó là con đường đầy chông gai với “hai chú chim biển” như tôi và Anders Bringdal (người đồng phát minh với ông Thebault)”.

“Cha đẻ” Sea Bubbles cho biết, chỉ riêng khâu đăng ký, công ty đã rất vất vả. Ông phải mất tới 2 tháng để sắp xếp hợp đồng thuê 2 chiếc ô tô và 1 tháng để thuê luật sư đăng ký công ty trong khi ở các nước khác, thủ tục này chỉ mất khoảng vài giờ.  

Chưa kể, mặc dù Thị trưởng Paris rất ưng ý phương tiện thân thiện môi trường, nhưng Sea Bubbles chỉ có thể hoạt động trên sông Seine nếu giới chức địa phương mở cửa, tăng tốc độ hạn chế đối với các phương tiện trên sông.

Một trở ngại khác mà Sea Bubbles đang phải đối mặt đó là: Dù đã nhận một vài khoản đầu tư ban đầu từ ngân hàng đầu tư địa phương, nhưng hai đơn đề nghị Chính phủ trợ cấp 200.000 euro đã bị bác bỏ. Người phát ngôn chính quyền thủ đô cho biết, họ sẽ chỉ cấp tiền cho những công ty có thể chứng minh được khả năng kinh doanh ngay tức thì.

Vấn đề ở thủ tục... còn tiền không thiếu  

Có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng đổ tiền vào dự án này. Ông Thebault dự kiến có thể thu hút đầu tư từ 50 - 100 triệu euro tính đến cuối tháng 9 tới.

Theo giới đầu tư Pháp, các công ty khởi nghiệp không bị kìm chân vì vấn đề tài chính mà vì thủ tục hành chính đôi khi còn quan liêu và Luật Lao động vốn được đưa ra để bảo vệ công nhân, nhưng lại tạo gánh nặng và chi phí đắt đỏ cho các doanh nghiệp.

Mẫu phương tiện Sea Bubbles chạy bằng động cơ điện, có hình dáng khá giống một quả trứng với kích thước cao 4,3m, rộng 2,3m, được kỳ vọng có thể trở thành phương tiện thay thế giúp giải quyết tình trạng kẹt xe trong thành phố. Sea Bubbles có thể chạy trên sông với vận tốc tối đa 48km/h, đang được các nhà nghiên cứu nâng cấp thêm tính năng tự lái, không cần có người điều khiển. Nhà sản xuất hy vọng sẽ ra mắt phương tiện này vào mùa hè năm 2017.

Ông Romain Lavault, đối tác tại Quỹ Đầu tư doanh nghiệp Partech Ventures đang đầu tư vào Sea Bubbles nhận định rằng: “Ở đây, vấn đề không phải là tiền. Tiền có rất nhiều”.

Thực tế, Pháp xếp thứ 21 trong báo cáo tính cạnh tranh dựa trên mức độ sẵn sàng sáng tạo, công nghệ của doanh nghiệp do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện. Nhưng, Pháp lại xếp thứ 115 trong tổng số 138 quốc gia về “thủ tục hành chính rườm rà”.

Người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp bảo hiểm điện tử Alan có trụ sở tại Paris, ông Charles Gorintin cho biết: “Ở Pháp, để thành lập một công ty rất phức tạp”. Trong đó, Luật Lao động khắt khe đứng đầu danh sách phàn nàn của giới đầu tư. Bất cứ công ty có trụ sở tại Pháp có 50 nhân viên trở lên đều phải thành lập một hội đồng lao động, tổ chức bầu công đoàn và thực hiện rất nhiều quy định về cơ cấu với người lao động.

Ông Jean - Baptiste Rudelle, Giám đốc điều hành một công ty khởi nghiệp Pháp đang có trị giá tới 3,4 tỉ USD nhận định: “Thung lũng Silicon (nơi được coi là trung tâm của sáng tạo và công nghệ tại Mỹ) có lịch sử khoảng 50 năm. Pháp cần thêm ít nhất 10-15 năm nữa thì môi trường dành cho các công ty khởi nghiệp tại đây mới đủ sức cạnh tranh với Silicon”.

Những người thực hiện dự án Sea Bubbles và nhiều dự án khác đang trông đợi vào Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vốn là Bộ trưởng Kinh tế, ủng hộ doanh nghiệp và ấp ủ mong muốn đưa Pháp trở thành “quốc gia khởi nghiệp” sẽ có giải pháp tạo thuận lợi cho các công ty mới. Song, Văn phòng ông Macron chưa bình luận về việc Tổng thống có ủng hộ dự án này hay không. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.