Xã hội

Dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm: Thiếu hiểu biết, ấu trĩ, lãng phí

02/03/2019, 18:32

Chuyên gia khẳng định, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nước mắm có nhiều nội dung thể hiện sự thiếu hiểu biết, ấu trĩ, gây lãng phí...

img
Chuyên gia khẳng định, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nước mắm có nhiều nội dung không phù hợp thực tế

Ngay trước thời gian ban hành, Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN) đã vấp phải hàng loạt ý kiến phản đối từ các hội nước mắm truyền thống, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bởi nhiều quy định không phù hợp với thực tế. Tiêu biểu là nội dung yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật hay quy định nhà sản xuất phải loại bỏ cá nguyên liệu đã bị phân hủy mạnh nhằm loại bỏ chất histamine trong nước mắm.

Ngày 2/3 trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết, vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ các hiệp hội về việc đề nghị hoãn ban hành TCVN trên. “Dự thảo lần cuối cùng, các hồ sơ liên quan đã được chuyển sang Tổng cục xem xét thẩm định”, ông Linh cho hay.

Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản, nay là Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững Hội Nghề cá Việt Nam, cũng khá bất ngờ với nội dung của Dự thảo TCVN về sản xuất nước mắm. “Hội nghề cá không được tiếp nhận và hỏi ý kiến về Dự thảo này”.

Theo ông Cương, có tới 97% nước mắm truyền thống tại Việt Nam được chế biến từ cá biển, phần nhỏ còn lại là cá nước ngọt. “Con cá biển thì làm gì sử dụng tới thuốc? Ngay cả khi là cá nước ngọt mà yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật thì cũng chắc chắn không có. Mà đã không có thì đứng đưa vào làm gì, gây tốn kém, lãng phí cả tiền bạc lẫn thời gian cho người sản xuất”, chuyên gia phân tích.

Tương tự, liên quan tới nội dung chỉ tiêu histamine, ông Cương cho biết, đây là một loại chất phân hủy chỉ sinh ra từ nhóm cá có thịt đỏ. Do vậy quy định tất cả các loại nước mắm phải kiểm soát chất này là sai, vô lý. “Người soạn thảo Dự thảo trên không biết gì về chế biến thủy sản, rất ấu trĩ”, ông Cương nhấn mạnh.

Qua đây, ông Cương kiến nghị cần tổ chức một buổi hội thảo có đủ “ba bề bốn bên”. “Thành phần hội thảo phải bao gồm các chuyên gia có hiểu biết về nước mắm, ngồi đối chất với cơ quan chủ trì biên soạn. Mục đích là để ban hành tiêu chuẩn đúng, giúp các nhà sản xuất ra sản phẩm an toàn chứ không phải đưa ra các chỉ tiêu vô lý gây lãng phí và rối rắm trong quản lý”, ông Cương nói.

Trước luồng ý kiến phản đối, đại diện ban biên soạn dự thảo TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, ông Đào Trọng Hiếu (Phó Phòng Phát triển thị trường thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản), cho hay: TCVN là tự nguyện, dự thảo tiêu chuẩn trên đưa ra các khuyến nghị thực hành đối với sản xuất nước mắm dựa vào việc nhận diện mối nguy ở từng công đoạn sản xuất và không có tính bắt buộc các nhà sản xuất tuân theo. Việc áp dụng tiêu chuẩn sẽ giúp nhà sản xuất nâng cao được uy tín, thương hiệu.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Dung , thành viên Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống, dù TCVN là tự nguyện, không bắt buộc áp dụng nhưng nó sẽ được sử dụng như là một căn cứ để xây dựng, chỉnh sửa và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (bắt buộc áp dụng) về thực hành sản xuất nước mắm sau này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.