Xã hội

Đưa báo cáo giải quyết tố cáo của công dân ra Quốc hội?

17/04/2017, 19:54

Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị đưa báo cáo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ra hội trường QH.

nguyen-thanh-hai

Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị đưa báo cáo việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ra hội trường Quốc hội.

Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 21,5 ngày (từ 22/5-20/6), trong đó, không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để ĐBQH có thời gian nghiên cứu tài liệu. Về dự kiến chương trình kỳ họp, ông Phúc cho biết dự kiến sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến về 4 dự án luật.

Góp ý vào nội dung này, đa số các đại biểu nhất trí với dự kiến chương trình, đồng tình với việc Quốc hội không làm việc ngày thứ 7, dành thời gian để ĐBQH nghiên cứu tài liệu. TVQH cũng nhất trí việc tăng thời gian chất vấn lên 3 ngày, nhưng không tăng nội dung và đối tượng chất vấn.

Góp ý về vấn đề cụ thể, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa ra đề xuất để áp dụng tại kỳ họp thứ 4 nhưng muốn xin ý kiến TVQH ngay tại phiên họp lần này.

Theo bà Hải, lâu nay, Báo cáo tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân hàng năm đều được báo cáo vào kỳ họp cuối trong năm. Tuy nhiên, báo cáo này sau khi thảo luận tại TVQH sẽ được gửi tới ĐBQH chứ chưa được trình tại hội trường.

“Tôi rất băn khoăn, vì số lượng đơn thư công dân gửi tới Quốc hội ngày càng nhiều. Hiện nay một tuần tiếp nhận khoảng 500 đơn thư tố cáo, một năm nhận khoảng 20.000 đơn, vì vậy việc giám sát, giải quyết khiếu nại đơn thư tố cáo được dân rất quan tâm và kỳ vọng”, bà Hải nêu số liệu và cho biết thêm, trong tổng số đơn thư có khoảng 70% liên quan đến đất đai, đền bù, GPMB...

“Khi chúng tôi đi giám sát tại địa phương thì thấy việc thực hiện ở địa phương còn rất nhiều bất cập, nên tình hình an ninh, chính trị có nguy cơ ảnh hưởng vì chưa tuân thủ đầy đủ quy trình thủ tục đã được quy định trong luật. Nếu báo cáo này được trình bày trên hội trường Quốc hội thì sẽ được cử tri và Quốc hội quan tâm hơn, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, xã hội tại các địa phương”, bà Hải kiến nghị.

Đồng tình, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhận định, hiện nay tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, nên việc giải quyết thông tin tố cáo, nắm bắt đời sống, tâm tư nguyện vọng của dân, Quốc hội phải nắm chắc chắn, "đừng để trong thời gian diễn ra kỳ họp có việc này việc kia".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong kỳ họp giữa năm, nếu Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban có báo cáo về các cuộc giám sát chuyên đề mà Quốc hội thấy cần thiết thì sẽ đưa ra thảo luận. Riêng báo cáo giải quyết khiếu nại, đơn thư tố cáo của người dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thiết kế luôn trong báo cáo giám sát nêu trên, cần thì tăng thời lượng làm luôn chứ không làm báo cáo riêng nữa.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.