Góc nhìn

Đức có thể chống lại Mỹ, trở thành đồng minh của Trung Quốc?

17/07/2018, 08:24

Đức có thể chống lại Mỹ, trở thành đồng minh kinh tế của Trung Quốc như một số kỳ vọng ở Bắc Kinh?

23

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Bắc Kinh

Kẻ thù của kẻ thù sẽ là bạn

“Kẻ thù của kẻ thù sẽ là bạn của tôi”, đó là câu nói được nhiều người Trung Quốc nhắc đến trong những ngày qua. Điều này đã thúc đẩy Trung Quốc và Đức liên minh với nhau trong cuộc chiến thương mại của hai nước với Washington.

Trung Quốc và Đức, cả hai cường quốc xuất khẩu, đều thiệt hại từ ​​cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khơi mào. Khi Mỹ và Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của nhau thì xung đột thương mại Mỹ - châu Âu vẫn còn dai dẳng, trong đó Đức là mục tiêu chính của mức thuế cao mà Mỹ áp lên các sản phẩm như nhôm, thép và xe hơi nhập khẩu.

Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Đức tuần vừa qua diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến đi của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Trung Quốc vào tháng 5 và cũng chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh châu Âu - Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 16-17/7.

Cả Berlin và Bắc Kinh đều đang tìm kiếm một liên minh gần gũi hơn và một chiến lược phối hợp để đáp trả lại chương trình bảo hộ nền sản xuất trong nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bà Merkel cũng là một chính trị gia phương Tây mà Bắc Kinh đã “quyến rũ” từ lâu. 11 lần tới thăm Trung Quốc trong 12 năm làm thủ tướng của bà Merkel không chỉ vượt quá bất kỳ chuyến đi châu Âu nào của bà, mà còn vượt quá tổng số chuyến thăm Trung Quốc của 3 tổng thống Pháp (Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande) và 3 thủ tướng Anh (Tony Blair, Gordon Brown và David Cameron).

Do đó, chuyến thăm của bà Merkel tới Trung Quốc và chuyến đi đối ứng vừa kết thúc của ông Lý Khắc Cường đã thu hút sự quan tâm của giới quan sát. Hiện, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu trong 43 năm liên tiếp, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Đức trên toàn cầu.

Hai nước cũng chia sẻ chương trình nghị sự song phương và đa phương rộng lớn về một loạt các vấn đề toàn cầu quan trọng khi cùng phản đối quyết định của ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đức và Trung Quốc cũng phản đối việc nhà lãnh đạo Mỹ rút khỏi thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris cũng như quyết định của ông về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem.

Tương đồng và bất đồng

Theo nhà bình luận Cary Huang của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Bắc Kinh và Berlin đã tìm thấy lý do hợp lý để đứng về phía nhau, vì cả hai nước đều có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ.

Theo đó, hai nước đã đồng ý hợp tác về các mục tiêu công nghệ cao và kết nối chiến lược “Công nghiệp 4.0” của Đức với kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc - vốn bị ông Trump coi là mối đe dọa lớn đối với lợi ích kinh tế Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tình đoàn kết của Trung Quốc và Đức đối với các động thái thương mại của Mỹ đã không xóa hết được mọi vấn đề bất đồng. Giống như Washington, Berlin cũng có những bất bình sâu sắc đối với Bắc Kinh. Ngay cả về các vấn đề thương mại, các công ty Đức đã phàn nàn rằng họ không được tiếp cận công bằng với thị trường Trung Quốc và công nghệ cũng như chuyên môn kỹ thuật của Đức thường bị sao chép hoặc đánh cắp ở Trung Quốc.

Vì thế, Mỹ, EU, Nhật Bản và nhiều nơi khác đang nghiêm khắc hơn đối với Trung Quốc vì các hoạt động thương mại không công bằng như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, chính sách công nghiệp của Trung Quốc và các ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước của cường quốc châu Á này.

Bắc Kinh đã đệ đơn kiện lên WTO phản đối một số nước châu Âu và Mỹ vì chính sách phòng vệ thương mại của các nước này và yêu cầu được công nhận là một “nền kinh tế thị trường” bình thường.

Trong khi đó, EU hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để gây áp lực lên Trung Quốc giảm sản lượng thép. EU cũng đang hợp tác với Mỹ buộc Trung Quốc mở cửa hơn nữa các lĩnh vực ngân hàng và tài chính, chấm dứt trợ cấp nhà nước cho các ngành công nghiệp và tạo cho các công ty nước ngoài một sân chơi bình đẳng.

Đức và Trung Quốc cũng không đồng ý với nhiều vấn đề khác, từ chính trị, tôn giáo đến an ninh khu vực và toàn cầu. Trong khi bà Merkel nói chuyện với ông Lý Khắc Cường tại Berlin thứ hai tuần trước thì ủy viên nhân quyền của Chính phủ Đức, bà Bärbel Kofler (thuộc đảng Dân chủ xã hội Đức) lại cáo buộc Trung Quốc làm xấu đi đáng kể tình hình nhân quyền của nước này trong vài năm qua.

Bởi vậy, theo nhận định của Carry Huang, Đức và Trung Quốc có thể là đối tác trong một số vấn đề, nhưng trong các đối đầu về chính trị, Berlin và Bắc Kinh sẽ không bao giờ có thể trở thành đồng minh để đưa ra tiếng nói chung về chính trị, tư tưởng và chiến lược chống lại Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.