Chuyện dọc đường

Đừng bỏ qua “cái lợi dài lâu”

29/01/2015, 17:03

Từ 1/1/2015, BHYT chỉ được bán theo hộ gia đình chứ không còn bán cho cá nhân riêng lẻ.

dung-bo-qua-cai-loi-dai-lau
Một bệnh nhân có BHYT đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra danh mục thuốc sẽ được phát theo đơn

Quy định mới này nhằm mục đích gia tăng độ bao phủ của BHYT tới toàn dân, nhưng đã nảy sinh hiện trạng nhiều người dân khi được yêu cầu mua BHYT cho cả hộ gia đình thì từ bỏ luôn ý định mua BHYT cho chính bản thân mình.

Hiện mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, người đầu tiên mua với giá 621 nghìn đồng, người thứ hai bằng 70% người đầu, người thứ ba là 60%, người thứ tư là 50%, người thứ năm trở đi là 40%. Nhẩm tính, một hộ gia đình 4 người, chi phí mua BHYT cả năm hơn 1,7 triệu đồng; hộ gia đình 5 người chưa đầy 2 triệu đồng.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, so với các nước trong khu vực, mức đóng BHYT của người Việt Nam không cao, nhưng người bệnh được ưu đãi khá lớn như chi trả nhiều loại thuốc đặc trị đắt tiền và hàng loạt kỹ thuật cao. Thực tế, bất cứ ai đã từng đi khám, chữa bệnh đều thấm thía điều này, bởi chiếc thẻ BHYT có thể hỗ trợ người bệnh tới vài trăm triệu đồng.

BHYT là một giải pháp tài chính bền vững đảm bảo cho người dân được khám, chữa bệnh. Nhưng tại Việt Nam, hiện số người dân tham gia BHYT mới chỉ đạt khoảng 69% dân số. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cho biết, tiền chi trực tiếp từ hộ gia đình tại Việt Nam vẫn chiếm 49,3% viện phí và khoảng 70% tiền mua thuốc. WHO khuyến cáo, chi phí này không nên vượt quá 30- 40%, nếu không người nghèo sẽ càng thêm nghèo.

Khuyến nghị này tương đồng với kết quả nghiên cứu mà Trường Đại học Y Hà Nội đã từng đưa ra: 2,5% số hộ gia đình bị rơi vào cảnh đói nghèo và 3,9% số hộ gia đình phải đối mặt với khó khăn về tài chính do các khoản chi phí khám chữa bệnh gây ra.

Để giảm bớt gánh nặng tài chính khi phải chi trả chi phí y tế hàng năm, cũng như để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Trong đề án này, mục tiêu lớn nhất là tăng số người tham gia BHYT để tới năm 2015 đạt 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt trên 90% dân số có BHYT. Đồng thời mở rộng phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế xuống dưới 40% vào năm 2015 và dưới 30% vào năm 2020.

Trong khi mục tiêu kể trên có vẻ xa vời thì với cung cách phục vụ “hành” dân của BHXH mà PV Báo Giao thông ghi nhận những ngày gần đây thì có thể thấy rằng ngành này đang vì cái khó trước mắt mà bỏ qua “cái lợi dài lâu” .

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.