Quản lý

Dùng chính sách hút vốn tư nhân đầu tư giao thông

14/11/2018, 06:47

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm xây dựng và ban hành Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư...

1

Đường dẫn và nút giao cuối tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT - Ảnh: Đỗ Phương

Cấp thiết ban hành Luật về PPP

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông” sáng qua (13/11), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn 2016-2020, nhu cầu đầu tư của ngành GTVT cần hơn 900 nghìn tỷ đồng, nhưng nguồn vốn ngân sách được bố trí chỉ đáp ứng khoảng 30%. Hiện, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, đối với 8 dự án PPP, ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 35 - 40% để phục vụ GPMB, hỗ trợ kỹ thuật…

“Toàn bộ 11 dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến, đầu năm 2019, sẽ khởi công xây dựng các dự án đầu tư công, còn lại 8 dự án PPP sẽ khởi công vào cuối năm 2019”, Thứ trưởng Nhật nói và cho biết, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông rất cấp thiết.

"Chất lượng các đạo luật rất quan trọng và quyết định đến chất lượng giao thông. Do đó, các cơ quan có trách nhiệm phải rà soát lại các các quy định để tiếp cận với quy chuẩn quốc tế”.

Ông Nguyễn Văn Phúc
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, thời gian qua, Bộ GTVT đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự PPP hạ tầng giao thông, tuy nhiên, do sự ràng buộc về chính sách, pháp luật nên công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình là dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ kỹ thuật cho dự án suốt 10 năm nhưng triển khai không thành công.

“Các nhà đầu tư nước ngoài có ý định tham gia đầu tư dự án đều đưa ra yêu cầu Chính phủ bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh về rủi ro của dự án… Nhưng trong khuôn khổ pháp luật của chúng ta không thể đáp ứng được các điều kiện này, nên chưa thể thu hút được các DN nước ngoài đầu tư vào dự án hạ tầng giao thông”, Thứ trưởng dẫn chứng và cho rằng, để thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng cấp thiết phải sớm xây dựng và ban hành Luật về PPP để tạo ra môi trường pháp lý ổn định, hấp dẫn nhà đầu tư.

Dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản từng nói: “Nếu có tiền cần phải làm gì đầu tiên, đó là giao thông và nếu có tiền nữa thì vẫn là làm giao thông”, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, hạ tầng giao thông là quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế. Để phát triển giao thông, khung pháp lý và chính sách có rất nhiều ý nghĩa, bởi không có khung pháp lý, người ta không tin và không đầu tư.

“Chất lượng các luật rất quan trọng và quyết định đến chất lượng giao thông. Do đó, các cơ quan có trách nhiệm phải rà soát lại các quy định để tiếp cận với quy chuẩn quốc tế”, ông Phúc nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cũng đánh giá, môi trường đầu tư PPP tại Việt Nam hiện rất rủi ro, gây nhiều trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư tham gia, nhất là lĩnh vực hạ tầng giao thông. “Đã đến lúc ưu tiên ban hành Luật về đối tác công - tư và Nhà nước cần cơ chế chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Hiếu nói và dẫn ví dụ, DN đầu tư một con đường, nhưng doanh thu sụt giảm mạnh, không đảm bảo theo phương án ban ban đầu, Nhà nước cần có cơ chế chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư.

Dưới góc độ của một nhà đầu tư, ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, hành lang pháp lý về đầu tư PPP hiện chưa đồng bộ và còn nhiều chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

“Chẳng hạn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tồn tại những quy định đá nhau. Trong Luật Doanh nghiệp cho phép DN có thể chuyển nhượng cổ phần hoặc góp vốn, nhưng Luật Đầu tư lại không cho phép thực hiện việc này. Hơn nữa, tính ổn định pháp lý chưa cao, các Nghị định và Thông tư liên tục thay đổi, có khi chỉ một vài tháng lại thay đổi một lần, do đó, rất cần thiết ban hành Luật về PPP để các nhà đầu tư yên tâm tham gia vào các dự án PPP, nhất là lĩnh vực hạ tầng giao thông”, ông Thế nói.

2

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT - Ảnh: Khánh Linh

Phải dùng chính sách để tạo ra tiền

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, nguồn vốn của các dự án PPP hiện nay chủ yếu đến từ vốn vay của tổ chức tín dụng trong nước. Thị trường tài chính với rất nhiều ngân hàng nhưng chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn đem cho vay dài hạn chứ chưa có một thị trường tài chính cho đầu tư đối tác công - tư, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông.

“Chúng ta đang rất cần tạo ra một thị trường tài chính thực sự đầy đủ cho đầu tư PPP”, ông Trương nói và chia sẻ, công tác xây dựng Luật PPP hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Khi xây dựng quy định bảo lãnh vốn, Luật Ngân sách không cho phép, đưa vào Luật điều khoản về bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, phía ngân hàng phát ngay văn bản yêu cầu: Đừng đưa ra chuyện đó.

“Sắp tới, báo cáo Quốc hội, chúng tôi sẽ nói luôn, nếu cứ làm luật thế này thì tốt nhất là không làm gì nữa. Bảo lãnh doanh thu không được, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ cũng chẳng xong… thì chẳng khác nào nghị định”, ông Trương nói và chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, toàn bộ các dự án công - tư của họ đều được nghiên cứu bài bản, sau đó nghiên cứu độc lập, đánh giá thẩm định tập trung. Các dự án được phân loại, cái nào hiệu quả thì mời gọi PPP, dự án nào “xương xẩu” Nhà nước sẽ làm. Hơn nữa, hành lang pháp lý của họ cũng rất rõ ràng và bảo vệ nhà đầu tư. Luật về đối tác công - tư của Hàn Quốc nêu rõ, nếu có quy định xung khắc với luật khác thì Luật PPP sẽ phủ định các luật khác.

“20 năm trước, đầu tư công Hàn Quốc không khác gì Việt Nam bây giờ, tuy nhiên, hiện nay, Hàn Quốc là một trong những nước có cơ sở hạ tầng tốt nhất châu Á”, ông Trương nói và cho biết thêm, nhiều nước trên thế giới có quỹ của Nhà nước để hỗ trợ các dự án PPP.

“Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nếu chúng ta có quỹ để phục vụ PPP thì mới triển khai được, nếu không có quỹ sẽ chẳng thể làm được gì”, ông Trương chia sẻ thêm.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo KT-XH Quốc gia (Bộ KH&ĐT) cũng cho biết, để thu hút được đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, yếu tố quan trọng nhất là phải xây dựng được thị trường PPP giao thông minh bạch, hấp dẫn, đặc biệt là về các cơ chế chính sách cho loại hình đầu tư này. “Tôi đặc biệt ấn tượng với câu nói: Không phải sự thịnh vượng tạo ra những con đường, mà chính những con đường làm nên sự thịnh vượng. Do đó, chúng ta không nên để tiền đẻ ra chính sách mà phải dùng chính sách để tạo ra tiền”, ông Quang chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.