Chuyện dọc đường

Dùng công nghệ để gần dân, doanh nghiệp

17/01/2018, 06:45

Hôm qua (16/1), Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam khai trương, nâng cấp 27 dịch vụ công trực tuyến...

2

Phương tiện bốc xếp chuyển than từ sà lan lên bờ

Dịch vụ trực tuyến mức độ 4, nói một cách dễ hiểu, là doanh nghiệp, người dân khi có nhu cầu làm thủ tục hồ sơ trong lĩnh vực đường thủy như: Đề nghị cấp phép vận tải, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, giấy phép cải tạo cảng thủy... chỉ cần ngồi tại trụ sở doanh nghiệp, tại nhà và làm thủ tục trên môi trường internet để gửi đến Cục ĐTNĐ Việt Nam và nhận kết quả từ xa.

Các thủ tục, thành phần hồ sơ, dữ liệu được thể hiện rõ ràng, minh bạch và lưu trữ thời gian nhận, giải quyết. Dịch vụ trực tuyến để cán bộ, công chức có trách nhiệm giải quyết thủ tục và doanh nghiệp, người dân làm thủ tục bình đẳng trong công việc. Doanh nghiệp, người dân không còn lo ngại bị đòi hỏi thêm “giấy phép con”, hay kéo dài thời gian giải quyết, còn cán bộ, công chức làm thủ tục cũng không lo bị hiểu lầm hay phiền trách về thái độ ứng xử, cung cách làm việc.

So với các lĩnh vực khác, sự kiện Cục ĐTNĐ Việt Nam khai trương, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 không phải là mới, nhưng nhìn từ nội tại của ngành Đường thủy, điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm trong việc hiện đại hóa quản lý để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, doanh nghiệp. Kể từ năm 2015, đây là lần thứ 3 Cục ĐTNĐ Việt Nam khai trương, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến. Lần đầu tiên là tháng 12/2015, 25 thủ tục đầu tiên của ngành được đưa lên trực tuyến (trong đó 2 thủ tục liên quan đến vận tải thủy nước ngoài, vận tải qua biên giới được được tiếp nhận qua Cổng Thông tin điện tử quốc gia). Một năm sau đó, 32 thủ tục khác được triển khai mức độ 3 - 4, đánh dấu mốc 100% dịch vụ công thuộc phạm vi giải quyết của cục được thực hiện trực tuyến. Còn lần này các dịch vụ công được nâng cấp, hoàn thiện tốt hơn để hiện thực hóa quyết tâm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cần nói thêm là trước năm 2015, Cục ĐTNĐ Việt Nam nói riêng và ngành Đường thủy nói chung nhiều năm liền nằm ở chót bảng của Bộ GTVT về ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ quản lý nhà nước. Trong các hoạt động quản lý vận tải, luồng tuyến hay hoạt động GTVT đường thủy thực tế cũng “vắng bóng” các ứng dụng công nghệ. Vì thế, việc nỗ lực triển khai các dịch vụ công trực tuyến của Cục ĐTNĐ Việt Nam vừa để theo kịp xu thế phát triển chung trong thời công nghệ 4.0 vừa kích cầu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đường thủy đổi mới, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực vận tải, sản xuất kinh doanh.

Điểm đặc biệt khác ở ngành Đường thủy là còn ứng dụng công nghệ theo cách riêng của mình, để cởi mở, phục vụ doanh nghiệp và tạo kênh giao tiếp không khoảng cách giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, người dân. Điều này thể hiện qua việc Cục ĐTNĐ Việt Nam đã và đang thí điểm cấp phép cho phương tiện thủy vào, rời cảng bến bằng tin nhắn điện thoại; lập bản đồ số đường thủy trên nền tảng công nghệ miễn phí của Google, điện tử hóa các dữ liệu hạ tầng, tự xây dựng và cung cấp phần mềm miễn phí Viwa Alert cho điện thoại di động để nhận phản ánh bằng hình ảnh của doanh nghiệp, người dân; mở trang facebook chính thức để tiếp nhận thông tin và có quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi các thông tin liên quan đến giao thông đường thủy được gửi đến.

Bên cạnh các thủ tục, dịch vụ đã được Cục ĐTNĐ Việt Nam trực tuyến hóa, những ứng dụng công nghệ tưởng bình thường trên cũng là cách thiết thực để phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.