Chuyện dọc đường

Đừng để cam kết nằm trên giấy

25/12/2018, 09:54

Từ nhiều năm nay, ký cam kết dường như đã trở thành một hoạt động thường niên của nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực.

11

Xe chở hàng hóa có ngọn trên QL1A

Từ cam kết phòng chống cháy nổ, đảm bảo ANTT, ATGT, không vi phạm tải trọng phương tiện đến các cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, không hút thuốc lá, không sinh con thứ ba... 

Thế nhưng, rất hiếm hoi có sự thống kê, đánh giá, nhìn nhận lại việc các cam kết ấy được chuyển biến thành hành động thực tế như thế nào; những tập thể, cá nhân không thực hiện đúng cam kết bị xử lý ra sao hay các cá nhân, tập thể thực hiện đúng cam kết có được hoan nghênh, khen thưởng? Để rồi, đa phần những cam kết ấy lại lặng lẽ trôi đi sang một năm mới, một quý mới, lại có những bản cam kết mới được ký với sự hân hoan, quyết liệt của cả những người ký cam kết lẫn những người chứng kiến.

Như ký cam kết không chở quá tải là cách được rất nhiều địa phương, ban ngành thực hiện định kỳ hàng năm, thậm chí là thực hiện ký cam kết vài lần trong một năm. Mỗi lần ký cam kết, các doanh nghiệp vận tải, tài xế được phổ biến pháp luật TTATGT, các quy định về tải trọng phương tiện, tải trọng cầu đường, sau đó sẽ cùng ký bản cam kết không chở hàng vượt quá tải trọng; không chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép; không tự ý thay đổi cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe; không vận chuyển hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường…

Tham gia ký cam kết, các doanh nghiệp và lái xe được thêm một lần tuyên truyền pháp luật ATGT và họ nhận thức rất rõ sai phạm khi chở hàng quá khổ, quá tải. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, tài xế sau khi buông bút ký đã tìm các cách trốn tránh lực lượng chức năng, tiếp tục chở quá tải, quá khổ.

Cũng dễ hiểu, bởi chở hàng quá tải, quá khổ tuy tàn phá cầu đường, gây mất ATGT, nhưng lại trực tiếp mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các bản cam kết chỉ là… cam kết chứ không có một sự ràng buộc nào khi xử lý. Vì thế, nhiều doanh nghiệp vẫn xem việc ký này cho vui, cho “phải phép” với cơ quan chức năng mà thôi.

Tuy nhiên, có những doanh nghiệp đã thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật, quyết tâm xây dựng thương hiệu bền vững và thể hiện tốt đạo đức kinh doanh hướng tới cộng đồng bằng cách tự xây dựng những bản cam kết có ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu. Chẳng hạn, đã có doanh nghiệp cảng ở Hải Phòng lập bản cam kết chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo các mức: Nếu vi phạm tải trọng lần 1, ngoài bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, người đứng đầu doanh nghiệp bị xử lý cảnh cáo. Nếu vi phạm lần 2, ngoài bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, người đứng đầu doanh nghiệp bị xử lý bằng hình thức đình chỉ công tác từ 1-3 tháng để kiểm điểm hoặc bị cách chức.

Từ đầu năm 2018 đến nay, thực trạng xe chở quá tải trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bình quân mỗi tháng, riêng lực lượng thanh tra giao thông cả nước đã kiểm tra xử lý khoảng 1.800 xe chở quá tải, với tiền phạt khoảng 20 tỷ đồng. Như vậy, để dẹp vấn nạn này, cần sự quyết liệt của các địa phương, các lực lượng chức năng cũng như các giải pháp tuyên truyền hiệu quả, đi vào thực tiễn cùng việc đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý kiên quyết các xe và doanh nghiệp vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.