Chuyện dọc đường

Đừng đổi sự an toàn trong cuộc mưu sinh

28/02/2017, 06:23

Cả tuần nay dư luận xôn xao trước thông tin Hà Nội sẽ thu hồi 2,5 triệu xe máy cũ nát...

3

Xe cũ nát lưu hành còn kéo theo xe thô sơ, gây mất TTATGT (Chụp ngày 25/2 tại phố Giảng Võ, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Cả tuần nay dư luận xôn xao trước thông tin Hà Nội sẽ thu hồi 2,5 triệu xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải, trước thực trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô đã đến mức báo động đỏ. 

Lo lắng nhất là những gia đình nghèo hàng ngày chạy chợ, buôn bán trên những chiếc xe máy mà nhìn qua dễ dàng nhận thấy ngoài phần máy còn hoạt động được, những bộ phận khác cơ bản đã nát bươm hoặc chủ nhân chiếc xe phải cải tạo, gia cố lại để phục vụ công cuộc mưu sinh. Vì điều kiện kinh tế và công việc hàng ngày nên không phải ai cũng dễ dàng thay xe mới, dù biết nó sẽ an toàn hơn cho bản thân.

Các nhà quản lý và nhiều chuyên gia giao thông đều cho rằng, phải đưa những chiếc xe máy cũ vào diện kiểm soát về khí thải, kết cấu an toàn để đảm bảo môi trường và ATGT. Bởi thực tế, nhiều trường hợp sử dụng xe cũ nát bất chấp quy định khi tham gia giao thông, sẵn sàng lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở hàng cồng kềnh...

Thực ra, câu chuyện kiểm soát xe máy cũ có tuổi đời trên chục năm đã được nhiều lần nhắc đến. Vậy nhưng, không hiểu sao chủ trương này vẫn chưa thể thực hiện, cứ đưa ra bàn xong rồi lại “đắp chiếu”? Nguyên nhân có nhiều, trong đó đa phần là phản đối vì dư luận cho rằng, nhiều người dân nghèo chỉ dựa vào xe máy để mưu sinh. Tiền ăn còn phải chạy từng bữa lấy đâu ra tiền đổi xe mới, hay chí ít là sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ cho an toàn. Thế nên, mới có chuyện nhiều chiếc xe máy chỉ được sửa khi một bộ phận đã bị hỏng hẳn, thậm chí khi sửa cũng chỉ ở dạng khắc phục cho nổ được máy là chủ xe lại lên đường. Dường như nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đè nặng đã khiến nhiều người quên đi sự an toàn cho chính bản thân và người tham gia giao thông khác. Chỉ đến khi chiếc xe bị gãy gập khung sườn, chủ xe gây tai nạn... họ mới tỉnh ngộ nhưng đã muộn. Lúc này, chi phí khắc phục hậu quả, điều trị y tế cao gấp cả chục lần chi phí đổi xe khác an toàn hơn.

Cái gì cũng có giá của nó. Và sự an toàn cũng vậy. Để được an toàn, ngoài ý thức tham gia giao thông đúng luật của người điều khiển phương tiện, còn là kết cấu xe an toàn. Muốn vậy, chiếc xe máy phải được đánh giá và kiểm định bởi các cơ quan chức năng. Tất nhiên khi kiểm định sẽ phải mất chi phí. Nhưng mất một phần chi phí nhỏ để được an toàn suốt quá trình sử dụng là việc đáng làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.