Thời sự

Đừng đưa học sinh ra làm “chuột bạch”

12/06/2018, 06:13

Thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chiều 11/6, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa -Vũng Tàu) chia sẻ bức xúc...

6

ĐB Dương Minh Tuấn phát biểu thảo luận

Thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chiều 11/6, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ bức xúc của người dân thời gian qua trước tình trạng ngành Giáo dục liên tục sửa đổi, thử nghiệm nhưng hiệu quả thì chưa một cơ quan nào đánh giá cặn kẽ.

Theo ông Tuấn, cần có một cơ chế nghiêm khắc đối với việc cho áp dụng các mô hình thử nghiệm, vì hiện không có một cơ quan nào giám sát, “tuýt còi”. “Phụ huynh họ phản ánh với chúng tôi rằng, tại sao lại lấy con em họ ra làm “chuột bạch” cho các mô hình thử nghiệm?”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm cũng được một số ĐBQH quan tâm. Nhiều đại biểu cho rằng, ngành Sư phạm đã tới lúc bão hoà, ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục bao cấp để miễn phí cho sinh viên khối ngành này, nên huỷ bỏ quy định miễn học phí với sinh viên sư phạm là cần thiết. Tuy nhiên, ĐB Đinh Thị Bình (Phú Thọ) cho rằng, học phí không phải là vấn đề chính của tình trạng đầu vào sư phạm thấp, mà câu chuyện nằm ở sức hấp dẫn của ngành học, môi trường làm việc và chế độ đối với nhà giáo.

ĐB Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) nêu quan điểm, trước đây đã có chính sách miễn giảm học phí nhưng ngành Sư phạm vẫn không hấp dẫn. Đồng tình với chương trình tín dụng sư phạm, đại biểu Hải cũng đề nghị xem xét thật thấu đáo chính sách miễn giảm học phí ở các cấp học khác bởi đây là nội dung liên quan đến mật thiết tới đời sống của người dân.

Trong khi đó, ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Phước Hà), Công an TX Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đề nghị luật này phải được sửa toàn diện với tinh thần không vội vàng, có thể xem xét qua 3 kỳ họp để ban soạn thảo có thời gian, điều kiện nghiên cứu, tiếp thu nhằm đảm bảo hiệu quả khi cho ra lò một sản phẩm không theo tư duy nhiệm kỳ.

Dẫn lại câu nói của Bác Hồ “hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”, nữ ĐB đánh giá thời gian qua, Bộ GD&ĐT gần như buông lỏng 2 chữ “giáo dục” mà chỉ tập trung cho 2 chữ “đào tạo”.

Đề cập vấn đề bạo lực học đường, ĐB Phước Hà cho rằng, điều này đang khiến các ĐB lo lắng tột cùng về tư duy đạo đức học đường xuống cấp. “Chúng ta có từng nghĩ, tại sao đất nước đang ngày một phát triển mà đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp? Nguyên nhân từ đâu, do ai và ai là người phải chịu trách nhiệm cho mâu thuẫn này?”, ĐB Phước Hà băn khoăn. Theo bà, giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. Tuy nhiên, nguy cơ của Việt Nam là chỉ quan tâm tới trí tuệ mà bỏ qua cảm xúc.

Từ các phân tích của mình, ĐB Phước Hà cảnh báo: “Nếu chúng ta tiếp tục tiến hóa theo cách như vài năm vừa qua, xu hướng mà giáo dục đang đi thì chả mấy chốc con cháu chúng ta trở thành những “con robot vô cảm”, thiếu lòng tự tôn dân tộc, sống vị kỷ cá nhân, không dám tự chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình trước cộng đồng và pháp luật”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.