Bạn cần biết

Đừng đùa với những cơn đau nhức khớp háng

30/03/2018, 10:05

Theo cảnh báo của bác sĩ, một phần nguyên nhân gây căn bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi...

9

Cẩn trọng với dấu hiệu đau khớp háng

Ngày càng nhiều người trẻ phải thay ổ khớp háng

Bệnh nhân P.N.H. (36 tuổi, Thanh Hóa) nhập viện vì những cơn đau không chịu nổi ở khớp háng. Ban đầu chỉ là những cơn đau thoáng qua, nên anh H. không lưu tâm. Chỉ đến khi các cơn đau đến dồn dập, mức độ đau ngày càng tăng dần, đi lại khó khăn, anh mới tìm đến cơ sở y tế. Tại đây, anh H. được xác định hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, buộc phải phẫu thuật thay khớp háng.

Theo BS. Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống, BV Việt Đức, chỉ trong vòng hai tuần qua, bác sĩ đã khám và chẩn đoán 4 thanh niên bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Trong đó, hai bệnh nhân đã được phẫu thuật thay khớp, một bệnh nhân chờ phẫu thuật và bệnh nhân còn lại đang điều trị nội khoa thăm dò đáp ứng. Nếu cơn đau không đỡ, chức năng vận động của khớp háng không cải thiện thì cũng sẽ được chỉ định phẫu thuật thay khớp. “Điều đáng nói, tuổi đời của 4 bệnh nhân đều rất trẻ, 3 người đều mới 36 tuổi, bệnh nhân còn lại 40 tuổi”, BS. Khánh cho biết.

"Hoại tử chỏm khớp háng không loại trừ ai, nếu mỗi người không xây dựng cho mình những thói quen sinh hoạt lành mạnh như: Vận động thể dục thể thao, dinh dưỡng đảm bảo và đặc biệt là từ bỏ rượu mạnh và thuốc lá."

BS. Trần Quốc Khánh
Khoa Phẫu thuật cột sống, BV Việt Đức

Cũng liên quan đến căn bệnh này, theo thống kê của Khoa Phẫu thuật khớp, BV T.Ư Quân đội 108, hàng năm, tiến hành phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho khoảng 500 trường hợp, trong đó khoảng 60% bệnh nhân bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Ngoài một số ít nguyên nhân gây bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi đã được xác định như: Chấn thương, tia xạ, thuốc corticoid… còn lại các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh của phần lớn các bệnh nhân, mà chỉ thấy một số yếu tố liên quan như: Sử dụng corticoid kéo dài, nghiện rượu, thuốc lá…

Theo BS. Khánh, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là tình trạng chỏm xương đùi (một bộ phận cấu thành của khớp háng) bị hoại tử do thiếu máu nuôi. Bệnh thường diễn biến âm thầm, nên khi người bệnh bắt đầu thấy đau khớp háng có nghĩa đã bị bệnh một thời gian. Với bệnh này, giải pháp hữu hiệu và triệt để nhất vẫn là phẫu thuật thay khớp háng. Các giải pháp như: Uống thuốc, tập phục hồi chức năng, khoan giảm áp - tế bào gốc… đều chỉ mang tính tạm thời với mục đích kéo dài thời gian trì hoãn mổ.

“Bệnh gặp chủ yếu ở nam giới, chiếm tới 80%. Nếu tuổi trung bình bị bệnh trước kia dao động từ 40-50 tuổi thì hiện nay bệnh đã có xu hướng trẻ hóa rõ ràng khi có rất nhiều nam thanh niên mới 30 tuổi đã bắt đầu hoại tử chỏm xương đùi”, BS. Khánh cảnh báo.

Nguyên nhân từ lạm dụng rượu mạnh và thuốc lá

Theo chia sẻ của BS. Khánh, khi khai thác tiền sử, cả 4 bệnh nhân đều có một điểm chung là uống rượu nhiều và hút thuốc lá. Nhóm nguyên nhân nổi bật gây hoại tử sớm chỏm xương đùi ở thanh niên là do lạm dụng quá nhiều rượu mạnh và hút thuốc lá, những chất này là yếu tố chính làm tổn thương và tắc các mao mạch nuôi dưỡng cho chỏm đùi, dẫn đến các tế bào xương - sụn vùng chỏm bị thiếu máu và hoại tử. Ngoài ra, những nguyên nhân khác có thể do các bệnh lý toàn thân như: Tiểu đường, các bệnh tự miễn, bệnh nhân dùng quá nhiều corticoid, những tai nạn liên quan đến khớp háng (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi...) và những công nhân lặn sâu, hầm mỏ (khí ép)...

BS. Khánh cũng cho biết, thương tổn có thể ở một hoặc hai bên khớp háng, khoảng 70% các trường hợp tổn thương xuất hiện một bên. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì đặc biệt. Giai đoạn muộn hơn, triệu chứng chính là đau khớp háng bên tổn thương. Đau thường xuất hiện từ từ, tăng dần và tăng lên khi đi lại hoặc đứng lâu, giảm khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân thường không có các biểu hiện toàn thân như sốt… trừ các triệu chứng của bệnh nền nếu có như bệnh lupus ban đỏ…

Theo khuyến cáo của BS. Khánh, khi thấy đau khớp háng, đặc biệt lúc ngồi xổm hoặc xoay háng vào trong - ra ngoài (có thể bị một bên hoặc cả hai háng) đồng nghĩa với việc bệnh nhân nên nghĩ tới căn bệnh hoại tử chỏm xương đùi và nên đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán bệnh. Với bệnh này, giải pháp hữu hiệu và triệt để nhất vẫn là phẫu thuật thay khớp háng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.